"Bám" chương trình cốt lõi
Về tinh giảm chương trình, các năm 2019, 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hai lần tinh giảm chương trình để phù hợp với chương trình học trong tình hình dịch bệnh. "Năm học 2021-2022 này, chúng tôi một lần nữa rà soát, lần này chương trình được xác định là chương trình có tính chất cốt lõi chứ không phải là chương trình rút gọn qua mỗi năm", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Bộ trưởng cho biết, điểm khác biệt là chương trình xác định những yêu cầu, những nội dung mang tính cốt lõi. Đối với các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước nội dung đúng theo chương trình cốt lõi, nếu như vẫn tiếp tục an toàn thì quay lại cùng cố và mở rộng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kimm Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chương trình dạy học trực tuyến. |
Đối với những nơi dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi đó, khi được quay trở lại nhà trường thì cũng lại cố và mở rộng thêm.
Như vậy, chương trình cốt lõi là giải pháp về chuyên môn để ứng phó với tình hình dạy học đa dạng ở các khu vực, các vùng miền.
"Theo chương trình này, việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi và các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình này, không phải là "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp bên ngoài để vào dạy trực tuyến", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Dạy lớp 1 trên truyền hình chỉ là giải pháp
Trước băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về việc trẻ lớp 1 học trực tuyến, học trên đài truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm rõ, trong việc chuyển trạng thái của ngành giáo dục để ứng phó dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương riêng đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học chủ yếu trên truyền hình. Các trường có đầy đủ điều kiện và được đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến.
Bộ trưởng cho rằng đây là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp, cũng sẽ khó có một giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. Do đó, chúng ta phải chọn một giải pháp tối ưu hơn cả.
Trong vòng hơn hai tháng vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng được 166 bài giảng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu các bài giảng của lớp 1 và lớp 2. Theo Đài truyền hình Việt Nam thống kê, mỗi môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học.
Đối với học sinh lớp 1 thì dạy trên truyền hình là một lựa chọn được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ.
Đồng thời, nếu như các cháu học lớp 1 và lớp 2 học trên truyền hình thì khi quay trở lại trường, việc củng cố kiến thức và kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thuận tiện.
Còn những học sinh mà phải tiếp tục học trên truyền hình thì cũng sẽ phải có phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp. Bộ cũng đã có hướng dẫn cho việc này.
"Khi các cháu học sinh đến trường thì vẫn phải có những hỗ trợ, củng cố thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Dạy học lớp 1 trên truyền hình chỉ là một giải pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh.