Không lãng phí thời gian nghỉ hưu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày nay, với nhiều người, về hưu lại là thời gian họ bận rộn hơn. Vì họ vẫn đóng góp hết sức mình trong sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành. Đó là GS.TS Nguyễn Anh Trí - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội hai khóa 14 và 15. Và GS TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội…

“Nghỉ hưu, tôi thấy mình bận rộn hơn, nhưng rất vui”

GS.TS Nguyễn Anh Trí sinh năm 1957 tại Lệ Thủy - Quảng Bình. Trên 30 năm công tác trong ngành y tế, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã trở thành người anh hùng của ngành huyết học và truyền máu trong cả nước. Ông đã cùng với các đồng nghiệp triển khai nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán và điều trị máu. Rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về máu như: Tan máu bẩm sinh (Thalassemia), rối loạn đông máu (Hemophilia)... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý huyết học ác tính, thậm chí là ở giai đoạn cuối đã được cứu sống nhờ vị giáo sư đầu ngành với nhiều sáng kiến về ghép tế bào gốc được áp dụng trong điều kiện Việt Nam. Cùng với đó, người dân mọi miền Tổ quốc còn biết đến ông như một người khởi xướng và tổ chức nhiều chương trình hiến máu nhân đạo lớn mà nay đã trở thành hoạt động cộng đồng như: “Lễ hội Xuân hồng” (từ năm 2008 đến nay), “Hành trình Đỏ” (từ năm 2013 đến nay)... Có thể nói, những sáng kiến đầy nhân văn và thiết thực này của ông đã giúp giải quyết cơ bản câu chuyện vốn vô cùng bế tắc trong y tế từ xưa đến nay, đó là tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện, mang lại cơ hội sống và niềm vui cho hàng ngàn bệnh nhân, hàng ngàn gia đình.

Anh hùng Lao động, GS TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH khóa 14-15.

Anh hùng Lao động, GS TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH khóa 14-15.

Đầu năm 2017, ông và các đồng nghiệp ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về những đóng góp trong các hoạt động truyền máu, đặc biệt là xây dựng ngân hàng máu sống với lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững. Rồi cũng năm 2017 ông lại được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam”. Đây là lần thứ hai ông được nhận danh hiệu danh giá này (lần thứ nhất năm 2013).

Từ một cậu bé sinh trưởng ở vùng đất nắng lửa Quảng Bình trở thành người thầy thuốc tên tuổi có nhiều đóng góp với cộng đồng, một “ông nghị” trách nhiệm với cử tri và Quốc hội. Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Với tư cách là một nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôi tập trung quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về y tế như: chất lượng khám chữa bệnh, tổ chức hiệu quả hệ thống y tế Việt Nam trong thời đại cách mạng 4.0; vấn đề tự chủ ở các bệnh viện…; lên tiếng phê phán những tiêu cực trong hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, thái độ tiêu cực, sự vô cảm của một số cán bộ y tế khi phục vụ nhân dân. Đặc biệt, góp công sức, trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân phòng, chống, chiến thắng đại dịch COVID-19; góp ý hoàn thiện hơn các đạo luật liên quan đến y tế như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hiến ghép mô tạng… Là một nhà khoa học, tôi quan tâm đến các vấn đề như: đào tạo, giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ đời sống nhân dân; về ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng những chính sách để thúc đẩy một xã hội học tập, xã hội đọc, một xã hội tri thức hiệu quả và thích ứng với thời đại.

Cũng trong năm 2016, ông là người duy nhất trong số những người tự ứng cử tại Hà Nội đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và tháng 5 vừa qua, ông đã tái trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ông cho biết khi tự ứng cử, ông đã cân nhắc rất kỹ, muốn tự nguyện đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào hoạt động của Quốc hội, vì nhân dân, vì Tổ quốc.

Còn nhớ, đầu tháng 10/2017, người dân Hà Nội xúc động trước cuộc chia tay bịn rịn, đầy lưu luyến, thấm đẫm tình đồng nghiệp, tình thân của bệnh nhân dành cho GS.TS Nguyễn Anh Trí khi ông rời nhiệm sở về nghỉ chế độ hưu trí. Có lẽ lâu lắm rồi, người ta mới thấy một cuộc chia tay của một giáo sư - bác sĩ, của một người lãnh đạo mà nhiều những nỗi xúc động đến thế.

“Tôi là một người đam mê công việc và muốn được cống hiến cho xã hội theo cách mà tôi có thể. Sau khi nghỉ hưu, tôi thấy mình bận rộn hơn trước nhưng rất vui. Hiện nay, tôi có những nhóm công việc và thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất, tôi đang là một đại biểu Quốc hội và đây là lúc tôi có cơ hội làm tròn vai trò của mình. Lâu nay, tôi có đóng góp sức lực nhưng cảm thấy chưa đủ, nay tôi muốn dành ưu tiên cao nhất, toàn tâm toàn ý cho “nhiệm vụ” này, tham gia tích cực mọi công việc được phân công.

Ông đã từng chia sẻ: Tôi thấy, để phát biểu một ý kiến đúng, tâm huyết và hay trong diễn đàn Quốc hội là rất khó! Tôi có thể giảng về y khoa 2 ngày mà không cần phải soạn bài, nhưng để phát biểu chỉ 7 phút ở nghị trường thôi, tôi thường phải chuẩn bị mất 2 đêm.

