Nguồn tin của PLVN cho hay, cơ quan công an đã khởi tố vụ án nhận hối lộ để lập khống hộ khẩu cho Việt kiều tại tỉnh Bến Tre và khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng liên quan trong việc làm giả hộ khẩu cho các đối tượng để hợp thức hóa hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai.
Trong khi đó, về phía Tổng cục Hải quan, qua đấu tranh cũng đã làm rõ các sai phạm, xác định đường dây ổ nhóm của tội phạm buôn lậu ô tô, cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an các tỉnh liên quan để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, qua công tác quản lý của cơ quan hải quan đối với việc nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những “dấu hiệu bất thường”.
Theo đó, có sự gia tăng đột biến về số lượng xe ô tô nhập khẩu dưới dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương, đặc biệt sau thời điểm Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực. Cụ thể, nếu như năm 2011 là 164 xe thì sang năm 2012 con số này gia tăng tới 1.142 xe. Xe nhập khẩu nhìn chung đều là xe sang hoặc siêu xe, như Porsche, Bentley, Lexus, BMW…
Trước những dấu hiệu nêu trên, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã phối hợp triển khai các biện pháp điều tra, qua đó nhận thấy các vi phạm tập trung vào các dấu hiệu: giả mạo hồ sơ nhập đăng ký thường trú tại Việt Nam và mua bán “suất”, Việt kiều không thực sự về nước định cư hồi hương.
Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách nhân văn của Nhà nước để trục lợi, vừa qua, 5 Bộ: Tài chính, Tư pháp, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải đã thống nhất báo cáo và đề xuất Thủ tướng phương án xử lý rất mạnh tay.
Theo đó, đối với xe ô tô, mô tô không đủ điều kiện nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương thì phạt tiền và buộc tái xuất xe trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan ra quyết định buộc tái xuất. Trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện tái xuất hoặc không thực hiện tái xuất thì sẽ xử lý tịch thu theo quy định.
Đối với số xe hiện đang tồn đọng tại cảng (tính đến ngày 13/8/2013 có 208 xe ô tô và 11 xe mô tô), Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện xác minh, kiểm tra từng trường hợp, nếu có căn cứ xác định hành vi buôn lậu thì sẽ thực hiện xử lý đối với hàng buôn lậu.
Đối với trường hợp xe ô tô, mô tô “vô chủ”, theo quy định tại Khoản 4 Điều 45 Luật Hải quan, hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày, kể từ ngày hàng hóa tới cửa khẩu dỡ hàng, mà không có người đến nhận thì cơ quan hải quan thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu chủ hàng hóa đến nhận thì được làm thủ tục nhập khẩu và phải nộp tiền phạt, nếu không có người đến nhận hàng hóa thì xử lý theo quy định pháp luật.
Nhưng để đảm bảo đúng quy định pháp luật, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng: Đối với các trường hợp quá thời hạn lưu giữ tại cảng, ngoài thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan hải quan còn thực hiện thông báo trực tiếp cho người nhận hàng bằng văn bản, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người nhận đến cơ quan hải quan làm thủ tục thì được giải quyết.
Trường hợp quá thời hạn 30 ngày (vẫn trong thời hạn 180 ngày theo luật) nhưng không đến cơ quan hải quan làm thủ tục thì coi là hành vi từ bỏ và xe sẽ bị phát mại, tiền bán hàng nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí phát sinh.
Ngọc Trinh