Quy định rõ trách nhiệm của chủ họ để hạn chế rủi ro
Trải qua hơn 12 năm thi hành, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường đã góp phần xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện quyền dân sự của người dân trong xác lập, thực hiện các quan hệ về vay tài sản nói chung và về họ nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp, thực tế đã xảy ra một số các vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 với nhiều quy định mới về địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự; về đại diện; về nghĩa vụ và hợp đồng; về lãi suất trong hợp đồng vay, trong đó chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. Từ đó, đặt ra yêu cầu xây dựng văn bản mới thay thế Nghị định 144/2006/NĐ-CP.
Theo đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ của thành viên, chủ họ để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ và tăng cường trách nhiệm, sự ràng buộc của các bên. Đồng thời tập trung vào quy định về nghĩa vụ của chủ họ trong việc làm đầu mối quản lý dây họ, chịu trách nhiệm đóng góp phần họ trong trường hợp có thành viên chưa hoặc không góp phần họ.
Theo đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp (Bộ Công an), cần quy định rõ một người được làm chủ bao nhiêu dây họ vì rủi ro trong dây họ hầu hết xuất phát từ chủ họ, đồng thời cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với trường hợp chủ họ được hưởng “hoa hồng”.
Liên quan tới việc chủ họ phải gửi thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú những thông tin cơ bản về tổng số thành viên trong trường hợp dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị cần làm rõ căn cứ để đặt ra mốc 100 triệu đồng, từ đó cân nhắc có nên áp dụng mức tiền khác nhau giữa TP và nông thôn vì hai khu vực này có mức thu nhập khá chênh lệch nhau.
Lãi suất không vượt quá 20%/năm
Về lãi suất trong họ có lãi, có ý kiến ủng hộ quy định theo hướng: “Thành viên trong họ có lãi có thể đưa ra mức lãi mà mình trả cho các thành viên khác để được lĩnh họ nhưng lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm”. Quy định như vậy mang tính nguyên tắc chung, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015 và đảm bảo sự linh hoạt cho việc giải quyết các tranh chấp về họ theo tập quán về cách tính lãi ở các vùng, miền.
Bày tỏ đồng tình, đại diện Văn phòng Chính phủ, Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng cách tính lãi như vậy là phù hợp vì các đối tượng chơi họ phần lớn là người dân buôn bán nên cần quy định đơn giản, dễ hiểu. Còn đại diện đến từ Trường ĐH Luật Hà Nội và UBND phường Đồng Xuân (Hà Nội) tỏ ra băn khoăn về chế tài bởi những người chơi họ thường tự thỏa thuận lãi suất với nhau và cao hơn 20%.
Tuy nhiên, thực tế áp dụng Nghị định số 144/2006/NĐ-CP cho thấy cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm để tính lãi, khoảng thời gian tính lãi và số tiền phải chịu lãi. Do đó, đại diện VKSNDTC, TANDTC, Tổng cục THADS ủng hộ việc tính lãi theo công thức cụ thể và tiếp cận theo hướng tính từ thời điểm bắt đầu dây họ đến thời điểm được lĩnh họ là người cho vay, tại thời điểm lĩnh họ đến thời điểm kết thúc dây họ là người đi vay; số tiền vay bằng tổng số tiền thành viên đó nhận trừ đi số đã góp; thời gian vay bằng tổng thời gian của dây họ trừ đi thời gian đã diễn ra.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị dự thảo Nghị định cần quy định theo hướng không hạn chế quyền tự thỏa thuận của người tham gia họ, đồng thời tạo điều kiện để các thành viên kiểm soát lẫn nhau. Riêng với chủ họ, vì đây là đối tượng được hưởng hoa hồng nên cần thiết quy định các biện pháp để kiểm soát về quyền và nghĩa vụ của chủ họ, như vậy mới góp phần hạn chế tình trạng vỡ hụi, họ.
Đối với văn bản thỏa thuận về dây họ, Thứ trưởng cho rằng nếu có trên 50% thành viên yêu cầu thì văn bản đó cần được công chứng, chứng thực, đồng thời cần quy định cách tính lãi suất theo hướng đơn giản, dễ hiểu. Về việc gửi thông báo cho UBND cấp xã, cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo nguồn lực, kinh phí để có thể triển khai trong thực tế.