*Khủng hoảng tài chính - tiền tệ đã có định nghĩa rõ ràng, nhưng “Khủng hoảng nhân đạo” nghĩa là gì? Gọi như thế có hợp lý không? (Phan Phương Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng)
- “Khủng hoảng nhân đạo” là từ dịch từ tiếng nước ngoài, chẳng hạn tiếng Anh là Humanitarian crisis. [Humanitarian (danh từ): người theo chủ nghĩa nhân đạo; (tính từ): nhân đạo. Crisis (danh từ, số nhiều là crises): sự khủng hoảng; cơn khủng hoảng]. Tương tự, theo cách thành lập từ của tiếng Anh, còn có political crisis: khủng hoảng chính trị; a cabiner crisis: khủng hoảng nội các; economic crisis: khủng hoảng kinh tế...
Ngày 21-12-2009, trên trang http://www.msf.org của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (tiếng Pháp: Médecins sans frontières, viết tắt MSF - một tổ chức phi chính phủ quốc tế do một số bác sĩ người Pháp thành lập vào năm 1971 với mục đích nhân đạo) có bài “‘Top Ten’ humanitarian crises: Aid blocked and diseases neglected” (“Top 10” khủng hoảng nhân đạo: Sự trợ giúp bị khóa chặt và bệnh tật bị thờ ơ). Các báo Việt Nam đã dịch là “10 khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới”, nói về những hình ảnh bạo lực, đói ăn, bệnh tật tràn lan ở Somalia, Sri Lanka, Pakistan, Sudan.
Như vậy, khủng hoảng nhân đạo được hiểu là tình trạng nguy cấp đáng sợ về sự thiếu thốn trong cứu giúp nhân đạo, như tít đề “Philippines: 240 người chết, khủng hoảng nhân đạo vì bão Ketsana” trên www.baomoi.com [Thứ ba, 29/09/2009, 13:52(GMT+7)]. Báo này viết: “Chính phủ Philippines đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc sau khi họ thông báo hàng trăm ngàn người đã đổ tới các trung tâm - nơi lương thực, thuốc men và hàng tiếp tế khác trong tình trạng cực kỳ thiếu thốn”.
Cũng cùng trường nghĩa này, mới đây, thảm họa động đất ở Haiti cũng đã khiến cho một số báo, như Sài Gòn Giải phóng [Thứ bảy, 16/01/2010, 02:14 (GMT+7)] rút tít “Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại Haiti” và đưa tin cụ thể: “Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ước tính, hiện đang có 3,5 triệu người dân tại Haiti đang cần viện trợ lương thực, nước uống. Các chuyên gia y tế lo ngại, sau thảm họa động đất sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo nếu người dân không được cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống. Đáng ngạc nhiên là những lo ngại này lại xuất phát từ các nỗ lực cứu trợ của cộng đồng quốc tế”.
Lộ Hạc là nước nào?
- Trong hai câu thơ tương truyền là của vua Lê Thánh Tôn “Tam canh dạ tĩnh Ðồng Long nguyệt/ Ngã cố phong thanh Lộ Hạc thuyền” thì Lộ Hạc nghĩa là gì? Có người viết thành Lộ Hạt thì đúng hay sai? (Trương Thành An, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Đây là hai câu thơ rất nổi tiếng của vua Lê khi ngài trên đường thân chinh mở cõi về phương Nam đã dừng chân ở vùng đất ngày nay có tên là Đà Nẵng. Nhưng rất tiếc, đã có một số người chép sai. Hai câu thơ bạn đọc dẫn ở trên đã bị chép sai hai từ: ngũ cổ (năm tiếng trống) chứ không phải ngã cố. Cả hai câu nghĩa là: Trăng Ðồng Long ba canh đêm tĩnh/ Thuyền Lộ Hạc năm trống (canh) gió thanh; hoặc dịch thơ thành “Đêm khuya trăng rọi Đồng Long/ Thuyền buôn Lộ Hạc chập chừng gió khua”.
Trong bài “Ðà Nẵng qua cái nhìn Địa lý, Văn hóa, Lịch sử” đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 54B tháng 8-1998, GS Trần Quốc Vượng giải thích: “Ðồng Long là tên vùng biển nam Hải Vân; Lộ Hạc là tên nước (Locac = bán đảo Mã Lai nay - TQV), người nước này hay đi thuyền đến đây buôn bán”.
Phải viết Lộ Hạc mới đúng, vì hai lẽ: Phiên âm sát với từ gốc chỉ địa danh Locac; Hạc (chim hạc) mới đối chỉnh với Long (con rồng) ở vế trên.
ĐNCT
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.