Khuyến khích nam, nữ kết hôn và sinh con sớm: Trước khi phản đối, hãy lắng nghe...

Việc kết hôn và sinh con muộn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Việc kết hôn và sinh con muộn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Thời gian vừa qua, thông tin “khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi” nhận được nhiều ý kiến phản đối của những người trẻ. Lý do bởi nhu cầu tận hưởng cuộc sống của nhóm người trẻ rất cao và vì thế nhiều nam, nữ và cặp vợ chồng đã, đang trì hoãn việc kết hôn, có con để tận hưởng cuộc sống.

Thực ra việc “khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi” không phải là thông tin mới. Đây chính là nội dung của Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 28/4/2020 với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Ngay từ khi Quyết định 588 ban hành, nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận, nhất là người trẻ và hàng năm vào các dịp tháng 7 và tháng 12 có dịp Ngày Dân số thế giới và Ngày Dân số Việt Nam thì thông tin lại trở nên nóng hổi.

Nhiều địa phương mức sinh không chỉ giảm mà còn giảm sâu

Mới đây, ngày 10/11/2023, Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế và Công ty TNHH Merck Healthcare tổ chức Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự sụt giảm mức sinh tại Việt Nam và thông điệp khuyến khích nam, nữ kết hôn và sinh con sớm trước độ tuổi 30 và 35.

Theo đó, ThS.BS. Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS- KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ mức chết cao sang mức chết thấp, từ cơ cấu “dân số trẻ” sang giai đoạn “già hoá dân số” và chuyển sang “dân số già”...

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 mức sinh cao chiếm 42% dân số (33 tỉnh/thành phố) tập trung tại các vùng phía Bắc, mức sinh thông thường chiếm 19% dân số (9 tỉnh/thành phố) và mức sinh thấp chiếm đến 39% dân số (21 tỉnh/thành phố). Mức sinh toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (trừ Bình Phước) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ giảm mà còn giảm sâu, có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp tới 1,48 con. Nếu dưới 1,3 sẽ không có khả năng khôi phục mức sinh thay thế.

Cũng theo ông Sơn, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”. Đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời nhằm cải thiện mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho vùng mức sinh thấp đó là: Tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con; Các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội, đối với gia đình và chăm sóc bố, mẹ khi về già; Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt…

Cùng với đó, tổ chức thí điểm và từng bước mở rộng các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp. Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như: Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi; Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ; Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con; Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con… Để đạt được điều này, theo BS Mai Trung Sơn, đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ trong thời gian tới.

Kết hôn muộn, sinh con muộn, thì sao?

Tỷ lệ sinh thấp, thiếu hụt nhân lực lao động, dân số già kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Tỷ lệ sinh thấp, thiếu hụt nhân lực lao động, dân số già kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình của người Việt đã tăng liên tục trong những thập kỷ qua. Từ mốc 24,4 tuổi năm 1989 lên 27,9 vào năm 2020. Cá biệt, một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới đã xấp xỉ 30.

Từ góc nhìn của xã hội học, việc kết hôn và sinh con muộn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Trả lời truyền thông, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu thanh niên cho biết, theo quan niệm truyền thống, nam nữ đến tuổi trưởng thành phải dựng vợ, gả chồng. Và khi đã lập gia đình thì phải sinh con. Bởi mục tiêu của các gia đình, nhất là trong nền văn hóa phương Đông thì việc sinh con là tất yếu, để duy trì nòi giống, nối dõi tông đường, có người thờ phụng.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại thì tư tưởng, quan niệm truyền thống dường như ít chi phối đến suy nghĩ, hành động của người trẻ. Vì thế, các cặp vợ chồng không hướng đến mục tiêu kết hôn, sinh con chỉ để duy trì nòi giống hay nhằm thỏa mãn yêu cầu, kỳ vọng từ phía cha mẹ, dòng họ. Mặt khác, áp lực cơm, áo, gạo, tiền... ngày càng tăng thì dường như việc sinh con vô tình trở thành gánh nặng cho các cặp vợ chồng. Khi chưa chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho cuộc sống có con thì các cặp vợ chồng sẽ không vội vàng sinh con.

