Bỏ lãi suất cao để hốt họ
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 144 quy định nghiêm cấm tổ chức họ, hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đồng thời, Điều 10 Nghị định 144 chỉ nêu ngắn gọn rằng “trong trường hợp họ có lãi thì lãi suất đối với phần họ được thực hiện theo quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự (BLDS)”. Tuy nhiên trên thực tế, những người cho vay đã biến tướng bằng hình thức cho vay nặng lãi, đôi khi có cả việc lạm dụng hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức trả lãi suất rất cao.
Điển hình, tháng 12/2008, bà Huỳnh Thị Ng, trú tại TP HCM bị hàng trăm đơn tố cáo chiếm đoạt 25 tỷ đồng thông qua hình thức chơi họ, huy động vốn. Theo đơn, bà Ng đã tổ chức 63 dây họ (mỗi dây 51 phần) với hơn 500 người tham gia. Sau khi tạo được lòng tin bằng hứa trả lãi suất cao, bà Ng đã huy động vốn của nhiều người và đến ngày 10/11/2008, khi các họ viên đến hốt họ thì chủ họ nói chưa có tiền để trả và tuyên bố mất khả năng thanh toán. Trường hợp này, nếu giải quyết theo quy định của pháp luật thì khi tính lãi suất, bà Ng lại có lợi vì được Tòa án áp dụng mức lãi suất trần theo BLDS (thấp hơn nhiều so với mức lãi suất họ đã thỏa thuận và được hưởng trước đó).
Theo Báo cáo số 126/BC-VKSTC của VKSNDTC về việc tổng kết thi hành Nghị định 144, từ khi Nghị định 144 có hiệu lực, theo số liệu thống kê, VKSND các cấp đã kiểm sát việc giải quyết 33.809 vụ việc dân sự liên quan đến hoạt động họ, thông qua việc kiểm sát các thông báo thụ lý, kiểm sát các quyết định hòa giải thành, đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc tham gia phiên tòa xét xử một số vụ việc dân sự. Đặc biệt, Báo cáo cũng cho biết, trong việc giải quyết khi có tranh chấp phát sinh về họ không thống nhất với nhau trong trường hợp vỡ họ. Cụ thể, có nơi Tòa án áp dụng Điều 476 của BLDS năm 2005 để buộc trả lãi suất theo Nghị định 144 nhưng có nơi Tòa án cho rằng cần buộc trả số tiền lời từ họ mà lẽ ra thành viên họ được hưởng.
Sẽ quy định cụ thể về lãi suất
Từ thực tiễn của địa phương cũng có tình trạng lợi dụng bỏ lãi suất cao để hốt họ, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau kiến nghị cần có quy định lãi suất phân loại theo từng loại họ, tức là quy định cụ thể riêng biệt về lãi suất áp dụng cho từng loại tranh chấp khác nhau như họ mãn phải khác với họ đang chơi và họ đình như thế nào.
Qua tổng hợp kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, nhất là đã có quy định mới về họ tại BLDS năm 2015, Bộ Tư pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về lãi suất họ đảm bảo phù hợp với BLDS năm 2015 và đặc thù quan hệ về họ. Tính đặc thù này đặt ra nhiều tình huống đa dạng và phức tạp như: Có nhiều người cùng tham gia họ và có nhiều thời điểm trả nợ khác nhau, do đó họ có nhiều đặc điểm khác với vay nợ thông thường, khi có tranh chấp phải giải quyết, nếu tính lãi theo BLDS thì nhiều trường hợp lại gây thiệt hại cho những người cho vay khác;
Lãi suất trong họ do người đi vay tự nguyện đặt ra và tự nguyện trả cho dây họ, người tham gia họ tự thỏa thuận và đưa ra mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất quy định của Nhà nước (lãi suất theo từng kỳ họ là 5-10%); Trong dây họ có cả người phải trả lãi và người được nhận lãi với các mức khác nhau tùy thuộc vào thời điểm được nhận họ.
Xuất phát từ những lý do trên, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 144, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ quy định chi tiết về tính toán lãi suất, giới hạn lãi suất. Theo đó, bổ sung quy định trường hợp họ có lãi thì lãi suất tối đa được thỏa thuận theo quy định tại Điều 468, khi đến hạn chủ họ hoặc thành viên không góp hoặc góp không đủ thì lãi suất đối với phần họ được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 466 BLDS 2015. Với trường hợp họ không lãi mà khi đến hạn chủ họ hoặc thành viên không góp hoặc không góp đủ, sẽ bổ sung quy định lãi suất đối với phần họ được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 466 BLDS 2015. Không những thế, sẽ bổ sung quy định phân loại các loại họ gồm họ đầu thảo, họ hoa hồng và một số loại họ khác như họ mãn, họ đình.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định thay thế dự kiến bổ sung mức giới hạn tối đa mà chủ họ hưởng hoa hồng được hưởng tính theo phần họ mà chủ họ tham gia đóng, thời gian thực hiện dây họ và công sức (hợp lý) của chủ họ trong khoảng thời gian đó để tránh tình trạng tổ chức dây họ nhằm mục đích chính là kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận từ việc hưởng hoa hồng. Trường hợp không có thỏa thuận thì căn cứ vào mức hưởng trước đó hoặc mức hưởng trung bình của các dây họ cùng địa phương hoặc theo mức hưởng thông thường áp dụng trên thị trường…