Đánh đập, ép viết giấy nợ
Ngày 10/5, Công an TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị này vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Các đối tượng, gồm: Chu Trọng Thành (còn gọi là Vương, 26 tuổi), Nguyễn Văn Thông (32 tuổi, cùng ngụ phường 2, TP Bảo Lộc), Trần Xuân Tình (còn gọi là Tình “bộ đội”, 42 tuổi) và Nguyễn Thị Nga (36 tuổi, cùng ngụ xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc).
Trong đó, 3 đối tượng Thành, Thông, Tình bị bắt tạm giam 3 tháng; còn Nga vì hoàn cảnh gia đình nên được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi trú. Theo Công an TP Bảo Lộc, ngày 24/4, đơn vị này nhận được tin từ Công an phường 2 về việc bà Bùi Thị Linh Nhâm (41 tuổi, ngụ phường 1, TP Bảo Lộc) bị nhóm 4 đối tượng trên dùng vũ lực ép bà viết giấy nợ. Nhóm này giữ xe máy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy tờ tùy thân của bà.
Tiếp nhận vụ việc, lãnh đạo Công an TP Bảo Lộc đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ sự việc. Qua đó, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Bảo Lộc xác định, giữa bà Nhâm và đối tượng Nga có mối quan hệ vay mượn dân sự.
Vào năm 2017, bà Nhâm vay của Nga số tiền 105 triệu đồng, nhưng không có giấy nhận nợ. Đến cuối năm 2019, bà Nhâm đã trả cho Nga 40 triệu đồng. Số tiền còn lại, bà Nhâm chưa có khả năng trả nợ nên tạm khất nợ. Sau đó, thông qua các mối quan hệ ngoài xã hội, Nga đã tìm gặp Thành để nhờ tìm bà Nhâm đòi nợ.
Giữa Nga và Thành thỏa thuận, sau khi đòi được nợ sẽ chia số tiền này theo tỷ lệ 60/40, trong đó Nga lấy 60%, còn Thành 40%. Ngày 24/4, qua theo dõi, Thành bắt gặp bà Nhâm tại một tiệm làm đẹp trên địa bàn TP Bảo Lộc, sau đó gọi cho Nga, Tình, Thông đến. Trong lúc 2 bên nói chuyện, Thành, Nga và Tình đã đánh bà Nhâm. Sau đó, nhóm người này đưa bà Nhâm về phòng trọ của Nga tại số 15 đường Hồng Bàng (phường 2, TP Bảo Lộc), rồi tiếp tục dùng vũ lực đấm, đá, ép bà Nhâm viết giấy nợ. Vì bị uy hiếp, nguy hiểm đến tính mạng, bà Nhâm đồng ý viết giấy nợ Nga số tiền 80 triệu đồng.
Lực lượng đòi nợ thuê là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người (ảnh minh họa) |
Cầm giấy nợ trong tay nhưng nhóm người này vẫn chưa buông tha, mà còn giữ một xe máy hiệu Vision biển kiểm soát 49K1 - 359.71, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe của bà Nhâm. Sau đó, cả nhóm cử Thông đưa bà Nhâm ra thả tại công viên TP Bảo Lộc. Thoát nạn, bà Nhâm lập tức đến cơ quan công an trình báo sự việc. Qua xác minh, điều tra, Công an TP Bảo Lộc đã triệu tập các đối tượng lên quan để làm việc.
Tại cơ quan công an, nhóm 4 đối tượng nói trên đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo Công an TP Bảo Lộc, các đối tượng Thành, Tình, Thông có những biểu hiện hoạt động băng nhóm xã hội, là những đối tượng trong hồ sơ theo dõi của cơ quan công an. Trong đó, 2 trong số 3 đối tượng này đã có tiền án. Vụ việc hiện vẫn đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhức nhối đòi nợ thuê kiểu xã hội đen
Trong thời gian vừa qua, tình trạng đòi nợ thuê do các nhóm công ty, các nhóm giang hồ xã hội đen thực hiện đang là vấn đề thời sự phức tạp. Đòi nợ thuê là hệ lụy sinh ra từ hoạt động tín dụng đen, cho vay tín dụng không chính thức cho người dùng hiện nay. Tín dụng đen có đặc trưng là cho vay với lãi suất cao, có thể dẫn đến hệ lụy người nợ không có khả năng thanh toán nợ đến hạn. Chính vì vậy sẽ phát sinh tranh chấp, xung đột giữa người vay và người đi vay.