Bên cạnh nguyên nhân trì hoãn kết hôn, trì hoãn sinh con để tận hưởng cuộc sống của một bộ phận người trẻ thì chuyện kết hôn với nam giới tại Việt Nam lại càng khó khăn hơn do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Với tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay và tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại, thì dự kiến, chúng ta sẽ có 1,5 triệu nam giới bị dư thừa do không có đôi vào năm 2034 và tới năm 2050, sẽ có tới hơn 4 triệu nam giới phải đối diện nguy cơ không lấy được vợ.

Về những ảnh hưởng của xu hướng kết hôn và sinh con muộn có thể xảy đến với bản thân các cặp vợ chồng và tác động đến cơ cấu dân số xã hội, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, khi tỷ lệ sinh thấp, quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh hơn và tạo gánh nặng về phúc lợi xã hội. Việc con quá nhỏ trong khi bố mẹ đã lớn tuổi cũng gây ra áp lực cho mỗi gia đình trong cả việc chăm sóc con cũng như chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt trong bối cảnh các gia đình sinh ít con mà các cặp vợ chồng lại trì hoãn việc sinh con thì sẽ gây áp lực rất lớn, gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước...

Từ góc độ của ngành Y, trên website Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Sim - Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và Sơ sinh cho biết, việc khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con là hoàn toàn có căn cứ khoa học, đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như tinh thần cho các cặp vợ chồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc của mỗi gia đình.

Lý giải về nguyên nhân cần kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con, bác sĩ Sim cho biết, khả năng sinh sản của cả nam và nữ đều suy giảm theo độ tuổi. Ở nữ giới, số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian, khiến việc thụ thai sau tuổi 35 sẽ khó có thai tự nhiên hơn rất nhiều. Khoảng 80% các cặp vợ chồng sẽ có thai sau 6 tháng quan hệ thường xuyên. Khả năng này sẽ giảm một nửa ở tuổi gần 40 so với những phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi.

Còn ở nam giới, mặc dù tinh trùng được tái tạo liên tục nhưng khả năng sinh sản cũng suy giảm theo độ tuổi. Lượng tinh dịch, số lượng tinh trùng và khả năng vận động của tinh trùng, khả năng quan hệ tình dục cũng bị ảnh hưởng khi tuổi càng cao, đặc biệt với những người thường xuyên chịu áp lực công việc cao hay sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, nếu nam giới sinh con ở độ tuổi trên 45 thì thai nhi có nguy cơ bị sẩy và các bất thường liên quan đến di truyền ở trẻ sinh ra rất cao...

Phát triển không bền vững về con người - một thách thức hàng đầu

Tại Hội thảo ngày 10/11 vừa qua, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, dự báo tình trạng thiếu lao động do việc kết hôn muộn, thậm chí là ngại kết hôn, ngại sinh con sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ XXI. Các quốc gia đang rơi vào tình trạng này đều đang tìm mọi cách để khắc phục.

Đơn cử như tại Hàn Quốc, một trong những nơi có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, đang hỗ trợ 2 triệu Won cho mỗi trẻ em chào đời tại Thủ đô Seoul và đang đề xuất cho phép mỗi cặp vợ chồng hưởng chế độ thai sản kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như hiện nay. Đây là nỗ lực thay đổi về mặt chính sách trong bối cảnh có tới 3/4 phụ nữ trong độ tuổi 20 - 40 tại nước này coi việc kết hôn là không cần thiết. Tại Nhật Bản, trước thực trạng tỷ lệ sinh thấp, chủ yếu là do xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn, việc tăng cường chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân kết hôn cũng là lựa chọn bắt buộc. Từ tháng 4/2021, các cặp đôi mới kết hôn ở Nhật Bản có thể được nhận khoản trợ cấp tới 600.000 Yên (khoảng 5.700 USD), tất nhiên còn tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể kèm theo...

Đọc thêm

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024
(PLVN) -  Năm 2024 là một năm đặc biệt đối với Công đoàn Việt Nam, đánh dấu kỷ niệm 95 năm thành lập và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn. Các hoạt động nổi bật của tổ chức công đoàn đã không chỉ củng cố niềm tin của người lao động, mà còn khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên.

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi
(PLVN) -  Sáng 13/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi TP Hà Nội năm 2024 nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Sự kiện có sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tại sao thí sinh 'lệch' khối thi xã hội?

Những năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối ngành xã hội luôn áp đảo khối tự nhiên. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHKHXHNV- ĐHQGHN)

(PLVN) - Năm 2024, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây..