Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận về việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê đối tượng và ban hành kế hoạch thực hiện dứt điểm việc di dời, nhất là đối với các trường hợp phát sinh mới hoặc tái hoạt động trở lại các điểm thu mua, tập kết phế liệu trên địa bàn.
Toàn tỉnh Bình Thuận có tới 434 điểm thu mua, tập kết phế liệu, trong đó 355 điểm nằm trong khu dân cư, cần phải di dời, tập trung nhiều nhất là tại thành phố Phan Thiết, Tuy phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư, UBND cấp huyện đã chỉ đạo quyết liệt, trong đó chủ động thông báo chủ trương của tỉnh để các hộ biết, có lộ trình di dời; tăng cường tuyên truyền, vận động các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư ngừng hoạt động và di dời theo chủ trương của tỉnh.
Đồng thời, thành lập tổ liên ngành kiểm tra việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi các khu dân cư, khu vực trường học, bệnh viện, trên các tuyến đường chính; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hành nghề thu mua, tập kết phế liệu đối với các điểm hoạt động trong khu dân cư; ngành thuế cũng đã không lập bộ thuế đối với các hộ này.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã tổ chức lực lượng công an phường, xã chốt chặn các xe vận chuyển, thu mua phế liệu tại các cơ sở; chủ động tìm kiếm, đề xuất quỹ đất xa khu dân cư, hỗ trợ cập nhật kế hoạch sử dụng đất và hướng dẫn các hộ di dời ký hợp đồng thuê đất để tiếp tục hoạt động. Qua thời gian triển khai thực hiện, hầu hết các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư đều thống nhất với chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đến đầu năm 2019, 10/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Thời gian gần đây, một số địa phương đã xảy ra tình trạng các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư tái hoạt động trở lại, gồm: Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Phan Thiết và Bắc Bình. Trước tình hình trên, các địa phương trên đã tăng cường tuyên truyền, vận động, đồng thời theo dõi, giám sát, xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt hoạt động thu mua, tập kết phế liệu.
Ông Võ Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết cho biết: Quá trình triển khai di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư, khu vực nội thành Phan Thiết còn 05 điểm có hoạt động thu mua lén lút; 03 kho chứa phế liệu chưa di dời; đồng thời phát sinh thêm 10 điểm ở khu vực ngoại thành (01 điểm tại xã Phong Nẫm và 09 điểm tại phường Mũi Né).
Để thực hiện dứt điểm việc di dời, UBND các phường, xã đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, thành lập, củng cố tổ công tác kiểm tra cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn, thực hiện lập chốt canh trực tại các điểm thu mua phế liệu. Trong đó, đối với các hộ còn tồn phế liệu trong nhà, UBND phường, xã tăng cường vận động, đề nghị chủ hộ thực hiện di dời kho ra khỏi khu dân cư.
Đến nay, 5 điểm thu mua phế liệu lén lút tại thành phố Phan Thiết đã ngừng hoạt động và di dời các vật liệu dễ cháy, nhẹ như chai nhựa, thùng giấy, lon bia... ra khỏi khu dân cư. 02 kho chứa phế liệu đã di dời ra khỏi khu dân cư. Riêng đối với 10 điểm phát sinh tại khu vực ngoại thành thì có 01 điểm tại xã Phong Nẫm đã ngừng hoạt động thu mua phế liệu; 09 điểm tại phường Mũi Né hoạt động hạn chế (các điểm này có diện tích kho bãi rộng được che chắn xung quanh).
Không riêng gì thành phố Phan Thiết, các địa phương có điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư tái hoạt động trở lại cũng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để chấm dứt tình trạng này. Tính đến ngày 30/11/2019, UBND hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân đã chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu các điểm thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động trở lại trước đây chấm dứt hoạt động, hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư và không để phát sinh mới các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư.
Đánh giá từ Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian vừa qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư; đã tăng cường kiểm tra, yêu cầu các điểm thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động trở lại trước đây chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện còn nhiều khó khăn do hoạt động thu mua, tập kết phế liệu có nhiều biến tướng, diễn biến phức tạp, một số hộ tìm cách đối phó, lách luật để tiếp tục hoạt động.
Trước tình hình đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động và tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để phát sinh mới các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư hoặc để các điểm thu mua, tập kết phế liệu đã di dời hoặc chấm dứt hoạt động, chuyển đổi ngành nghề trước đây tái hoạt động trở lại; hướng dẫn các chủ cơ sở di dời vào các vị trí xa khu dân cư, phù hợp với quy hoạch để tiếp tục hoạt động kinh doanh; hỗ trợ, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện để các hộ chuyển đổi ngành nghề.
Riêng UBND thành phố Phan Thiết, UBND huyện Bắc Bình vẫn còn tình trạng các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư tái hoạt động trở lại, cần chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn quản lý, chậm nhất đến ngày 10/01/2020 (đối với Phan Thiết) và 30/12/2019 (đối với huyện Bắc Bình) phải hoàn thành việc di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề các điểm thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động hoặc phát sinh mới trong khu dân cư.ú hình ảnh: