Quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên được điều chỉnh đã giúp tỉnh gỡ nút thắt, tồn tại thời gian qua, đồng thời tạo động lực, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, nhằm thu hút được những nhà đầu tư lớn.
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1226/QĐ-TTg, ngày 24/10/2023) và được UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ công bố vào ngày 7/11/2023, KKT Nam Phú Yên có diện tích 20.730ha; có 8 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.206ha, trong đó có 2 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích 174,68ha (KCN Hòa Hiệp 1, KCN Hòa Hiệp 2), 6 KCN chưa được đầu tư xây dựng.
Với những tiềm năng, lợi thế đặc trưng, Khu Kinh tế (KKT) Nam Phú Yên được xác định là 1 trong 8 KKT ven biển trọng điểm của cả nước, có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để trở thành một trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khu vực này đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.
Bản đồ định hướng phát triển không gian Khu kinh tế Nam Phú Yên. |
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, việc điều chỉnh Quy hoạch lần này là bước đi quan trọng, là nền tảng vững chắc để Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị dịch vụ - du lịch, lấy sự phát triển của công nghiệp, cảng biển,… là hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian đến.
Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KTT) Phú Yên, với những lợi thế to lớn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông, nhưng thời gian qua, việc thu hút đầu tư và phát huy những lợi thế này của Khu Kinh tế Nam Phú Yên còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thực tế thời gian qua đã có một số nhà đầu tư lớn quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, khu công nghiệp... trong Khu kinh tế Nam Phú Yên nhưng gặp nhiều vướng mắc.
Trước thực trạng đó, tỉnh Phú Yên đã nghiên cứu xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040. Theo đó, thay đổi lớn nhất của đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này là điều chỉnh mục tiêu phát triển của KKT Nam Phú Yên, từ đó nhằm chuyển dịch rõ rệt cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ngoài việc kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại hạn chế đối với sự phát triển của KKT Nam Phú Yên trong thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Yên đều xác định rằng, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, nhằm thu hút được những nhà đầu tư lớn, chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh, góp phần to lớn đưa Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.
Cụ thể, tỉnh Phú Yên xác định điều chỉnh Khu kinh tế Nam Phú Yên từ KKT tổng hợp thành KKT tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng… vào Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc.
Bên cạnh đó, Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên được xây dựng, hoàn thiện phù hợp và đồng bộ với Đồ án Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, với mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Trong đó, kinh tế phát triển dựa trên lợi thế, tiềm năng với 3 trụ cột công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng) được hình thành, phát triển ở phía Nam của tỉnh mà hạt nhân là Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
Ông Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bìa trái) và ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Ban Quản lý KKT Phú Yên (thứ 2 bên phải) nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết thêm: Đồ án quy hoạch điều chỉnh lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên đều quán triệt rằng, đây mới là kết quả bước đầu, để hiện thực hóa quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển KKT Nam Phú Yên còn rất nhiều công việc phải làm với những khó khăn, thách thức rất lớn.
“Do đó, chúng tôi mong rằng, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân Phú Yên cùng đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện bằng ý chí và hành động cụ thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đồ án quy hoạch điều chỉnh lần này để xây dựng Phú Yên thành nơi đáng sống, hạnh phúc, trù phú và bình yên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Phú Yên đã đề ra", ông Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh.
Với vai trò, trách nhiệm của đơn vị, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên Nguyễn Xuân Hùng cho biết luôn quyết tâm, nỗ lực hết mình cùng tập thể CBCNV Ban QLKTT Phú Yên vì mục tiêu quan trọng nhất là góp phần mang lại sự phát triển bền vững của KKT Nam Phú Yên trong thời gian tới.
Đồng thời, ông Hùng cũng bày tỏ sự phấn khởi, niềm tin phát triển bền vững khi luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Nhất là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn với những lời khẳng định và cam kết trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư mà vị chủ tịch này đã chia sẻ: "Tỉnh Phú Yên đang mở rộng cánh cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để tìm cơ hội đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đến với Phú Yên, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, với phương châm thành công của nhà đầu tư, của doanh nghiệp chính là thành công của Phú Yên".
Theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 có 05 mục tiêu và 03 tính chất, một trong năm mục tiêu đó là: “Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng,… vào KCN Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực. Tạo điểm bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.