VÌ CUỘC SỐNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ

Không tăng mạnh thuế thuốc lá, Việt Nam khó đạt mục tiêu sức khỏe cộng đồng

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Thanh Hà).
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Thanh Hà).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong vòng 15 năm qua, mức tăng đều nhỏ giọt và giãn cách thời gian khiến hiệu quả hạn chế. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không cải cách hệ thống thuế một cách quyết liệt và sớm, Việt Nam sẽ khó đạt được các mục tiêu về kiểm soát thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Việc tăng thuế thuốc lá ở mức vừa phải và theo lộ trình kéo dài được cho là không đem lại tác động đáng kể đến tỷ lệ sử dụng cũng như số thu ngân sách. Thực tiễn tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2008 đến nay đã cho thấy điều đó.

Cụ thể, Việt Nam đã ba lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá: năm 2008 tăng từ 55% lên 65%, năm 2016 từ 65% lên 70%, và năm 2019 từ 70% lên 75%. Tuy nhiên, mỗi lần tăng đều có biên độ thấp, chỉ từ 5% đến 10%. Do đó, tác động đến việc giảm tiêu dùng thuốc lá là rất hạn chế.

Số liệu tiêu thụ thuốc lá cho thấy, tiêu dùng chỉ giảm vào năm tăng thuế, rồi nhanh chóng tăng trở lại trong các năm tiếp theo. Chẳng hạn, năm 2006 khi Chính phủ điều chỉnh từ ba mức thuế về một mức duy nhất, tiêu thụ giảm trong năm đó, nhưng lại tăng vào năm 2007. Năm 2008 tăng thuế từ 55% lên 65%, tiêu thụ giảm, nhưng đến năm 2009 lại tăng trở lại. Năm 2016 tăng lên 70%, tiêu thụ giảm nhẹ, nhưng rồi tăng tiếp vào các năm 2017, 2018. Tương tự, năm 2019 tăng lên 75%, tiêu thụ giảm một chút, nhưng lại tăng mạnh vào năm 2020 và 2021.

Dữ liệu từ Niên giám Thống kê năm 2024 và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng cho thấy, tổng sản lượng thuốc lá (bao gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) vẫn đang tăng trong giai đoạn 2008 - 2023.

Về thu ngân sách, tuy số thu từ thuế thuốc lá tăng sau mỗi đợt điều chỉnh, nhưng mức tăng không cao. Năm 2008, thu ngân sách tăng thêm 1.200 tỉ đồng; năm 2016 tăng thêm 1.000 tỉ đồng; và năm 2019 chỉ tăng thêm 633 tỉ đồng. Những con số này cho thấy mức tăng thuế thấp chỉ mang lại hiệu quả khiêm tốn về mặt tài chính.

Một trong những lý do khiến chính sách thuế thuốc lá chưa hiệu quả là vì giá thuốc lá ngày càng “rẻ” hơn so với thu nhập người dân.

Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ 2010 đến 2022, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng 203% (từ 31,5 triệu đồng lên 95,6 triệu đồng), trong khi giá một bao thuốc lá phổ biến nhất (Vinataba) chỉ tăng 56% (từ 14.000 đồng lên 21.900 đồng/bao).

Phân tích sức mua thuốc lá bằng chỉ số “giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người” cho thấy: năm 2000, người dân phải bỏ ra 11,43% thu nhập để mua 100 bao Vinataba, thì đến năm 2021 chỉ cần bỏ ra 1,36%. Sức mua tăng, giá thực tế giảm khiến thuốc lá ngày càng dễ tiếp cận, đặc biệt đối với giới trẻ và người có thu nhập thấp. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và hạn chế các hệ lụy sức khỏe.

WHO cảnh báo: nếu thuế TTĐB không được điều chỉnh đủ lớn và thường xuyên, Việt Nam sẽ khó kiểm soát được tình trạng sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện các mục tiêu quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến y tế.

Do đó, WHO khuyến nghị Việt Nam cần cải cách hệ thống thuế thuốc lá bằng cách áp dụng một hệ thống thuế hỗn hợp - bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ phần trăm hiện hành. Mức thuế tuyệt đối cần được áp dụng sớm, bắt đầu từ năm 2026, không dưới 5.000 đồng/bao và tăng dần lên ít nhất 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Việc tăng thuế thuốc lá ở mức đủ lớn, với lộ trình rõ ràng và khẩn trương sẽ giúp Việt Nam giảm tiêu dùng thuốc lá hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư cho các chương trình an sinh, y tế, hướng tới phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Phú Thọ: Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh phẫu thuật thành công 2 ca bệnh u bì, áp xe buồng trứng

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) thăm khám, phẫu thuật cho bệnh nhân.
(PLVN) - Cả hai bệnh nhân nữ được nhập viện trong tình trạng đau bụng hạ vị, vùng bụng dưới bị căng tức, sốt, có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn. Sau khi được các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh thăm khám và phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cả hai bệnh nhân đều ổn định, các chỉ số sinh tồn đều tốt, ăn uống đi lại bình thường.

Tiêm vaccine COVID-19 giúp giảm nguy cơ tổn thương thận nghiêm trọng

Ảnh minh hoạ: health.harvard.edu.
(PLVN) - Biến chứng COVID-19 không chỉ gây tổn thương hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tim, não, phổi và đặc biệt là thận. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy việc tiêm vaccine COVID-19 có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tổn thương thận nghiêm trọng ở những bệnh nhân phải nhập viện.

Bệnh sốt xuất huyết ngày càng khó lường

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nhận định trên được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Hướng tới không còn ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH): Hiệp lực phòng bệnh bằng giải pháp tích hợp" vừa được tổ chức mới đây.

'Giảm hại' chỉ là vỏ bọc để 'ông lớn' thuốc lá duy trì lợi nhuận

TS. Nguyễn Thu Hương - Chuyên gia Tổ chức STOP (Ảnh: PV)
(PLVN) - Dưới vỏ bọc “giảm hại”, ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang tiếp tục triển khai những chiến dịch truyền thông tinh vi nhằm duy trì thị phần và lợi nhuận. Từ việc quảng bá thuốc lá đầu lọc là “an toàn hơn” trong thế kỷ trước, đến các sản phẩm thuốc lá điện tử ngày nay, mục tiêu cuối cùng vẫn là khiến người dùng tin rằng họ đang lựa chọn một giải pháp “ít độc hại”.

Đưa Methadone về trạm y tế xã

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Thời gian qua, mô hình điều trị Methadone tại trạm y tế (TYT) xã sau khi được triển khai tại một số địa phương, được đánh giá đã mang lại một số kết quả tích cực, thiết thực trong công tác y tế cộng đồng.

Khai mạc Hành trình đỏ lần thứ XII tại Bình Định

Khai mạc Hành trình đỏ lần thứ XII tại Bình Định
(PLVN) -  Chiều ngày 12/6, Ban Tổ chức Hành trình Đỏ Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ khai mạc Hành trình Đỏ lần thứ XII và Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2025, qua đó đánh dấu một chặng đường đầy ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước.