Hồn nhiên… ác!
“Bom hàng” là đặt hàng cho “sang miệng” và từ chối nhận, cũng có khi là hành shipper giao đi giao lại bao lần nhưng quyết không nhận hàng. Mới đây, vụ đơn 1,6 triệu là 40 cốc trà sữa ngày 9/6 bị bùng, theo anh Grab thì “gọi trăm cuộc không nghe máy, thu nhập có 18.000 đồng mà đền mỏi tay”. Anh Grab lên mạng than thở: “Còn trò gì trên đời này mất dạy hơn không? Cuốc xe chỉ có 15k - 20k tiền ship, phải trả giá như thế này đây. Liệu các bạn có còn lương tâm? Vui gì trên đau khổ người khác như vậy”? Vụ hôm trước còn chưa lắng xuống, nay lại tiếp tục, cứ nhắm vào người lao động thế này thì chỉ có bán xe mà trả nợ....
Sau những click vô cảm là những “bom” hàng và nước mắt người lao động nghèo… |
Theo đó, ngày 8/6, một cô gái ở Bà Rịa - Vũng Tàu “bom” đơn hàng 20 ly trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng khiến cho tài xế Grabfood lâm vào cảnh dở khóc dở mếu. Liền sau đó, dư luận lên tiếng chỉ trích cô gái cùng mẹ cô gái vì giáo viên mà khi xảy ra chuyện, thay vì xin lỗi đàng hoàng, người mẹ đó đổ lỗi cho trò đùa của cậu con trai mới lớp 1, lớp 2 (!). Thế nhưng ở tuổi đó, cậu bé có thể biết nhắn tin “Mình là người đàng hoàng mà” như người lớn vậy sao? Và người ta không thể tưởng tượng được một hành động có thể nói là độc ác đến lạnh lùng, khi tài xế giao gần đến nơi giữa lúc mưa gió, thì Thư (tên cô gái) nhắn tin đầy vô cảm: “Mình boom nha”.
Thư, 18 tuổi, con của một nữ giáo viên ở Vũng Tàu khiến mọi người phải đặt câu hỏi: “Con của giáo viên mà như thế sao? Không lẽ một giáo viên không dạy cho con mình cái tình thương với đồng loại”? Mẹ cô ấy đã phải trả giá rất đắt, nhận hàng ngàn cuộc gọi và tin nhắn mỗi ngày. Điện thoại gọi tới khủng bố liên tục. Tới mức phải nhờ công an vào cuộc. Và cả nhà càng bị “ném đá” nhiều hơn cũng chính vì câu nói của mẹ cô: “Có 1,2 triệu thôi mà” rồi “1,2 triệu không lớn”... 18 tuổi, Thư phải trả một cái giá quá đắt, đắt hơn nhiều cho con số 1,2 triệu tiền hàng. Cái giá phải trả không phải cho hành động dại dột, mà là cho sự vô cảm được mọc rễ nảy mầm dường như vô thức. Và trả giá cho cái ác đang hiện hữu ở nụ cười lạnh lùng và tin nhắn lạnh lùng, đối với người tài xế đội mưa mang 20 cốc trà sữa đến nhà cô.
Theo nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, 1,2 triệu đồng không lớn, nhất là trong tình cảnh tiền mất giá như hiện nay. 1,2 triệu đồng có khi cũng chỉ bằng một tà áo dài trắng mà Thư đang mặc. Nhưng, 1,2 triệu đồng đó là nước mắt của người nghèo đi giao hàng; là nồi cơm của những đứa trẻ nghèo con của người tài xế ấy. 1,2 triệu đồng đó còn là kinh tế của một doanh nghiệp. Và 1,2 triệu đó, cũng là minh chứng cho sự thiếu giáo dục ở một bộ phận giới trẻ là có thật; minh chứng cho sự vô cảm của một bộ phận giới trẻ là có thật.
Nguyễn Thư đã thổi bùng lên cơn tức giận được ủ bấy lâu nay cho hành động đùa cợt quá đáng, vô tâm quá đáng, không còn là trường hợp ngoại lệ nữa. Cứ dăm ba bữa, tài xế Grab lên mạng khóc ròng vì bị các bạn tuổi teen gọi trà sữa chơi vậy rồi cười cợt khiến tài xế lãnh đủ. Tháng 12 năm ngoái, một bạn trẻ như Thư cũng đặt boom trà sữa của một bác tài xế già và nghèo, phải đội mưa trong đêm đi giao. Đến gần nhà thì bạn teen ác ôn ấy báo huỷ, bác tài xế bật khóc và người hàng xóm mua lại ly trà đó.
Cách đây vài tuần, clip một cô gái bom hàng bị đánh cho te tua bầm dập, chỉ vì nhiều lần đặt hàng cho “sang miệng” ở một shop bán hàng và boom liên tục. Cô chủ hàng đã không chịu đựng nổi, quyết bắt quả tang và nện cô gái bom hàng một trận nên thân. Cô gái bị đánh đó còn khá trẻ.
