Phát triển tuyến dưới để tuyến trên “rảnh tay” phát triển kỹ thuật
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong thời gian qua không chỉ là để hiện thực hóa các Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành TƯ Đảng về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới, mà còn là yêu cầu cấp thiết của xã hội.
Năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 26 trạm y tế (TYT) thuộc 8 tỉnh, TP. Với chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị khá đồng bộ, chuyển giao được nhiều kỹ thuật, gắn bảo hiểm thụ hưởng tốt, bước đầu TYT xã/phường cũng đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Một số TYT xã tại Ba Vì (Hà Nội), Bạc Liêu, Đồng Tháp làm xã hội hóa rất tốt, thu hút 100 người khám/ngày.
Một số tỉnh điển hình trong triển khai đổi mới hoạt động của TYT theo nguyên lý y học gia đình như TP HCM triển khai mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại các TYT. Kết quả ban đầu cho thấy, số lượng lượt khám chữa bệnh tại các TYT tăng lên hàng nghìn lượt trong 9 tháng đầu năm nay. Tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị điển hình trong mô hình lập hồ sơ sức khỏe của người dân… Hiện tỉnh Hà Tĩnh đã có 84% người dân được lập hồ sơ sức khỏe và tất cả các bệnh viện trên địa bàn đã liên thông với tuyến y tế cơ sở.
Mặc dù có được những kết quả ban đầu đó nhưng trên thực tế, ở các địa phương vẫn còn nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ chóng mặt, mệt mỏi cũng lên bệnh viện tuyến TƯ để khám chưa tin tưởng TYT xã. Các bệnh viện tuyến TƯ đón tiếp tới hàng trăm ngàn lượt khám chữa bệnh mỗi ngày thì TYT lại chỉ có 2, 3 người. Trong khi đó, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc tiểu đường, tăng huyết áp sau một thời gian chăm sóc tại TYT đều cảm thấy hài lòng.
“Thực tế, có ít nhất 30 - 40% bệnh nhân điều trị tại tuyến TƯ có thể điều trị tại tỉnh, 30 - 40% tuyến tỉnh có thể điều trị tại huyện, 30-40% tuyến huyện có thể được chăm sóc tại xã. Có bệnh viện tuyến TƯ khám tới 5-6 nghìn người/ngày trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2-3 người/ngày. Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, chúng ta phải tăng cường y tế cơ sở mà mô hình đơn giản nhất là sẵn có TYT xã/phường”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Đồng thời, kinh nghiệm được rút ra từ các nước cũng cho thấy, việc liên kết giữa TYT xã và bệnh viện huyện (bác sỹ từ bệnh viện huyện về TYT xã khám) đã đem lại hiệu quả rất cao. Vậy không lý do gì các bệnh viện tuyến TƯ phải loay hoay với quá tải. Do đó, theo Bộ trưởng, thời gian tới, ngành Y tế cần tiến tới y tế cơ sở, làm công tác tư vấn chống béo phì trong người dân, sàng lọc một vài tật bẩm sinh ngay tại TYT. Liên thông giữa bệnh viện huyện và TYT xã, như vậy mới giúp người dân tin tưởng, nâng cao tay nghề cho bác sĩ ở TYT. Có phát triển tuyến dưới thì tuyến trên mới “rảnh tay” phát triển kỹ thuật cao, không còn tình trạng quá tải.
Khó khăn bước đầu cần vượt qua
Việt Nam được đánh giá sở hữu một hệ thống y tế địa phương bài bản. Với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và khám chữa bệnh BHYT, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.
Tuy nhiên, triển khai và nhân rộng mô hình TYT xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập cần được từng bước khắc phục và giải quyết. Vấn đề công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được làm tốt, nhiều người chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám, phát hiện sớm, dẫn đến tình trạng có bệnh mới chữa. Phần lớn các TYT chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, trong đó TYT xã chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến.
Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, chưa phù hợp. Đối với nguồn ngân sách nhà nước chưa bảo đảm 30% chi dự phòng. Ngân sách cho TYT chỉ chi lương, không có kinh phí chi hoạt động. Chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính cho TYT đa chức năng. Về BHYT thì mức chi rất thấp: 20% BHYT tại xã, chi khoảng 3%; 50% khám chữa bệnh BHYT tại huyện, chi 27-28%. Chưa chi cho dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, khám chữa bệnh lưu động.
Chia sẻ về vấn đề này, mới đây, tại Hội nghị trực tuyến “Nhân rộng mô hình TYT xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: “Ngành Y tế phải quyết liệt nhân rộng nhanh mô hình TYT xã theo nguyên lý y học gia đình. 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc”.
Bộ trưởng cũng nêu rõ lộ trình triển khai mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: năm 2018, hoàn thành mô hình 26 TYT xã điểm. Các tỉnh, TP chủ động triển khai rộng khắp tại các TYT xã còn lại, không chờ kết quả các TYT làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số TYT xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số TYT. Giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số TYT. Và 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc.