Bộ LĐTBXH chuẩn bị ban hành Nghị định quản lý lao động giúp việc gia đình song lại chưa nắm được chính xác số lượng và chưa nhận diện được loại hình lao động này.
Cơ quan chức năng chưa thống kê được ở VN có bao nhiêu người làm nghề GVGĐ |
Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang gấp rút xây dựng Nghị định về quản lý lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam. Dự kiến Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12/2010.
[links()]
Các vấn đề cơ bản về lao động giúp việc gia đình sẽ được qui định trong nghị định là: Tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, thời gian làm việc, điều kiện làm việc, tiền lương, các loại hình bảo hiểm đi kèm, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nghị định, cơ quan soạn thảo đang gặp nhiều khó khăn do khái niệm lao động giúp việc gia đình chưa rõ ràng; loại hình lao động này ở Việt Nam có tính đa dạng, phức tạp và thiếu một bức tranh tổng thể; Bộ luật Lao động không coi giúp việc gia đình là lao động đặc thù…
Sáng nay,15.11, một cuộc hội thảo đã được tổ chức để thảo luận nhằm thống nhất khái niệm, phân loại các hình thức lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam, từ đó xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định; Làm rõ các tính chất, đặc điểm của lao động giúp việc gia đình và những vấn đề liên quan đến qui định của Bộ luật Lao động đối với đối tượng này…
Theo ông Phạm Minh Huân. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu và xác định đây có phải là một nghề không và tạo ra khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện của từng quốc gia nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
Trên thực tế hiện nay chúng ta chưa nắm được chính xác số lượng và chưa nhận diện được loại hình lao động này, chính vì vậy, các cơ quan quản lý lao động địa phương cần phải phối hợp với các cơ quan hữu quan, tổ chức đoàn thể để có thể thu thập được con số thống kê chính xác về lao động giúp việc gia đình.
Thanh Lương