Giá lương thực, thực phẩm liên tục leo thang, các bà nội trợ thắt lưng buộc bụng. Ảnh minh họa
Dự báo CPI tháng 8 tăng khoảng 1%
Hôm 2/8, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã đưa ra dự báo khá lạc quan về tình hình giá trên thị trường trong tháng 8 này. Theo cơ quan QLNN về giá này thì trong tháng 8 sẽ có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực tăng giá. Đó là các cân đối vĩ mô tiếp tục được điều hành để giữ ổn định; nguồn cung lương thực và thực phẩm tăng do vào mùa thu hoạch và nông dân đã tích cực tái đàn; giá vật liệu xây dựng không tăng mạnh, theo quy luật những tháng mưa hoạt động xây dựng không tăng mạnh, chưa kể lượng thép tồn kho đang nhiều… Cục Quản lý giá dự báo CPI tháng 8 nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh như tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nêu ra nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá do ảnh hưởng thị trường thế giới; theo quy luật hàng năm, tháng 8 thường có tốc độ tăng CPI khá cao trong năm do có thể có nhiều mưa bão, do bước vào năm học mới và có ngày rằm tháng Bảy, chuẩn bị cho rằm tháng 8... Cơ quan này cũng không loại trừ khả năng “giá một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường” có thể gây sức ép tăng giá trên thị trường. “Nếu không có yếu tố này, khả năng mức tăng CPI trong tháng 8 không cao hơn mức tăng 1,17% của tháng 7 so với tháng 6...”- báo cáo của Cục Quản lý giá khẳng định.
Cuối tuần qua, Tổ điều hành thị trường trong nước đã dự báo chỉ số giá tháng 8/2011 tăng khoảng 1%, đưa chỉ số giá tháng 8 tăng 15,75% so với tháng 12/2010.
Không lạc hướng với các “phát hiện mới”
Theo số liệu thống kê, năm 2007, tốc độ tăng CPI tháng 8 là 0,6% thì CPI cả năm là 12,6%; năm 2008, tốc độ tăng CPI tháng 8 là 1,6% thì CPI cả năm là 19,9%; năm 2009, tốc độ tăng CPI tháng 8 là 0,2% thì CPI cả năm là 6,5%; năm 2010, tốc độ tăng CPI tháng 8 là 0,23% thì CPI cả năm là 11,74%. Điểm lại diễn biến CPI tháng 8 trong những năm qua và xu hướng biến động của giá cả những tháng gần đây, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: “Lạm phát đang trở nên hết sức khó lường”.
“Thủ phạm” làm CPI tháng 7 bất ngờ tăng được chỉ ra là do giá thực phẩm tăng cao. Đại diện Bộ NN&PNNT cũng thừa nhận giá thực phẩm tăng cao là do cung không đáp ứng cầu.
Tuần trước, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định giá lương thực thực phẩm tăng là do khâu phân phối. Lý do này vừa được tái nhận định bởi một chuyên gia kinh tế hàng đầu với đề xuất cần thiết lập kênh phân phối có hệ thống và chuyên nghiệp.
Không nhất trí cao với nguyên nhân này, một lãnh đạo Cục Quản lý giá cho rằng, sự yếu kém của khâu phân phối chỉ là một yếu tố tác động không lớn tới một số sản phẩm. Còn TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, ở thời điểm này, với diễn biến cung và cầu các mặt hàng quan trọng đã được phân tích, không thể nói nguyên nhân mũi nhọn là hệ thống phân phối. Theo TS.Ánh, một vài tuần gần đây, yếu tố “sự yếu kém trong khâu phân phối” được nhắc đi nhắc lại và được phân tích, bình luận như một “phát hiện mới” về nguyên nhân gây lạm phát.
“Như vậy chả hóa đến lúc này mới nhìn thấy hết nguyên nhân gây lạm phát? Nếu bây giờ mới bàn đến nguyên nhân gây lạm sẽ tạo ra sự sai lầm trong việc kiềm chế lạm phát”- TS. Ánh khẳng định.
