Thời gian qua, thành phố đã ghi nhận việc cấp phép một loạt các dự án ven biển, nảy sinh nhiều hệ lụy như: ô nhiễm, tình trạng mất hàng cây phi lao chắn sóng; biển "ăn" đất liền, bờ kè; nắn dòng chảy tự nhiên… Đặc biệt, quyền tự do đi lại của người dân cũng bị ảnh hưởng. Tại kỳ họp, Bí thư thành ủy Trần Thọ nêu rõ, ông được người dân nhắn tin “truy” 2 câu hỏi: biển của Đà Nẵng, tại sao họ không được vào tắm mà giao hết cho DN?. Vì sao việc thu hồi các dự án “treo”, Sở nói mãi không chịu làm?.
Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, đất ven biển khu vực quận Ngũ Hành Sơn kéo dài đến tận tỉnh Quảng Nam đều giao cho DN quản lý. Các DN xây dựng resort liền kề nhau kiến dân không có lối ra biển, không có bãi biển để tắm. “Giao cả mặt đất và mặt nước cho các DN quản lý là vi phạm luật. Biển của người dân, đất của người dân tại sao người dân không được sử dụng. Tôi đề nghị thành phố cần xem xét lại, nếu đầu tư, chỉ giao DN quyền sử dụng chứ không có quyền quản lý”, ông Bình nói.
Giải trình các ý kiến, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Trần Văn Sơn cho biết, trước đây, thành phố có chủ trương giao cho các DN nước ngoài đầu tư khai thác. Thời gian sau đã không còn tình trạng này nhưng một số DN vẫn lạm quyền quản lý và ngăn cản người dân đến gần khu vực đất được giao. Do đó, ông Sơn cam kết, sẽ xử lý triệt để vấn đề này, nếu người dân phát hiện bị cấm đoán, cần báo ngay cho lực lượng chức năng.
Đối với các dự án chậm tiến độ, qua rà soát, Đà Nẵng đã thu hồi 3 dự án gồm: trường dạy lướt ván, dự án khu giải trí Đệ Nhất và khu thể thao giải trí Huy Khánh. Tiếp tục xử phạt và thu hồi 2 dự án: khu du lịch Biển Đông mở rộng, dự án biệt thự nghỉ mát và du lịch sinh thái Bãi Trẹm.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh, không vì phát triển kinh tế mà để người dân không được thụ hưởng. Thậm chí, thành phố sẵn sàng “hầu tòa” khi ra quyết định thu hồi dự án chây ì không đầu tư.