Được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng với nhiều hạng mục để đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thế những sau khi đi vào khai thác kém hiệu quả, Khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế ) đã phải đóng cửa.
Hàng chục tỷ đồng phơi mưa phơi nắng
Khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 10km về phía Tây Nam. Vào năm 2001, dự án khu vui chơi giải trí này được khởi công, do Công ty Du lịch Cố đô đầu tư với diện tích 495.929 m2. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn hơn 70 tỷ đồng, với rất nhiều hạng mục.
Nhà đầu tư đã cho xây dựng khu du lịch thủy cung, hệ sinh thái đa dạng, phong phú từ các loài cá đầy sắc màu ấn tượng đến những loài bò sát quý hiếm, sân khấu nhạc nước với sức chứa 2.500 chỗ ngồi, hệ thống 20 phòng ngủ cao cấp nằm đan xen trên các triền đồi.
Sân khấu nhạc nước với sức chứa 2.500 chỗ ngồi nhưng hiện chỉ còn là những hàng ghế phủ kín cỏ dại |
Đến giữa năm 2004, khu vui chơi mở cửa đón khách. Tuy nhiên do đầu tư dang dở, hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được du khách nên khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên đã đóng cửa. Sau đó, vào năm 2008, Công ty Du lịch Cố đô đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Haco Huế làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Haco Huế đã thiết kế lại dự án với tổng kinh phí dự kiến đầu tư tiếp tục là 270 tỷ đồng. Thế nhưng từ đó đến nay, công trình vẫn giậm chân tại chỗ, tất cả các hạng mục bị bỏ hoang.
Vào năm 2016, Tờ The Huffington Post của Mỹ từng có bài viết về khu du lịch hồ Thủy Tiên “Công viên nước bỏ hoang ở Việt Nam, không dành cho những kẻ yếu tim”, phản ánh sự hoang tàn, đổ nát của khu du lịch này. Cũng kể từ đó, nơi này trở thành địa điểm thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.
Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thu hồi đất dự án khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên cùng các công trình trên đất của dự án, bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) quản lý.
Lên phương án “giải cứu”
Trước thực trạng khu vui chơi giải trí tiền tỉ bỏ hoang nhiều năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế , ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc bỏ hoang như hiện nay là một sự lãng phí lớn, cảnh quan nơi đây là một địa điểm lý tưởng để hình thành Khu công viên văn hóa phục vụ cộng đồng, không gian sáng tạo đương đại, công viên vườn tượng,…
Theo đó, nhằm khai thác tối đa các yếu tố hiện trạng kiến trúc, cảnh quan, địa hình và hiện trạng sử dụng đất của khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo cần sớm hoàn thành việc xử lý tài sản trên đất để triển khai dự án đầu tư phù hợp.
Trên diện tích khoảng 20 ha đất, nhà đầu tư đã cho xây dựng khu du lịch thủy cung, hệ sinh thái đa dạng… |
Gợi mở về các ý tưởng cho việc đầu tư tại khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng cần tập trung khai thác tuyến đường đi bộ, nuôi thú, dịch vụ xe đạp thông minh gắn với một số hoạt động thể thao, vui chơi thưởng ngoạn cho khách và người dân địa phương. Cần tìm hiểu các mô hình công viên vườn thú kiểu mẫu ở các nước trên thế giới có điều kiện khí hậu tương tự như ở Huế để thực hiện tại khu đất đồi Thiên An.
Để thực hiện tốt dự án, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các sở ban ngành, các địa phương nghiên cứu xây dựng tuyến đường dân sinh cho người dân trong vùng để không ảnh hưởng đến khu vực phát triển dự án, khu vực vào hồ Thủy Tiên. Giao sở Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, UBND thị xã Hương Thủy tổ chức điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch hồ Thủy Tiên; đề xuất phương án giữ nước tại hồ Thủy Tiên để đảm bảo việc khai thác cảnh quan hiệu quả.