“Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và Thách thức” - là chủ đề của buổi tọa đàm mà Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tổ chức sáng 10/5 tại TP HCM.
Tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV cho biết, trong thời gian qua, nỗ lực xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép quy mô lớn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Vụ án điển hình đầu tiên liên quan đến đối tượng Nguyễn Mậu Chiến - kẻ cầm đầu một đường dây chuyên buôn lậu sừng tê giác và ngà voi xuyên quốc gia, hoạt động ở một số nước Châu Phi. Đối tượng bị kết án 23 tháng tù sau khi bị bắt giữ cùng với tang vật là sừng tê giác, ngà voi, hổ và các sản phẩm từ ĐVHD khác vào tháng 4/2017.
Gần một năm sau - năm 2018, Hoàng Tuấn Hải - một trong hai kẻ cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển lớn nhất Việt Nam cũng đã bị kết án 4 năm 6 tháng tù sau khi các cơ quan chức năng tịch thu được hơn 10 tấn tang vật rùa biển từ các nhà kho do Hải và em trai điều hành vào cuối năm 2014.
Vừa qua, hai trùm buôn bán ĐVHD khét tiếng là Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Hữu Huệ lần lượt bị kết án 8 năm và 6 năm tù. Nam - kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ngà voi và sừng tê giác đã hoạt động trong một thời gian dài - bị phát hiện và bắt giữ vào tháng 9/2019 với tang vật là hơn 200kg ngà voi. Trong khi đó, Huệ là kẻ đứng đầu đường dây buôn bán hổ lớn, có cổ phần trong một trang trại nuôi hổ có tiếng tại Lào đã bị bắt giữ vào tháng 7/2019 với tang vật là bảy cá thể hổ con đông lạnh.
Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD chịu án tù vì hành vi vi phạm pháp luật của mình. Ảnh: ENV. |
Có thể nói, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác xử lý đối với tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý loại tội phạm này và thể hiện thái độ không khoan nhượng với tội phạm về ĐVHD. Tuy nhiên, nhiều mạng lưới chuyên buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, hổ và các sản phẩm ĐVHD khác vẫn đang tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ cũng như là điểm trung chuyển ĐVHD lớn trên thế giới. Trong khi đó, công tác xử lý vi phạm với hàng tấn ĐVHD bị vận chuyển trái phép qua khu vực cảng biển thì vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Số liệu của ENV từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 60 tấn ĐVHD bị vận chuyển trái phép qua khu vực cảng biển vào Việt Nam, sau đó thì đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Thế nhưng, chưa có bất kỳ đối tượng nào đứng đằng sau hơn 60 tấn ĐVHD bị vận chuyển trái phép này đã bị xử lý.
“Đây là một vấn đề, một thách thức rất lớn mà ENV rất hy vọng các cơ quan chức năng và các cơ quan tố tụng sẽ quan tâm, xử lý triệt để vấn đề này. Bởi vì lợi nhuận từ việc buôn bán ĐVHD rất lớn, và chỉ khi chúng ta có thể xử lý được đường dây, các đối tượng cầm đầu, các đường dây buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép về Việt Nam thì khi đó chúng ta mới có thể góp phần triệt tiêu những đường dây này và ngăn chặn loại tội phạm này cũng như góp phần bảo vệ ĐVHD” - Phó Giám đốc ENV chia sẻ.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ sau buổi tọa đàm. Ảnh: N.A. |
Cũng theo ENV, trong thời gian vừa qua, thông qua cơ sở dữ liệu, vi phạm về ĐVHD, ENV cũng nhìn thấy được các xu hướng, thậm chí là có thể xác định được các đường dây, các đối tượng cầm đầu các đường dây cầm đầu việc buôn bán ĐVHD.
“Toàn bộ các thông tin này đã được ENV cung cấp cho cơ quan chức năng, và trong thời gian tới, ENV vẫn sẽ tiếp tục tổng hợp thông tin với hy vọng, cơ quan chức năng sẽ sử dụng những nguồn tin ban đầu này để có thể tiếp tục những điều tra chuyên sâu, xử lý các đối tượng buôn bán ĐVHD.
Và có thể chúng ta không xem xét xử lý các đối tượng này với các quy định pháp luật liên quan đến ĐVHD mà chúng ta có thể nghiên cứu, sử dụng các văn bản vi phạm pháp luật có liên quan khác như rửa tiền, hay là các cách thức, biện pháp: kiểm soát hàng hóa hải quan... để xử lý triệt để các đối tượng, đường dây buôn bán ĐVHD” - bà Hà nói thêm.