Khốn khó lại tù tội vì vài phút mất bình tĩnh

Hơn 30 tuổi, vẫn cuộc sống nghèo khó, nhưng ít ra bị cáo cũng từng có một hạnh phúc bình dị, có một gia đình nhỏ để mà phấn đấu. Còn bây giờ, ngay cả cuộc sống nghèo khó và hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị nhất cũng đều vuột khỏi tầm tay của người đàn ông này.

Sáng 29/2/2012, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Văn Thêm (SN 1981, ở xã Yên Bổng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) về tội “Giết người”.

Tháng 7 năm ngoái, người đàn ông làm nghề bốc vác tại chợ Văn Quán này đã gây trọng án xuất phát từ việc can ngăn một "tay anh chị" đang đánh người vô cớ tại chợ.

Nuôi sống gia đình bằng nghề bốc vác

Nguyễn Văn Thêm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có tới 5 anh em mà cha mẹ đều mất sớm vì bạo bệnh. Thêm là con út, chỉ được học đến lớp 5 thì nghỉ, và sau này Thêm cũng chỉ biết đọc chứ không biết viết.

sgrs
Bị cáo Nguyễn Văn Thêm.

Các anh chị của Thêm lần lượt lập gia đình nhưng không đủ sức lo kinh tế cho nhau. Trước hoàn cảnh đó, cậu em út hiền lành là Thêm đã sớm bỏ quê ra Hà Nội tìm việc làm. Sức vóc vốn yếu ớt nhưng Thêm cũng không tìm được việc gì khác ngoài làm thuê bốc vác.

Công việc nặng nhọc, nhưng không phải ngày nào cũng có việc làm. Một phần vì trông Thêm nhỏ thó, yếu ớt, phần khác vì bản tính hiền lành nên bị các công nhân cửu vạn khác giành hết mối mà không dám phản kháng lại.

Sau mấy năm chịu khó xoay đủ thứ nghề nặng nhọc để nuôi sống bản thân, đến năm 20 tuổi, Thêm cũng tích cóp được một ít tiền để về quê cưới vợ. Vợ Thêm quê ở Đại Từ, Thái Nguyên, cũng là công nhân bốc vác.

Năm 2007, khi có con nhỏ, vợ Thêm ở hẳn quê chồng để nuôi con và làm thuê việc đồng áng, còn Thêm vẫn làm thuê ở Hà Nội. Có vợ và con nhỏ, Thêm càng chăm chỉ, chịu khó, làm đủ thứ nghề có thể làm được từ thợ phu hồ, bốc vác, chạy thuê xe ba gác...

Đầu năm 2010, Thêm xin về khu chợ tạm Văn Quán ở Hà Đông để làm thuê cho một chủ buôn hoa quả, và cũng nhận luôn việc bốc vác khi có người gọi.

Làm thuê ở chợ, Thêm không mất tiền thuê nhà ngủ vào ban đêm vì được cho ở nhờ trong lán ở chợ. Công việc tuy vẫn nặng nhọc nhưng cũng đã ổn định hơn, không phải chạy vạy nhiều nơi như trước.

Anh công nhân nghèo là Thêm càng chăm chỉ làm việc, dành dụm số tiền công ít ỏi mỗi tháng đưa về quê cho vợ, ở lại với vợ con được một vài ngày rồi lại tất tả ra Hà Nội làm việc. Với Thêm, cuộc sống như vậy đã là những ngày tươi sáng hơn.

Thế nhưng, những ngày hạnh phúc như vậy đã không kéo dài như Thêm muốn. Trong một lần can ngăn một vụ đánh người, Thêm đã trở thành kẻ giết người và đánh mất tất cả.

Ngày u ám

Đó là vào chiều tối 5/7/2011, Nguyễn Thanh Tùng (SN 1989, ở An Dương, Hà Nội) chở Nguyễn Quang Vũ (SN 1986, ở Hàng Mã, Hà Nội, vốn là một "dân anh chị" trong chợ), lúc này đang ngà ngà hơi men, đi đến cổng chợ tạm Văn Quán.

Tại đây, hai người gửi xe máy ở một hàng nước rồi đi bộ vào chợ, gặp anh Nguyễn Nho Tỉnh (SN 1985, quê Kinh Môn, Hải Dương), làm bốc vác tại chợ Văn Quán, đang đi ở bên kia đường. Vũ gọi anh Tỉnh và nói: “Mày không được bốc hàng ở đây nữa”, đồng thời bắt anh Tỉnh cúi xuống và dùng chân đá vào trán nạn nhân. Tùng can Vũ để anh Tỉnh bỏ chạy.

Tùng và Vũ đi tiếp vào trong thì thấy các anh Dư Văn Hạnh, Dư Văn Hải, Chử Văn Long (đều ở Ứng Hòa, Hà Nội) đang ngồi ven đường. Vũ hỏi: “Mày có biết tao là ai không”. Nghe những người này trả lời “không biết”, Vũ  liền túm tóc đấm anh Dư Văn Hải nhưng anh Hải tránh được. Tùng tiếp tục can Vũ và bảo nhóm của Hải chạy đi.