Khi những khoản vay không thực hiện theo những thủ tục pháp lý, để giải quyết những khoản vay tín dụng đen, chủ nợ thường thuê các tổ chức, nhóm, công ty đòi nợ thuê để đòi nợ. Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), về bản chất, chúng ta phải hiểu giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân đòi nợ thuê không có quyền và nghĩa vụ tài chính gì với con nợ. Đây là nhóm trung gian thực hiện các yêu cầu của chủ nợ để nhận thù lao.
Nhóm, công ty, cá nhận thực hiện nghĩa vụ đòi nợ thường hoạt động theo kiểu xã hội đen, sử dụng luật rừng, gây ra những áp lực với con nợ buộc con nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Từ đó phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Để chủ nợ quyết định việc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê thì khoản nợ này đã là khó đòi.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, có thể con nợ gặp khó khăn không trả được khoản nợ. Thứ hai, có thể con nợ có khả năng thanh toán nhưng không trả nợ, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Chủ nợ sau khi thực hiện tất cả các biện pháp hài hòa, con nợ vẫn không được trả dẫn đến sự bức xúc, chủ nợ sẽ tìm đến các tổ chức trung gian, chính là các tổ chức, nhóm đòi nợ thuê. Khi đã là nợ khó đòi, buộc nhóm trung gian đòi nợ thuê phải sử dụng các biện pháp không được pháp luật cho phép.
Theo ông Đào Trung Hiếu - chuyên gia tâm lý tội phạm, nhóm trung gian đòi nợ thuê thường dùng vũ lực như đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc, đập phá đồ đạc… tóm lại là những hành vi gây ra sự sợ hãi cao độ. Có thể đe dọa bằng các biện pháp như nhắn tin, gọi điện hoặc thủ đoạn quen thuộc như mua vòng hoa, quan tài đến… gây ra áp lực với con nợ rằng không biết lúc nào tai họa xảy ra. Ngoài ra, còn có các thủ đoạn như tung tin, công khai việc gì đó con nợ muốn che giấu.
Tất cả đều nhằm mục tiêu gây áp lực tâm lý, tinh thần lên con nợ, buộc con nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Để làm được việc này, các nhóm đòi nợ thuê thường phải sử dụng các đối tượng có quá khứ tiền án tiền sự, có tên tuổi trong giới giang hồ, có hình thức, biểu hiện, cử chỉ, hành vi gây ra sự sợ hãi, đe nẹt, sử dụng luật rừng…
Đây là những hành động chống lại con người, chống lại trật tự pháp luật, nhưng vẫn tồn tại trong đời sống, dựa trên cơ sở sức mạnh của kẻ xấu. Trong những năm vừa qua có nhiều người không sử dụng các công cụ pháp lý để đòi nợ. Họ hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự, nhờ tòa án đòi các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên, họ thấy khả năng đòi nợ theo con đường chính thống không cao và mất thời gian. Do bức xúc tâm lý, họ tìm đến nhóm giang hồ để thuê đòi nợ cho mình.
Tuy nhiên, trong quá trình đòi nợ, khi tội phạm xảy ra, chủ nợ rất dễ ở trạng thái đang đúng thành sai. Đành rằng chủ nợ có quyền được đòi nợ vì cho vay nhưng con nợ không trả. Nhưng nếu chủ nợ sử dụng phương pháp sai rất dễ dẫn đến đúng thành sai, vì hành vi của các đối tượng đòi nợ thuê trượt khỏi mong muốn, thỏa thuận ban đầu.