[links()]Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, tuy Thông tư này quy định như vậy, nhưng đối với một số trường hợp đặc biệt, “nhạy cảm” như: Người đó không có hoặc không rõ tên cha, mẹ như con ngoài giá thú, con sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo hay con nuôi… thì không bắt buộc phải khai tên cha, mẹ.
“CMND liên quan đến một số hoạt động nghiệp vụ đặc thù, nên chúng tôi không thể tiến hành lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi như những lĩnh vực khác…”, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) nói.
|
Thiếu tướng Trần Văn Vệ. |
- Việc triển khai thực hiện Thông tư 27 về mẫu CMND mới đang được ngành Công an thực hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?
“Nếu ngành Công an nói chỉ lấy ý kiến của Công an các địa phương là chưa phù hợp. Như tôi đã nói, mục đích chính của CMND là để phục vụ cho dân chứ không phải là để quản lý vì vậy nếu hỏi ý kiến của người quản lý thì chắc chắn họ đồng ý ngay vì rõ ràng là nó thuận lợi cho họ”, GS.TS Trần Ngọc Đường. |
- Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội mà cụ thể là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội được Bộ Công an giao triển khai dự án này. Vì vậy, sau khi có chủ trương, các bộ phận liên quan đã khẩn trương tiến hành các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng cơ bản như đấu thầu, mở thầu phục vụ dự án…
Tiếp đó là lắp đặt thiết bị, kết nối đường truyền dữ liệu đến Công an 3 quận, huyện được chọn thí điểm cấp CMND theo mẫu mới đầu tiên tại TP.Hà Nội (Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm). Đến thời điểm này, thiết bị đã lắp đặt, hiệu chỉnh xong và đang trong quá trình chạy thử.
Theo kế hoạch, trong tháng 8 này, việc cấp đổi CMND mẫu mới sẽ được tiến hành chính thức tại 3 quận, huyện nói trên. Dự kiến, trong năm nay, việc này sẽ được tiến hành trên toàn địa bàn Hà Nội. Sau đó sẽ triển khai trên phạm vi rộng, bởi nó còn phụ thuộc một số yếu tố, trong đó có vấn đề ngân sách.
- Sau thời điểm Thông tư nói trên có hiệu lực, dư luận phản ứng rất mạnh với quy định công khai tên cha, mẹ của người được cấp trên CMND. Quan điểm của Bộ Công an về những ý kiến này như thế nào?
- Qua báo chí, chúng tôi có nắm được thông tin đó. Nhưng tôi xin khẳng định, CMND mẫu mới có nhiều cải tiến không chỉ thuận tiện trong công tác quản lý đối với các cơ quan nhà nước trong đó có ngành Công an mà còn với cả người dân. Nếu để tên cha, mẹ trên CMND thì người dân sẽ thuận lợi trong một số giao dịch hàng ngày như giao dịch tại ngân hàng, thừa kế, mua bán… ngoài ra còn xác định chính xác nhân thân của người đó khi cần phân loại, truy xét.
Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp, một người cùng một lúc có hai số CMND hoặc có trường hợp nhiều người trùng nhau cả họ, tên và chữ đệm. Nhưng nếu thêm tên cha, mẹ vào thì chắc chắn sẽ không có chuyện nhầm lẫn về nhân thân giữa hai con người. Theo tôi, việc quy định như vậy không chỉ quản lý tốt về mặt con người mà còn phục vụ cho công tác quản lý về trật tự an toàn xã hội - một chức năng quan trọng của ngành Công an.
- Mặt sau mẫu CMND mới đã có mã vạch để lưu trữ một số thông tin cơ bản của người được cấp. Vì sao không mã hóa thông tin về cha, mẹ của người đó vào mã vạch mà nhất thiết phải in rõ ra?
“Quá trình ban hành quy định này đã có sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành là thành viên của Chính phủ và Công an các địa phương. Các bộ, ngành là cơ quan đại diện cho xã hội quản lý các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều đồng ý với chủ trương này.” - Thiếu tướng Trần Văn Vệ. |
- Mã vạch này lưu trữ toàn bộ những thông tin về công dân được cấp CMND, trong đó có cả tên cha, mẹ của người đó. Việc công khai (tức in ra) tên, cha mẹ trên CMND là để thuận lợi cho nhân dân khi thực hiện các giao dịch mà những giao dịch đó cần phải kiểm tra ngay thông tin về cha, mẹ của người đó tại thời điểm thực hiện giao dịch và phải nhìn thấy được bằng mắt thường, vì trên thực tế, không phải cơ quan nào cũng có máy đọc thẻ để truy xuất thông tin từ mã vạch 2 chiều nói trên như của ngành Công an.
Tóm lại, việc đề tên cha, mẹ là để phục vụ nhân dân; còn việc mã hóa là để phục công tác tra cứu trong hoạt động nghiệp vụ ở mức độ cao hơn của ngành Công an, qua đó có thể khẳng định, CMND mà người đó đang mang là thật hay giả, công tác điều tra xác minh trong các vụ án vì thế cũng nhanh hơn.
- Quy định này ảnh hưởng trực tiếp tới một bộ phận không nhỏ dân cư trong xã hội. Vì sao trước khi ban hành, Bộ Công an không lấy ý kiến của nhân dân, thưa Thiếu tướng?
- Thông tư 27 là sự cụ thể hóa Nghị định của Chính phủ về CMND. Nghị định này đã được ban hành theo đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, quá trình ban hành nghị định nói trên đã có sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành là thành viên của Chính phủ và công an các địa phương trên toàn quốc. Các bộ, ngành là cơ quan đại diện cho xã hội quản lý các lĩnh vực trong đời sống đều đồng ý với chủ trương của Bộ Công an. Hơn nữa, CMND liên quan đến một số hoạt động nghiệp vụ đặc thù nên chúng tôi không thể tiến hành lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi như các lĩnh vực khác.
Tuy Thông tư này quy định như vậy, nhưng tôi xin nhấn mạnh là đối với một số trường đặc biệt, “nhạy cảm” như: Người đó không có hoặc không rõ tên cha, mẹ như con ngoài giá thú, con sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo hay con nuôi… thì không bắt buộc phải khai tên cha, mẹ.
-Trong Thông tư 27 có quy định những nơi chưa có điều kiện cấp, đổi CMND theo mẫu mới thì tiếp tục áp dụng theo mẫu hiện hành. Liệu có tình trạng Công an một số địa phương vì không muốn thực hiện chủ trương này nên “vin” vào lý do “chưa có điều kiện” để trì hoãn?
- Sẽ không có chuyện đó, bởi đây không chỉ là quy định mà còn là mệnh lệnh của ngành nên Công an các địa phương phải tổ chức thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Công an. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và ngân sách nên sẽ có nơi triển khai trước, nơi sau. Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, việc triển khai giai đoạn 1 của dự án này (5 năm) là sẽ làm 24 triệu CMND, với chi phí ước khoảng 30 triệu USD, nhưng do biến động về giá cả, đến nay con số này là khoảng 700 đến 800 tỷ đồng. Còn nếu làm hết 60 triệu CMND cho những người đến độ tuổi làm CMND trong cả nước thì phải cần khoảng 2.000 tỷ đồng.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Thanh Quý - Tuấn Anh