Trông chờ vào chính sách tài khóa
Theo TS Ánh, vì sao Việt Nam có lạm phát, những tác động từ bên ngoài, những yếu kém nội tại từ bên trong đã xác định rõ. Từ xác định rõ, đã có Nghị quyết 11. “Điều quan trọng là lo thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát thực sự kiên quyết, triệt để với quyết tâm lớn mới có thể giữ lạm phát ở mức dưới 20%”- TS Ánh phát biểu.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cho đến thời điểm hiện tại, dư địa của chính sách tiền tệ trong việc thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hầu như không còn. Do vậy, việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới trông chờ nhiều vào chính sách tài khóa. Với quan điểm đó, rõ ràng, lạm phát năm nay sẽ ở mức 17%, 18%, 20% hay là bao nhiêu phụ thuộc lớn vào các giải pháp thắt chặt tài khóa và sự kiên định của chính sách tiền tệ.
* Ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quóc gia:
“Lạc quan cũng tốt nhưng dư địa chỉ còn 0,5% mỗi tháng “Lạm phát đã giảm tốc, tức là giảm tốc tháng sau so với tháng trước, nhưng tháng 6 nó xuống 1,09% thì ta đã nói nhiều. Động viên cũng tốt, nhưng đó là tháng mà mức tăng lạm phát cao gấp gần 5 lầm mức lạm phát của tháng 6/2010. Tháng 6/2010 chỉ có 0,23% thôi trong khi tháng 6 năm nay là 1,09%. Chúng ta vừa nói xong như vậy tháng 7 nó lên 1,17% và 1,17% cũng là giảm tốc, cũng nói là đang được kiềm chế vì trước đó có lúc nó lên gần 4%/tháng, nhưng mà tháng 7 năm nay lạm phát tăng gấp 2 lần so với mức lạm phát của tháng 7/2010 (tháng 7/2010 chỉ 0,06%). Vậy tháng 8 sẽ thế nào?. Nếu chúng ta lại nhìn theo lịch sử tháng 8/2010, thì tháng 8/2010, lạm phát lên mức 0,23% so với mức 0,06% tháng 7/2010. Từ tháng 9 cho đến cuối năm nó xấp xỉ 1%/tháng. Vậy thì năm 2011 này, tháng 7 là 1,17% thì tháng 8 sẽ thấp hơn tháng 7 hay bằng, cao hơn? Ai cũng mong muốn và trong công tác thông tin tuyên truyền ngưới ta cũng muốn đưa tín hiệu cho người dân là hy vọng chúng ta kiểm soát được lạm phát như mục tiêu đề ra, nhưng so với mục tiêu đề ra chỉ còn dư địa 2,4%, như vậy bình quân mỗi tháng du di 0,5% từ giờ đến cuối năm, mà quý 4 trở đi là quý theo quy luật của rất nhiều năm bao giờ mức giá cũng tăng cao, chỉ thấp hơn qúy 1 thôi… Lạc quan cũng tốt nhưng không nên nhìn vào tốc độ tăng CPI tháng này so với tháng trước để nhận định về tình hình lạm phát mà phải nhìn vào CPI tính theo năm...”. * Bộ Tài chính: Tăng cường điều hòa thị trường thực phẩm Với dự báo về tình hình giá cả tháng 8/2011, một số biện pháp bình ổn giá đã được Bộ Tài chính đưa ra. Riêng đối với mặt hàng thực phẩm, tập trung vào một số biện pháp trọng tâm, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn, lãi suất cho các trang trại, hộ gia đình khôi phục đàn gia súc, mở rộng sản xuất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường; thực hiện các biện pháp điều hoà thị trường, như đẩy mạnh vận chuyển thực phẩm tới các địa phương đang thiếu, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; giám sát chặt chẽ việc xuất lậu theo lối mòn mặt hàng thực phẩm tươi sống sang các nước có chung đường biên giới; hạn chế tăng chi phí đầu vào đối với ngành chăn nuôi, giết mổ… |
Linh Lan