Trong những ngày các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh thực hiện giãn cách xã hội và đường phố Hà Nội cũng ít hẳn xe cộ sau khi có nhiều ca bệnh COVID-19; cứ tưởng không khí Hà Nội sẽ phải trong lành.
Thực tế không diễn ra như vậy. Một số ngày vừa qua, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở ngưỡng xấu, có hại cho sức khỏe con người. Bầu trời một số lúc trong tình trạng mù mịt u ám gây ra cảm giác ngột ngạt đối với người dân trong khu vực nội thành, tầm nhìn xa bị hạn chế, ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường, đặc biệt vào buổi sáng.
Theo một chuyên gia của Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, dẫn tới tình trạng trên có hai nguyên nhân chủ yếu: 1. Điều kiện khí hậu thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi, không thuận lợi cho việc khuếch tán bụi nên bụi vẫn lẩn khuất ở các tầng thấp. 2. Nông dân đốt rơm rạ tại các cánh đồng ngoại thành Hà Nội.
Lý giải trên thuyết phục được nhiều người, vì các số liệu quan trắc trong một tuần qua cũng cho thấy, chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội đột ngột giảm mạnh về đêm và sáng sớm. Khung giờ từ 21h đến 2h sáng hôm sau, chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động.
Một chuyên gia của Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam giải thích, cũng như mọi năm, cứ sau mùa gặt thì Hà Nội lại vô cùng ô nhiễm. Nông dân thường đốt rơm rạ vào buổi chiều tối, khói và bụi từ việc đốt rơm rạ có khả năng khuếch tán không quá xa, nhưng gặp điều kiện thuận lợi như gió, nhiệt độ sẽ mang các chất bụi bẩn vào nội thành, vì vậy ban đêm mức độ ô nhiễm thường tăng cao. Đồng thời Hà Nội là khu vực có nhà cao tầng chắn gió, mật độ dân số cao nên các chất ô nhiễm có khả năng bám lại lâu hơn.
Phóng viên một tờ báo đã tới một số cánh đồng trên địa bàn huyện Quốc Oai, Thanh Trì, ghi nhận nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lúa xuân 2021. Ngay khi thu hoạch, số rơm rạ phần lớn được đốt ngay tại đồng.
Theo người dân, đốt rơm rạ sẽ không tốn công xử lý sau khi thu hoạch mà còn tiêu diệt được mầm mống dịch hại và sau khi đốt rơm thành tro và tro này ủ khoảng 2 - 3 tháng sẽ đem bón cho các ruộng trồng rau. Người dân ở đây cũng nhận thức được việc đốt rơm rạ sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhưng “không đốt thì vứt đi đâu?”.
Nếu số rơm này chất thành đống trên bờ ruộng thì sẽ tạo điều kiện cho chuột sinh sống, gây hại cho vụ sau vì chỉ gần 1 tháng nữa sẽ xuống giống vụ mới. “Nếu cấm đốt thì phải tìm giải pháp giúp dân xử lý số rơm rạ sau mỗi vụ, mà giải pháp phải lâu dài, chứ được một vài vụ rồi thôi thì dân chúng tôi biết làm sao?”, một nông dân đặt câu hỏi.
Hà Nội từng thực hiện nhiều giải pháp, như tuyên truyền người dân thu gom rơm rạ, trồng nấm, thu mua làm chế phẩm sinh học, kể cả biện pháp hành chính là cấm... Chuyên gia cho rằng những giải pháp đó chưa bền vững. Một sào ruộng chỉ thu được ít tiền sau quãng thời gian dài chăm sóc, nhưng lại phải bỏ ra một nửa số tiền đấy để mua chế phẩm sinh học, mất thêm công sức... nên rất khó để người dân từ bỏ việc đốt bỏ rơm rạ như hiện nay. Chúng ta chưa thấu hiểu họ, chưa có sự hỗ trợ cụ thể nên giải pháp đưa ra đều không đạt được hiệu quả như mong muốn, hoặc chỉ duy trì được một thời gian ngắn, chuyên gia đánh giá.
Nếu rơm rạ bán được dễ dàng, hoặc có sự hướng dẫn và hỗ trợ mua chế phẩm sinh học để người dân ủ rơm làm phân bón, hay có những giải pháp lâu dài khác, nhiều ý kiến tin rằng người nông dân sẽ ủng hộ, không còn mất công đốt bỏ và gây ra tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay.