Đằng sau sự việc đất “vàng” bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên Nhà nước, còn hé lộ những vi phạm nghiêm trọng việc thỏa thuận chuyển nhượng đất đai và những dấu hiệu bất thường trong công tác quản lý đất đai tại địa phương này.
Theo hồ sơ, Trung tâm Khoa học Công nghệ tin học - xây dựng Hải Dương (gọi tắt là Trung tâm), trụ sở 529 Nguyễn Lương Bằng, phường Thanh Bình, TP Hải Dương thuộc Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng UIA (trụ sở số 1 Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 1477/QĐ – UB ngày 11/9/1995 của UBND tỉnh Hải Dương. Đây là tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hoạt động sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng.
Ngày 24/4/2002, tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định 1680/QĐ –UB, về việc giao 4.640m2 đất tại các thửa 60 – 62, tờ bản đồ số 11 (số 30, đường Tuệ Tĩnh, phường Thanh Bình) cho Trung tâm để thực hiện Dự án nói trên. Khu đất này có vị trí là đất “vàng” ở Hải Dương.
Đến ngày 28/12/2002, tại vị trí đất trên, tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 5629/QĐ –UB cấp “sổ đỏ” cho Trung tâm, để xây dựng trụ sở và xưởng thực nghiệm; mục đích sử dụng đất lâu dài.
Sau khi được giao đất, Trung tâm hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Ngày 17/1/2005, Sở Xây dựng cấp Giấy phép số 01/GPXD cho Trung tâm được phép xây dựng công trình nhà ở cán bộ, công nhân viên. Ngày 23/8/2006, Sở Xây dựng tiếp tục cấp Giấy phép xây dựng số 20/GPXD cho phép xây dựng công trình nhà xưởng thực hành và sản xuất; nhà đào tạo (Giấy phép có hiệu lực khởi công xây dựng, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp).
Được cấp phép xây dựng, Trung tâm tiến hành san lấp mặt bằng, xây tường bao; các công trình phụ trợ phục vụ công trình chính, xây dựng một số hạng mục công trình chính và thực hiện đầu tư xây dựng những hạng mục công trình khác với giá trị nhiều tỷ đồng.
Đang xây dựng thì năm 2007, Trung tâm có đơn xin trả lại đất do khó khăn về tài chính, không đủ năng lực thực hiện Dự án. Dù xin trả lại đất nhưng Trung tâm vẫn tiến hành xây dựng một số hạng mục của Dự án. Việc xây dựng tiếp theo này bị UBND phường Thanh Bình và UBND TP Hải Dương ra Quyết định yêu cầu ngừng thi công. Hơn thế, phường Thanh Bình còn ra Quyết định cưỡng chế, phá dỡ các công trình và cho rằng đây là công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Hơn 10 năm trôi qua kể từ khi Dự án bị các cơ quan chức năng Hải Dương “tuýt còi” vì cho rằng vi phạm, lãnh đạo Liên hiệp UIA là cơ quan chủ quản của Trung tâm đã gửi đơn đến các cơ quan, ban, ngành Hải Dương kiến nghị tố cáo, cho rằng chính quyền phường Thanh Bình và TP Hải Dương đình chỉ, cưỡng chế công trình là trái phép.
Ngoài ra, Liên hiệp UIA còn yêu cầu làm sáng tỏ những sai phạm nghiêm trọng trong việc thỏa thuận mua bán đất trái pháp luật của ông Ngô Văn Tuyên, nguyên lãnh đạo Trung tâm.
Theo đó, vào năm 2007, khi Dự án trên đang dang dở thì ông Tuyên thời điểm đó đã thỏa thuận nhận tiền; bàn giao tài liệu, đất đai, chứng từ tài chính cho một công ty, rồi bỏ đi bặt vô âm tín.
Đơn khiếu nại, tố cáo của UIA được các cơ quan chức năng Hải Dương nhiều lần thanh kiểm tra, đưa ra kết luận đồng thời đề xuất lãnh đạo tỉnh hướng xử lý.
Kết luận Thanh tra số 429/KL – TNMT của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, ngày 21/10/2008, nêu: Việc triển khai Dự án chậm, đến nay hầu hết diện tích vẫn bỏ hoang vi phạm luật đất đai. Sở Tài nguyên & Môi trường kiến nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích 4.640 m2 đất để UBND TP Hải Dương quản lý.
Tuy nhiên đến nay Hải Dương vẫn đang loay hoay trong cách giải quyết và 4.640 m2 đất “vàng” bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm gây lãng phí tài nguyên của Nhà nước.
Có hay không dấu hiệu “đi đêm” của vị Giám đốc đã “biệt tích” nhiều năm qua? Vì năng lực quản lý tài nguyên đất yếu kém của các ngành chức năng tỉnh Hải Dương, hay phải chăng có những góc khuất của Dự án chưa được làm sáng tỏ, nên sự việc mới như vậy?
Mời bạn đọc xem tiếp trên số báo sau.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu