Khi đất nước còn chiến tranh, còn thiếu thốn, xã hội vận động và tạo điều kiện cho người phụ nữ được lao động, được cống hiến như nam giới, đó là nội dung cơ bản của bình đẳng giới, chăm sóc quyền lợi của người phụ nữ. Ngày nay, khi điều kiện sống đã được cải thiện, bình đẳng giới không chỉ là bảo đảm quyền lao động cho người phụ nữ mà còn là tạo điều kiện để người phụ nữ được làm việc phù hợp với giới tính, nâng cao quyền lợi của người phụ nữ trong lao động và đời sống, chăm lo việc thực hiện chức năng làm mẹ, làm vợ của họ vì cuộc sống hôm nay và tương lai của dân tộc, nòi giống.
Ảnh: Đình Lơ |
Chính vì thế, Nhà nước và xã hội đã có rất nhiều cố gắng để hàng triệu phụ nữ có điều kiện làm những công việc ít độc hại, nặng nhọc, căng thẳng với thu nhập tương đương với nam giới như giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghiệp nhẹ. Trình độ công nghệ, kỹ thuật cũng đã được nâng lên để cải thiện điều kiện làm việc cho chị em. Ở hầu hết các cơ sở công nghiệp, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, các công trình phúc lợi phục vụ phụ nữ được xây dựng, các chính sách, chế độ chăm sóc phụ nữ như về thai sản, chăm sóc con cái, gia đình… được ban hành. Ở nông thôn, điều kiện sống và lao động của người phụ nữ cũng được cải thiện rõ rệt. Nhờ vậy, tỷ lệ bệnh phụ khoa của phụ nữ nông thôn đã giảm 50% sau 15 năm, tỷ lệ tai biến trong thai sản cũng giảm đáng kể; tỷ lệ suy dinh dưỡng trong trẻ em và phụ nữ sau sinh từ 40% đã giảm xuống còn 25%, tỷ lệ này còn thấp hơn ở các thành phố và khu công nghiệp. Cùng với đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng được nâng lên. Hơn 95% các bé gái trong độ tuổi được đến trường. Tỷ lệ nữ trong sinh viên chiếm hơn 50%, có nhiều ngành, nhất là các ngành khoa học xã hội, tỷ lệ nữ theo học hơn 80%. Đây là nguồn nhân lực nữ rất quan trọng cung cấp cho các cơ quan, doanh nghiệp, hình thành đội ngũ lao động nữ đông đảo, có chất lượng cao ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển và tiến bộ cũng bộc lộ nhiều vấn đề mới cần sớm được khắc phục trong bình đẳng giới. Không thể không lo ngại khi vừa qua, trong các cuộc điều tra xã hội học, người ta thấy tình trạng mất cân đối về giới tính xảy ra khá nghiêm trọng ở các khu công nghiệp tập trung. Trong khi tỷ lệ nữ/nam trong tự nhiên ở mức 51/50 thì ở nhiều khu công nghiệp như dệt, may, tỷ lệ này là 80/20. Phụ nữ ở những nơi này rất khó lấy chồng, khó có gia đình theo nguyện vọng. Tình trạng chênh lệch về thu nhập, về giàu nghèo cũng diễn ra rõ nét, nhất là giữa nông thôn và thành thị, giữa doanh nghiệp làm ăn có lãi và những doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất-kinh doanh; lao động nữ, nhất là lao động nữ có trình độ nghề phổ thông bị bóc lột, ngược đãi khá nặng nề. Điều này thể hiện rõ trong số những người phải bỏ quê hương đi làm thuê, đi giúp việc ở thành phố; những người có tay nghề thấp đi xuất khẩu lao động hoặc lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế. Ở nhiều nơi, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không chỉ bị bóc lột sức lao động, các quyền lợi khác như học tập, sinh hoạt văn hóa, giải trí của chị em cũng bị xâm phạm, cắt xén. Tình trạng bị xâm phạm tình dục, thái độ của xã hội đối với nghề mại dâm hiện nay cũng tác động xấu đến đời sống của không ít người. Bạo hành trong gia đình, ngược đãi trẻ em nói chung, trong đó có trẻ em nữ còn khá phổ biến.
Phụ nữ là người lao động nhưng phụ nữ còn làm chức năng bảo vệ nòi giống, gìn giữ văn hóa, bảo vệ gia đình. Chăm lo phụ nữ, ngoài chăm lo họ trong lao động và trong đời sống vật chất, ngày càng cần hơn đến việc để phụ nữ có điều kiện nghỉ ngơi, giải trí, học tập để khỏe hơn, đẹp hơn, có kỹ năng chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái hơn.
PHẠM VŨ