Chuyện shipper bị bùng hàng cũng không phải hiếm. Đầu năm nay mạng xã hội cũng xôn xao chuyện tài xế Go Việt bị “bom hàng” 36 ly trà sữa, trị giá tới 2 triệu đồng. Việc khách nhận hàng rồi bắt lỗi để quỵt tiền, order cho “sang mồm”, hay “mình thích thì mình không nghe máy thôi”, vẫn thường xuyên diễn ra như cơm bữa. Tài khoản Chính Công Lê đã chia sẻ trên một trang mạng xã hội câu chuyện anh được chứng kiến về một tài xế xe ôm phải ăn 12 ổ bánh mì và 6 cốc trà sữa bị khách đặt xong “bùng” hàng. Được biết, tổng cộng hóa đơn này (chưa tính tiền giao hàng) là 400 nghìn đồng. Dù với nhiều người, 400 nghìn đồng không có gì quá lớn lao, nhưng với những người phải chạy cơm từng bữa, thì số tiền này bằng hơn một ngày lương kiếm sống của họ…
Khi nỗi đau… khó chạm
Có thể nói, đã tới thời của mua bán online, thế nhưng dường như trong cơn phẫn nộ, có rất ít câu hỏi về trách nhiệm của Grab ở đâu khi tài xế của mình bị bom hàng? Bởi trước vụ cô gái Vũng Tàu thì đã có nhiều vụ như thế. Ở vụ bom đơn hàng 1,6 triệu đồng, tiền công
của tài xế chỉ là 18 nghìn đồng. Việc khách không nhận hàng, tài xế mất toi 18 nghìn đồng tiền công và phải ôm luôn 1,6 triệu đồng mà mình phải bỏ ra đưa cho quán lúc lấy hàng. Có ý kiến cho rằng, trách nhiệm của Grab ở đâu khi liên tục để xảy ra sự việc tài xế của mình bị “bom” hàng? Bởi khi khách hàng, thông qua ứng dụng của Grab để gọi đồ ăn thức uống, thì chính Grab đã có khoản thu từ hoá đơn này, cùng với tiền công của tài xế. Nhưng khi đến quán, sao chỉ có mỗi tài xế bỏ tiền ra lấy hàng còn Grab thì không? Nên khi bị “bom”, thường chỉ mỗi tài xế là chịu thiệt. Qua những vụ việc trên, các cơ quan pháp lý cần phải có những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn về trách nhiệm của Grab. Chứ không thể nào để Grab chỉ thu lợi mà không kịp thời san sẻ trách nhiệm khi xảy ra sự cố đối với tài xế của mình.
Rồi vụ việc cũng phải kết thúc và tất cả những người liên quan đều phải sống tiếp cuộc sống của họ. Nhưng sai lầm thì vẫn phải giải quyết và trách nhiệm thì cũng phải nhận lấy. Nếu giải quyết không tốt, sai lầm này sẽ kéo theo sai lầm khác và trách nhiệm vì thế cũng sẽ nặng nề hơn.
Ở góc độ khác, theo chuyên gia tâm lý Trần Thu Hà, 1,2 triệu không lớn, nhưng nó là phẩm giá con người. Hành hạ người khác, mang nồi cơm của người lao động ra hất đổ để mua vui thì dù 100k cũng là bẩn, là độc ác. Phẩm giá là phải không làm điều xấu ngay cả khi không có ai nhìn thấy bạn.
Mạng internet làm chúng ta có cảm giác ảo, vô hình. Khả năng vô hình, núp sau những nick, làm các Netizen dễ ác, ác mà không cảm thấy ghê tay, bằng ngoài đời thật. Bạn có thể click để oder 20 ly trả sữa rồi nói là “boom nha”, dễ dàng hơn bạn giật 1,2 triệu trên tay một bác tài xế.
Theo truyền thuyết trong Kinh Thánh, thiên thần Lucifer có nghĩa là ánh sáng, rất được yêu mến, có quyền năng tối thượng, nhưng chính vì có quyền năng nên đã trở thành quỷ Sa tăng. “Mình cảm thấy lo lắng. Rõ ràng chúng ta đang ở trong thời đại mà việc dạy con đang khó hơn thời xưa ba mẹ dạy chúng ta rất nhiều. Ngày xưa, nỗi vất vả của ba mẹ rất trực quan, bằng những giọt mồ hôi, bằng “chân lấm tay bùn”, bằng vai áo bạc... Nhưng ngày nay, các ba mẹ đi xe hơi, son phấn, áo quần tinh tươm, thơm tho, rất khó để cho con hiểu được những lao động cực nhọc đang diễn ra trong đầu mình.
Ngày xưa nếu con đánh người, con sẽ nhìn thấy người ta đau, thấy nước mắt, thấy xước da, thấy máu chảy. Ngày nay chỉ là những ký tự lặng lẽ, chỉ là những cái click quá nhẹ tay trên bàn phím là có thể hành hạ được người khác. Và người khác, không bằng xương bằng thịt để con có thể thấu cảm, mà người khác chỉ là cái avatar bé xíu như đầu đũa. Thật khó nhìn thấy cảm xúc và nỗi đau khổ của họ. Thì vẫn phải dạy: Phẩm giá của con là không hại người khác, dù hoàn cảnh có thuận lợi cho việc đó tới thế nào, dù lúc đó chỉ có một mình con, dù con có cảm thấy rằng việc này sẽ không ai biết đâu!”, chị Thu Hà chia sẻ…
Bất giác tôi nhớ tới bộ phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân” của Hàn Quốc. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, có một vị cao tăng và một chú tiểu hàng ngày ăn chay, tụng kinh niệm Phật sống êm đềm bên nhau. Chú tiểu vì nhàm chán nên tìm cách hành hạ các con vật để mua vui, từ đeo đá lên lưng, rồi chú tăng mức độ độc ác lên bằng cách nhét sỏi vào miệng cá, ếch và rắn. Chú cứ lớn lên như vậy trong cái ác hoàn toàn bản năng, bất chấp không gian tưởng như “trong veo” đó… Tất nhiên, phim là sự ám ảnh về những triết lý nhà Phật, về nhân quả nhưng cái ác luôn hiện hữu, nếu chúng ta vô thức, là có thật, từ những điều tưởng như vô cùng nhỏ…