Vũ quay sang túm cổ áo và đấm vào đầu anh Long. Sợ hãi anh Long van xin: “Bọn em ra đây chơi chứ không phải đi làm, anh đừng đánh em”.

Vũ ngang ngược trả lời: “Tao thích đánh”. Sau đó, Vũ bắt Long quỳ xuống đất, nhặt một đoạn tre ở dưới đất vụt vào sườn Long, tháo dây lưng vụt vào cổ Long.

Thấy có người đánh nhau, Nguyễn Văn Miền (SN 1981, quê ở Ba Vì, Hà Nội, là bảo vệ của chợ Văn Quán), tới xem liền bị Vũ lao vào đấm, đá.

Lúc này, Nguyễn Văn Thêm đi đến, thấy vậy, Thêm đã cùng Tùng can không cho Vũ đánh Miền. Anh Miền bỏ chạy vào khu vực bên trong chợ. Vũ quay sang đuổi đánh Thêm nhưng không kịp.

Khi quay lại, thấy anh Miền dùng điện thoại gọi người ở Ban Quản lý chợ đến can thiệp, Vũ liền xông vào bắt anh Miền quỳ xuống và dùng chân đá vào mặt anh Miền, mặc cho anh này khẩn thiết van xin. Sau khi đánh nát cả mặt anh này, Vũ chỉ thẳng và nói: “Tao mà còn thấy mày ở đây thì tao đánh mày chết!”.

Vẫn tức tối vì bị “một thằng bốc vác quèn can ngăn”, Vũ tiếp tục vào chợ tìm Thêm để đánh. Thêm đang xem tivi, thấy Vũ đến liền bỏ chạy. Vũ dựng xe máy, đuổi theo Thêm. Khi chạy đến bờ tường cách chỗ lán của thợ xây chợ Văn Quán khoảng 10m, Thêm dừng lại rút một con dao đã có sẵn từ trước dọa cho Vũ sợ và tiếp tục bỏ chạy.

Nhìn thấy Thêm cầm dao, nhưng Vũ vẫn nhất quyết đuổi theo, khoảng 4m nữa thì túm được cổ áo phía sau Thêm, ghì cổ Thêm kéo xuống để đánh. Thêm đã phản ứng lại bằng cách dùng dao đâm thẳng vào ngực trái Vũ. Sau đó, đâm thêm một nhát vào bụng Vũ rồi bỏ chạy.

Sau khi gây án, Thêm về nhà anh trai tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. Ngày 6/7/2011, Thêm được anh trai đưa đến Công an quận Hà  Đông, Hà Nội đầu thú.

Về phần Vũ, do vết thương quá nặng nên tử vong trên đường đến bệnh viện.

Phiên xử vắng người

Phiên tòa sáng 29/2 diễn ra trong không khí ảm đảm của đợt rét cuối mùa. Dưới khán phòng, ngoài vợ và em trai của nạn nhân, không có lấy bóng dáng một người thân nào của bị cáo. Có lẽ hoàn cảnh quá khó khăn, công việc quá tất bật đã khiến cho những người anh, người chị của bị cáo không thể rời quê ra Hà Nội an ủi em trai...

Còn vợ của bị cáo, từ khi bị cáo bị bắt đã lặng lẽ xin ly thân rồi đưa con về quê ngoại ở Thái Nguyên, không một lần liên lạc với chồng.

Hơn 30 tuổi, vẫn cuộc sống nghèo khó, nhưng ít ra bị cáo cũng từng có một hạnh phúc bình dị, có một gia đình nhỏ để mà phấn đấu. Còn bây giờ, ngay cả cuộc sống nghèo khó và hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị nhất cũng đều vuột khỏi tầm tay của người đàn ông khốn khó này.

Trả lời tại tòa, bị cáo trước sau đều cho biết không hề có chủ ý giết Vũ. Sự việc xảy ra là ngoài ý muốn của bị cáo, vì những người như bị cáo đều có hoàn cảnh quá khổ nên mới phải mưu sinh bằng công việc bốc vác nặng nhọc. Biết mình là lao động nghèo không có tiếng nói, chỉ muốn yên ổn làm ăn, nên ai cũng đều biết thân biết phận, khi bị anh Vũ - vốn là "dân anh chị" làm bảo kê ở chợ - đánh đấm vô cớ cũng không dám nói gì.

Bị cáo thấy anh em bị đánh vô cớ, lại thấy anh Vũ có vẻ như say rượu, nên mới ra can ngăn, chứ không hề nói lại hay đấm đá gì anh Vũ. Không ngờ Vũ để bụng, bị cáo cuống quá không biết làm gì mới dẫn đến hành động như vậy...

Dù tương lai phía trước sẽ rất mù mịt, nhưng để hối lỗi cho hành động của mình, bị cáo đã đồng ý bồi thường một số tiền rất lớn mà gia đình nạn nhân yêu cầu là 350 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra và tại tòa, bị cáo cũng đều khai báo rất thành khẩn.

Nhận thấy trong vụ việc này cũng có một phần lỗi của nạn nhân, nên HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Văn Thêm 8 năm tù về tội “Giết người”.

Ngọc Điệp


 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.