Cảnh quan kỳ vỹ, độ đa dạng sinh học cao
Do có những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, độ đa dạng sinh học, ngay từ năm 1994, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với diện tích trên 33.000 ha. Hiện nay huyện Na Hang và Lâm Bình được tách ra, khu bảo tồn được điều chỉnh lên 60.000 ha, trong đó có 8.000 ha mặt nước vùng lòng hồ.
Ông Khổng Văn Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang cho biết, trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý…
Tuy chưa điều tra đầy đủ nhưng khu bảo tồn bước đầu đã ghi nhận được 88 loài thú, 294 loài chim, 30 loài bò sát và 18 loại lưỡng cư, 300 loài bướm, 40 loài dơi, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá dầm xanh, anh vũ, lăng, chiên, bỗng.
Nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới. Tại đây có 8 loài khỉ, trong đó voọc mũi hếch, voọc đen má trắng thuộc loại quý hiếm. Quỹ bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.
Năm 1992, vùng rừng nhiệt đới trên núi đá vôi ở huyện Na Hang đã gây ra sự chú ý lớn đối với các nhà khoa học trong việc tái phát hiện quần thể voọc mũi hếch. Đây là loài linh trưởng đang trong tình trạng rất nguy cấp trên toàn cầu, có tên trong Sách đỏ thế giới. Theo cán bộ kiểm lâm tuần rừng huyện Na Hang, Lâm Bình, hiện nay đàn voọc mũi hếch trên địa bàn ước còn khoảng 50 cá thể.
Để có căn cứ bảo tồn nghiêm ngặt loài voọc mũi hếch, Tổ chức PRCF Việt Nam (Tổ chức Con người - Tài nguyên và Bảo tồn Việt Nam) phối hợp với huyện Na Hang, Lâm Bình tiếp tục có chuyến khảo sát thực địa tại khu vực.
Khu bảo tồn Nà Hang- Lâm Bình |
Trong thời gian khảo sát, đoàn đã phát hiện ra một số dấu hiệu để lại, nhưng không quan sát trực tiếp thấy voọc mũi hếch. Như vậy, đoàn đã khẳng định còn sự xuất hiện của voọc mũi hếch tại khu vực này nhưng số lượng bao nhiêu thì chưa rõ. Hiện kiểm lâm địa bàn đang được tăng cường các thiết bị máy quay, chụp ảnh để ghi lại sự xuất hiện của loài voọc mũi hếch trên địa bàn.
Tiềm năng du lịch
Mấy năm gần đây tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, giữ gìn cảnh quan nguyên sinh, hoang sơ của khu bảo tồn. Nhiều bản làng dân tộc thiểu số được quy hoạch thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch homestay đã bắt đầu phát triển.
Một số doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong nước và quốc tế bắt đầu hợp tác khảo sát tour tuyến, liên kết khai thác du lịch, nhằm biến nơi đây trở thành “trung tâm du lịch của miền Bắc” trong một thời gian không xa.
Bà Triệu Thị Xướng, chủ homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) khẳng định, khu bảo tồn đã mang lại giá trị to lớn cho cuộc sống của người dân. Biết bảo vệ, giữ gìn “vẻ đẹp trời cho” này du lịch Na Hang, Lâm Bình chắc chắn sẽ có nhiều du khách muốn đến để trải nghiệm.
Nhân dân hai huyện Na Hang, Lâm Bình và du khách thập phương phấn khởi khi biết tin tại Ngày hội Văn hóa du lịch vùng cao Na Hang năm 2018 tổ chức tại xã Hồng Thái vào ngày 13 và 14/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định công nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình là danh thắng Quốc gia.
Trước đó, tỉnh ta và tỉnh Bắc Kạn đã khảo sát, hội thảo, phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể-Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Hai khu bảo tồn này có một vùng đệm và 2 vùng lõi rộng lớn là Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, Lâm Bình, Vườn quốc gia Ba Bể.
Trên thực tế hai khu bảo tồn này đã kết nối tua tuyến du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - hồ thủy điện Tuyên Quang - Bắc Mê (Hà Giang) và ngược lại qua Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” rất có hiệu quả.
PGS.TS Đỗ Công Thung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể- Na Hang đủ các tiêu chí đề cử là di sản thiên nhiên thế giới. Hiện nay hồ sơ khoa học của khu bảo tồn đang được các nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu của Việt Nam phối hợp với tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện để trình UNESCO.
Việc tỉnh Tuyên Quang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu bảo tồn Na Hang, Lâm Bình là Danh thắng Quốc gia là bước đầu để hiện thực hóa con đường hành trình đến danh hiệu cao quý là Di sản thiên nhiên thế giới.