Những “kho báu” cần khám phá
Thống kê từ Bộ VH,TT&DL, hiện cả nước có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang lưu giữ trên 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, mỹ thuật… Nhiều hiện vật quý, độc nhất vô nhị, mang giá trị lịch sử to lớn.
Đơn cử như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ gần 250.000 tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật đặc biệt quý hiếm. Hơn 20 hiện vật trong số đó đã được công nhận (trong tổng số 188) là Bảo vật quốc gia. Trong đó có những tài liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về giai đoạn trước và về sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 có vị trí đặc biệt tại Bảo tàng. Còn có hàng loạt chuyên đề trưng bày khác liên quan đến những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang có hơn 40 nghìn tài liệu hiện vật với nhiều chủ đề đa dạng. Mới đây, Bảo tàng được nhà sưu tầm Mark Rapoport trao tặng gần 500 hiện vật trong tổng số hơn 650 hiện vật mà ông sưu tầm được về văn hóa và dân tộc thiểu số Việt Nam.
Bảo tàng chứng tích chiến tranh đã lưu trữ, nghiên cứu và sưu tầm hơn 20.000 tài liệu, hơn 1.500 hiện vật và phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở các chuyên đề trưng bày thường xuyên.
Thực tế, đối với các di sản, nếu chỉ giữ nguyên để bảo tồn thì khó lòng có thể khám phá được tiềm năng của di sản, đồng thời di sản cũng dễ dàng bị lãng quên theo thời gian. Chỉ có đưa vào thực tế ứng dụng, biến di sản thành công cụ để tham quan, tìm hiểu, giáo dục lịch sử... thì mới có thể giúp di sản đi vào đời sống, phát huy hết giá trị của di sản trong đời sống văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Với số lượng bảo tàng và “kho báu” hiện vật khổng lồ, hoàn toàn có tiềm năng để hoạt động bảo tàng phát triển mạnh mẽ, sáng tạo và bền vững thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nhiều tour hấp dẫn
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra với phát triển du lịch văn hóa có gắn với các bảo tàng.
Nhận thấy rõ tiềm năng từ việc phát huy giá trị của các bảo tàng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách, Bộ VH,TT&DL đã có định hướng và chỉ đạo việc gắn kết để phát triển giữa hai ngành. Thời gian gần đây, giữa ngành Bảo tàng và Du lịch đã có những hoạt động cụ thể nhằm kết nối sản phẩm phục vụ và thu hút khách du lịch.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xây dựng tour tham quan theo chủ đề “Highligh tour” phục vụ du khách, với tinh thần giới thiệu, lan tỏa mỹ thuật Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế. Du khách tham gia tour sẽ có cơ hội được tiếp cận những thông tin và kiến thức cần thiết về các tác phẩm nghệ thuật đang được lưu giữ, phát huy tại Bảo tàng, khám phá những câu chuyện hấp dẫn phía sau hiện vật, tham gia hoạt động trải nghiệm mỹ thuật thú vị dành cho những người yêu nghệ thuật, mong muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn các công ty lữ hành, những công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam ủng hộ, cùng chung tay giới thiệu, quảng bá về tour du lịch đặc biệt này, để Bảo tàng trở thành điểm đến thu hút khách, để mỹ thuật nước ta được nhiều người biết đến”.
Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương triển khai dàn dựng chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” với thông điệp sâu sắc gửi tới các thế hệ trẻ hôm nay: Hãy sống một đời đáng sống. Vở diễn sẽ có độ dài khoảng 50 phút, dự kiến ra mắt vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2023 và sẽ công diễn thường xuyên tại sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) để phục vụ đông đảo khán giả và du khách trong nước và quốc tế. Về dàn dựng sân khấu, theo đạo diễn Lê Quý Dương, khán giả sẽ được sống trong không gian của Ngã ba Đồng Lộc chứ không đơn thuần là thưởng thức vở kịch. Sau câu chuyện về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết sẽ dàn dựng các tác phẩm về những nữ anh hùng như bà Ba Định, Võ Thị Sáu, chị Tư Hậu... trong một chiến lược dài hơi, vừa làm sống dậy các câu chuyện lịch sử, vừa thu hút du khách.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng tích cực phối hợp với một số bảo tàng tỉnh, thành phố và các ban, ngành địa phương, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, trưng bày triển lãm. Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử tại bảo tàng” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đón hơn 300 đoàn học sinh đến học tập, tham gia trải nghiệm hằng năm.
Bảo tàng Áo dài Việt Nam linh hoạt thay đổi phương thức tiếp cận công chúng cũng như có những sản phẩm văn hóa phù hợp thích ứng với tình hình mới: Tổ chức trình diễn đờn ca tài tử và các hoạt động văn hóa văn nghệ mới mẻ, có nhiều chương trình nhằm thu hút giới trẻ đến “check in” với áo dài...
Trước đó, ngành Du lịch đã tổ chức thử nghiệm tour du lịch chuyên đề kết nối sản phẩm của bảo tàng, nhà hát với du lịch; tour chuyên đề “Lịch sử Việt Nam - Khám phá từ lòng đất” và “Lịch sử Việt Nam - Bình minh trên các dòng sông”, “Mỹ thuật Việt Nam - Kho báu trong lòng Hà Nội” và “Làng quê Việt Nam - Một góc nhìn...
Du lịch văn hóa luôn là loại hình được nhiều du khách yêu thích. Trong đó, hệ thống bảo tàng, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đóng vai trò quan trọng. Nếu chúng ta biết trân trọng, đầu tư, khai thác, phát huy chúng một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn ngày càng nhiều khách tham quan.