Thứ hai, tôi hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với đội ngũ y, bác sĩ khoảng trên 1.100 người, phân bố trên 25 tỉnh, thành phố.

Thứ ba, tôi là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM CENTER) ở Hà Nội và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM PARK) ở Hòa Bình. Đây là 2 cơ sở được thành lập từ ý tưởng ban đầu của tôi nhằm lưu giữ những kỷ niệm, những tài liệu vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là sự tri ân của tôi đối với các thầy cô giáo, các nhà khoa học…

Bên cạnh đó, tôi vẫn đang nghiên cứu và là chủ nhiệm nhóm đề tài cấp nhà nước và đang hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ. Ngoài ra, tôi còn tham gia tổ chức các dự án từ thiện vì cộng đồng.

Không chỉ vậy, ông còn là một nghệ sĩ tài năng với những tác phẩm sâu lắng và dạt dào cảm xúc. Năm 2017, ông đã tổ chức thành công “Đêm nhạc Nguyễn Anh Trí” tại Hà Nội. Các năm 2017 và 2018 ông đều có tác phẩm đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Làm sao để người già có việc làm?

GS TS Nguyễn Đình Cử, sinh năm 1952, năm 1987 ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) về lĩnh vực Kinh tế dân số và Dân số học tại Trường đại học Tổng hợp quốc gia Moscow.

Năm 1995, khi trường Kinh tế Quốc dân thành lập Trung tâm Dân số. GS.TS Nguyễn Đình Cử rời khỏi khoa Toán kinh tế, sang là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Dân số. Năm 2005 Trung tâm Dân số phát triển thành Viện Dân số và các vấn đề xã hội, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng cho đến khi nghỉ hưu năm 2012. Ông tiếp tục là Giảng viên cao cấp về Dân số và các vấn đề xã hội cũng như nhiều hoạt động khoa học khác.

GS TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội.

GS TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội.

Ông làm Chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm 25 đề tài khoa học; công bố 43 bài báo khoa học trong các Tạp chí, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; tác giả, đồng tác giả, chủ biên 36 cuốn sách khoa học, trong đó có 2 cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh. Ông đã hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh hoàn thành Luận văn, bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ. Đồng thời ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật về dân số ở nước ta.

GS. TS Nguyễn Đình Cử đã từng tâm sự rằng, trong suốt nhiều năm, gần như ông không có ngày nghỉ cuối tuần. Tâm sức của ông dành trọn vẹn cho nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước. Theo ông, công tác truyền thông thay đổi nhận thức về giới tính có vai trò quan trọng. Cùng đó, kinh tế phát triển hơn, chúng ta cũng phải quan tâm và có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi, để những người già bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái. Đặc biệt, phải đẩy mạnh khung pháp lý với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi, cơ sở thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh.

GS.TS Nguyễn Đình Cử cho biết, hiện nay, đối với các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nước đã có chính sách kéo dài thời hạn làm việc của họ đến 65 - 67 hoặc 70 tuổi. Tuy nhiên, cần đa dạng hóa hơn nữa các chính sách, các cơ chế để tạo điều kiện cho những người tri thức là người cao tuổi tiếp tục được làm việc, cống hiến. Vấn đề là trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp hoặc các khu công nghiệp thường bỏ rất nhiều tiền để mời chuyên gia nước ngoài về làm cố vấn thì thực tế nguồn lực trí tuệ của người cao tuổi Việt Nam lại không được tận dụng. Các chuyên gia cho rằng, đây là một điều rất đáng tiếc.

Sẽ rất lãng phí nếu không phát huy hết vai trò của người cao tuổi.(Ảnh minh họa)

Sẽ rất lãng phí nếu không phát huy hết vai trò của người cao tuổi.(Ảnh minh họa)

Việt Nam bước vào quá trình già hóa từ năm 2011, khi số người 65 tuổi trở lên đạt 7% và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất. Già hóa đặt ra một loạt câu hỏi, như: Đặc điểm những người cao tuổi (cơ cấu giới tính; tình trạng hôn nhân; sống riêng hay sống chung với con cháu; sức khỏe; việc làm, thu nhập...); Liệu sự khác biệt thế hệ có dẫn đến mâu thuẫn, xung đột? Già hóa tác động đến sự phát triển như thế nào? Làm thế nào để già hóa tích cực? Các giải pháp thích ứng với già hóa dân số, đảm bảo phát triển bền vững là gì? Thế nào là môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi và làm thế nào để xây dựng được môi trường như vậy?...

Cơ hội và rào cản thực hiện cuộc cách mạng này là gì? Cần có sự nghiên cứu thấu đáo về mặt kinh tế, xã hội, pháp luật, kỹ thuật nhằm tìm ra giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua rào cản, đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giống nòi. Rõ ràng, việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Dân số - kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển và để đạt được các mục tiêu như Nghị quyết 21 đề ra cần trả lời rất nhiều câu hỏi - dành cho hướng nghiên cứu Dân số và Phát triển ở Việt Nam hiện nay - GS.TS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.