Giáo sư Hoàng Châu Ký
Người ta nói: Rồi sẽ quen dần với cảm giác mất một người thân. Nhưng hai năm qua, tôi vẫn cảm thấy ba tôi, ông Hoàng Châu Ký luôn ở trong nhà giúp đỡ các cháu tu dưỡng học hành, giúp tôi tiếp tục công việc mà ông mong muốn nhưng còn dở dang. Như mọi buổi sáng, pha trà, thắp hương, châm thuốc, mở chương trình thời sự, và lặng lẽ trò chuyện để lắng nghe ông trong tâm niệm.
Ông thường trò chuyện với con cháu, không chỉ bảo nhưng qua cách lắng nghe, cách nói của ông mà chúng tôi cảm được, lĩnh hội được cả những điều cần thiết trong cách đối nhân xử thế sao cho hợp với luân thường đạo lý, đến những vấn đề học thuật căn bản làm định hướng để phân tích, sàng lọc tài liệu nghiên cứu, để nhận ra sự khác nhau giữa sân khấu phương Tây và sân khấu truyền thống, phương pháp, thủ pháp nghệ thuật, biện pháp kỹ thuật trong từng tác phẩm… Từ khi còn nhỏ, chúng tôi thường được theo ông đi nói chuyện về Tuồng ở Câu lạc bộ Thống nhất Hà Nội, ở các cơ quan, đơn vị bộ đội, được xem biểu diễn minh họa. Năm 1968, sau khi kể chuyện về sự đấu tranh hy sinh anh dũng của đồng bào ta ở miền Nam, ông đưa tờ giấy và bảo hai anh em tôi nói Lối:
“Tuổi tuy niên thiếu, chí vẫn kiên cường, từng đánh Mỹ tan xương, nghĩ thật là khoái bụng”. (cười sảng khoái)
Ngày hôm sau, chúng tôi theo ông đến 56 Quán sứ để thu thanh, rồi Phát trên Đài phát thanh Giải phóng, chúng tôi được thưởng 5 đồng, về khoe cả xóm. Khi đã học xong và làm đạo diễn ở Quảng Nam-Đà Nẵng, công việc không nhiều, chủ yếu là làm phong trào cho các huyện, cơ quan, cũng nhàn rỗi. Tôi nghĩ: Thời buổi này, người ta lo làm kinh tế hơn là chăm lo văn hóa. Biết được tâm tư, ông giải thích: Ở các nước châu Âu sau Thế chiến thứ hai họ cũng mất một thời gian dài để lo đời sống kinh tế, hoạt động văn hóa nghệ thuật rất khó khăn nhưng rồi sẽ phát triển.
Hiểu được quy luật, thanh thản hơn, nhưng làm gì đây? Ông ghi tên một số sách và nhờ tôi lên thư viện tìm để tra cứu, lại nói tôi làm trợ lý cho ông để giảng dạy và dàn dựng cho lớp diễn viên Tuồng Cung đình ở Huế, đến gặp cô Liễu, chú Hồ Hữu Có để ghi lại các cách hát một số làn điệu, động tác vũ đạo cơ bản của Tuồng Quảng Nam, đọc một số kịch bản để phân cảnh, dịch quyển Kabuky bằng tiếng Anh của một giáo sư người Nhật tặng ông... Tất cả các công việc đều được ông trả tiền bồi dưỡng. Sau này, khi đã yêu quý nghệ thuật Tuồng mới biết đấy là cách ông truyền đạt, huấn luyện dạy dỗ mình. Khi chuyển vào Sài Gòn công tác, bước đầu tôi nghiên cứu, ông khuyên nên tìm hiểu triết học, mỹ học phương Đông, đó chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của nghệ thuật dân tộc.
Ông thường hay trò chuyện về cái tài hoa của từng nghệ sĩ, sự sắc sảo của những nhà nghiên cứu, người có giọng hát hay, người đóng kép giỏi, người toàn diện như cụ Đội Tảo, cô Ngô Thị Liễu, người sáng tạo như cụ Chánh Phẩm trong vai Vua Đói. Vua mà ngồi gác chân lên ghế như kịch nhưng vẫn Tuồng, cô Bạch Trà đóng Đào Tam Xuân ở Hà Nội, ông Thành Tôn, ông Mười Vàng ở Nam Bộ mỗi người một vẻ tài sắc khó bì. Các thế hệ sau lại có nét, có tiết tấu gần với đời sống đương đại hơn… Đạo diễn Doãn Hoàng Giang thì giỏi trò, Đoàn Anh Thắng vận dụng hiệu quả không gian truyền thống, Xuân Huyền khắc họa tính cách nhân vật rõ nét, Đình Quang chặt chẽ, và Đình Nghi tài hoa, sâu sắc… Các nhà nghiên cứu Phạm Phú Tiết, Hồ Lãng, Lê Ngọc Cầu, Hà Văn Cầu, Trần Bảng, Trần Viết Ngữ, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, Nguyễn Hồng… ông đều nhắc đến với sự kính trọng, đặc biệt là giáo sư Vũ Khiêu, được ông xem là Nhà Văn hóa học. Dường như trong suy nghĩ của ông, nếu tập hợp tất cả lại sẽ có một lực lượng nghệ thuật hùng hậu.
Ông chẳng bao giờ nói về mình, không có cái “tôi”, đúng như nền tảng đạo lý, triết học phương Đông, hòa mình vào thiên nhiên, vào nhân quần, hòa hợp với con người cộng sản của ông một lòng vì nghệ thuật, một đời mong mỏi kế thừa và phát triển nghệ thuật Tuồng. Một nghệ sĩ thanh khiết, giản dị chân thành, nhân ái, cương nghị. Ở nhiều nơi, nhưng không có nổi căn nhà cho mình, anh tôi phải xây lại nhà để các cụ sống đàng hoàng hơn. Khi cụ mất, Thị ủy Hội An cho được mảnh đất làm nơi an nghỉ ở ngay đường vào nghĩa trang. Nhà báo Trương Điện Thắng nói đùa: “Sống thì ở trong hẻm, lúc mất lại ra mặt đường”. Cũng rất “ước lệ” thôi, ngôi mộ, khói hương, và ông lại mỉm cười khi tôi nhắc lại câu này.
Hoàng Hoài Nam