Đăng bán nhà chung cư từ nhiều tháng nay, nhưng chị Nguyễn Hương Thảo, ở quận Hà Đông vẫn chưa thể bán vì nhiều khách hỏi mua nhà đều yêu cầu có chỗ để xe ô tô. Trong khi đó, hiện nay, hầm để xe của chung cư chị Thảo ở đã chật kín, thậm chí nhiều xe phải để ở vỉa hè, lề đường:
"Chung cư mình rất thiếu chỗ để xe cho khách vãng lai và người dân. Người dân để xe dưới sảnh, tràn xuống lòng đường khá nhiều. Nhiều lúc muốn đi bộ thôi nhưng vẫn cứ phải lách qua các ô tô, rất khó chịu", chị Thảo cho biết.
Tình trạng thiếu chỗ đỗ xe ô tô xảy ra khá nhiều ở các chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, buộc nhiều chủ phương tiện phải tìm các điểm gửi xe gần đó hoặc đỗ tại các tuyến đường xung quanh chung cư. Điều này không chỉ gây ra bất tiện cho việc đi lại cho người dân mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu chỗ đỗ xe tại một số chung cư hiện nay, PGS.TS Nguyễn Quang Minh, giảng viên khoa Kiến trúc và quy hoạch, Đại học xây dựng Hà Nội cho biết: "Nguyên nhân là sự thiếu tính toán của nhà đầu tư hoặc đơn vị tư vấn. Họ không có thông tin dự báo ngay từ đầu. Nhu cầu đỗ thực tế và tính toán ban đầu không khớp nhau hay gặp ở các dự án ban đầu xây dựng ở mật độ thưa sau đó xây chen, diện tích chỗ đỗ xe không được đảm bảo".
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Doãn Minh Tâm, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và giao thông vận tải nêu ý kiến: "Khi làm chung cư không có nghĩa có bao nhiêu căn hộ là có từng đó chỗ để xe. Trong thiết kế các cấp đã duyệt đã có số căn hộ và số chỗ để xe, được duyệt là được chấp thuận Vấn đề bài toán giao thông tĩnh chúng ta chưa quan tâm đúng mức"
Quy chuẩn 04/2021- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư quy định đối với nhà ở thương mại “diện tích chỗ để xe (bao gồm đường nội bộ trong gara/bãi để xe) tối thiểu là 25 m2 cho 4 căn hộ chung cư, nhưng không nhỏ hơn 20 m2 cho 100 m2 diện tích sử dụng căn hộ chung cư thương mại và cho 160m2 đối với những tòa nhà hỗn hợp, trong đó đảm bảo tối thiểu 6 m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ chung cư. Còn đối với nhà ở xã hội, diện tích chỗ để xe được phép lấy bằng 60% định mức quy định của nhà ở thương mại.
Quy định đã có và quy trình cấp phép xây dựng tương đối chặt chẽ nhưng nhiều chung cư cao tầng vẫn thiếu chỗ đỗ xe, theo Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh là do: "Tôi cho rằng lỗ hổng nằm ở công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt và công tác xử lý vi phạm trên thực tế. Việc giám sát quá trình thực thi vẫn còn nhiều bất cập từ nhiều phía, như công tác quản lý Nhà nước chưa được sát sao và số lượng nhà chung cư xây dựng quá nhiều, việc quản lý phức tạp, khó kiểm soát".
Nhiều chung cư cao tầng hiện vẫn trong tình trạng thiếu chỗ đỗ xe. (ảnh minh họa) |
Một số ý kiến cho rằng, nhiều chủ đầu tư ban đầu xây dựng nhà ở với mật độ thấp với nhiều tiện ích công cộng, chỗ đỗ xe đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi thu hút được khách mua nhà hoặc người dân chuyển đến ở, chủ đầu tư mới tính toán xây chen thêm nhiều toà nhà cao tầng khiến không gian, tiện ích đỗ xe bị thu hẹp.
Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và thiếu hụt chỗ đỗ xe, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có quy định không cấp phép xây dựng cho những chung cư, tòa nhà thương mại không đáp ứng đủ chỗ đỗ xe.
PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, khi xây dựng một chung cư cao tầng hay cao ốc văn phòng, có nghĩa là xây dựng một thượng tầng kiến trúc, phải tương xứng với cơ sở hạ tầng mà công trình kiến trúc đó đặt vào, trong đó có hệ thống đường giao thông và giao thông tĩnh. Bởi vậy, quy định của Hà Nội đưa ra có thể giải quyết phần nào những bức xúc thực tế trong sự phát triển hiện nay:
"Chính sách chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm bắt buộc phải có đủ chỗ đỗ xe là một chính sách cần thiết. Bởi vì nếu chúng ta không đầu tư tương xứng thì xe đỗ trên đường phố và nó sẽ chiếm dụng quyền sử dụng đường phố của những thành phần khác. Trong trường hợp chủ đầu tư không đáp ứng thì không được phép xây nhà, tôi thấy đấy là chính sách hợp lý", PGS.TS Phạm Thúy Loan nêu ý kiến.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, tiêu chuẩn về diện tích chỗ đỗ xe đã được nêu ra trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chỉ có ở mức độ, trong bối cảnh nhu cầu phát triển xã hội ngày càng tăng, thành phố cần tìm những giải pháp khác:
"Khi đã là chung cư, phải có chỗ để xe. Đấy là nguyên tắc. Việc của Hà Nội là nhắc lại thôi, không thể nào xây chung cư, chất tải lên đấy mà không có chỗ để xe. Xe để đâu? Nó phải có. Cho nên hạn chế xây dựng chung cư trong nội đô là như thế, cần tìm bãi để xe ngầm công cộng và khuyến khích giao thông công cộng", KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Một số ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng như hiện nay, khi xây dựng mạng lưới giao thông, các đô thị cần phải quy hoạch, ngoài việc tính toán số lượng dòng xe, số lượng phương tiện cũng cần có quy hoạch cụ thể về các chỗ đỗ xe cá nhân, cho từng khu vực và trên toàn thành phố.
Quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn về chỗ đỗ xe khi xây dựng các toà chung cư cao tốc, các cao ốc đã có từ lâu và một lần nữa, thành phố Hà Nội đã nhắc lại. Vấn đề đặt ra là quá trình thực thi và giám sát thực thi như thế nào để không xảy ra tình trạng chung cư nhồi nhét ở khu vực trung tâm, người dân bức xúc về chỗ đỗ xe.
Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Giám sát thực thi xây dựng: Không thể buông lỏng".
Năm 2012, khi sang Hồng Kong, tôi đã rất ngạc nhiên, khi nhiều người dân ở quốc gia này phải bỏ ra tới 80 nghìn đô la Mỹ, tương đương 1,6 tỷ đồng để sở hữu một chỗ đỗ xe khoảng 12m2. Đầu tư vào chỗ đỗ xe là một nghề hái ra tiền, đến bây giờ, có những chỗ đỗ xe tại quận Peak, Hồng Công lên tới 1,3 triệu đô la Mỹ.
Tại Hà Nội, 10 năm trước, người dân không mấy quan tâm đến chỗ đỗ xe ô tô, nhưng hiện nay, khi mua nhà chung cư, yêu cầu đầu tiên đối với nhiều người là phải có chỗ để xe ô tô. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng chỗ đỗ xe ô tô tại các chung cư đã xuất hiện từ lâu dù không chính thức, thậm chí, có cư dân phải bỏ ra số tiền 800 triệu đồng để sở hữu tại một chỗ để ô tô chưa đến 10 m2 trong vòng 38 năm, tại chung cư Goden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) hay 500 triệu đồng cho một chỗ đỗ xe tại chung cư 93 Lò Đúc, Hà Nội.
Việc người dân phải bỏ một số tiền không nhỏ để mua chỗ đỗ xe phần nào phản ánh sự mất cân đối giữa cung- cầu chỗ đỗ xe ngay tại chính các chung cư, cao ốc. Hệ quả là tình trạng ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường tại các tuyến đường xung quanh khu đô thị, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến giao thông.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, diện tích các điểm, bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe, ...
6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố Hà Nội có gần 146 nghìn phương tiện đăng ký mới, trong đó có trên 41.000 phương tiện ô tô, nâng tổng số lượng phương tiện ô tô của thành phố lên gần 1,03 triệu xe, tăng gần 72% so với năm 2018.
Với tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân hiện nay, nếu Hà Nội không có những giải pháp quyết liệt trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng chung cư trong nội thành và tăng diện tích chỗ đỗ xe, thì vấn đề ùn tắc sẽ khó có thể giải quyết.
Bởi vậy, để giải quyết bài toán về thiếu chỗ đỗ xe hiện nay, cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Trước hết, thành phố cần làm tốt công tác quy hoạch, tính toán chính xác về phân bổ dân cư theo từng khu vực gắn với quy hoạch về mạng lưới đường giao thông và giao thông tĩnh.
Các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng thực hiện chặt chẽ trong việc phê duyệt cấp phép cho các dự án xây dựng theo đúng quy hoạch, không được điều chỉnh quy hoạch. Các dự án được cấp phép phải tuân thủ đúng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn về chỗ đỗ xe theo các quy định của Bộ xây dựng.
Quá trình giám sát việc thực thi các quy định của chủ đầu tư cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đối với những trường hợp vi phạm cần nghiêm túc xử phạt theo quy định và cho tạm dừng thi công, hoặc không cho đưa vào vận hành nếu không có biện pháp khắc phục.Việc huy động sự giám sát chủ đầu tư của cộng đồng dân cư, những người sở hữu nhà chung cư cũng rất cần thiết.
Thành phố cũng cần thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, tính toàn nhu cầu đỗ xe của các chung cư, cao tốc trên địa bàn thành phố, so sánh với nguồn cung hiện có để đưa ra những giải pháp phù hợp. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống bãi đỗ xe trong khu vực đô thị. Hiện mới có 57 / 107 dự án bãi đỗ xe được hoàn thành.
Đối với các chủ đầu tư cần có sự tham vấn các chuyên gia tính toán, thiết kế về chỗ đỗ xe có tính tới sự phát triển của xã hội, nhu cầu mua xe của người dân có xu hướng tăng, tránh tình trạng thiếu hụt chỗ đỗ xe khi người dân về ở.
Pháp luật đã có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chỗ đỗ xe, và trong Kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, thành phố Hà Nội đã nhắc lại quy định này với mong muốn là một trong những giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, để quy định đi vào cuộc sống, chứ không chỉ nằm trên giấy, các cơ quan chức năng cần có những quy định ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm và nghiêm túc xử lý đối với những trường hợp thiếu trách nhiệm, gây ra những hậu quả lâu dài cho sự phát triển bền vững của đô thị.