Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 03 bước như sau: đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp trường/viện. Người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài (ít nhất có người không công tác tại cơ sở đào tạo), có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án.
Thành viên Hội đồng đánh giá luận án phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó Chủ tịch Hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án. Yêu cầu phải công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học ở trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ GD-ĐT, của các cơ sở đào tạo trước và sau khi bảo vệ luận án đã bổ sung thêm một kênh công khai, minh bạch hóa thông tin để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án…
Quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo. Những quy định này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách “cầm cân nảy mực” phản biện luận án…
Phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan, không nể nang, dễ dãi trong quá trình đào tạo và đánh giá để nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm được đào tạo; nâng cao nhận thức về việc minh bạch thông tin, giữ gìn uy tín về chất lượng chuyên môn chính là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi cơ sở đào tạo tiến sĩ. Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Từ góc độ quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, bà Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD-ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo phải tập trung phải nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Chú trọng đến việc công khai, minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. Tuy nhiên, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý.
“Triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia của Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH, trong đó cốt lõi của cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo tiến sĩ là nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ với khối lượng học tập chiếm đến 80%. Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tuân thủ chuẩn này và đáp ứng chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia của Việt Nam. Đây là một trong những căn cứ để người hướng dẫn xem xét đồng ý cho phép nghiên cứu sinh được nộp luận án để thực hiện các bước đánh giá tiếp theo, đồng thời thành viên các hội đồng phải bám sát các yêu cầu này khi đánh giá luận án tiến sĩ.
Nâng cao nhận thức và vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá luận án tiến sĩ, giữ gìn đạo đức khoa học, tránh việc nể nang, dễ dãi để bảo đảm giá trị khoa học của từng luận án, góp phần gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết.