Quá trình điều tra vụ án, ngày 29/10/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa, về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015 và thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở đối với bị can Phạm Văn Thông.
Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 9 vừa rồi Bộ GTVT vừa ban hành Kết luận số 9633/KL-BGTVT kết luận nội dung thông tin phản ánh trên báo chí về “nghi vấn” quỹ đen tại Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT).
“Quỹ đen” gần 5 tỷ đồng
Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về nghi vấn “quỹ đen” tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 1644/QĐ-BGTVT thụ lý và thành lập Tổ xác minh nội dung trên từ ngày 1/8/2018.
Bộ GTVT cho biết, Tổ xác minh đã làm việc với ông Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban QLDA đường thủy nội địa, trực thuộc Cục Đường thủy nội địa. Ông Thông thừa nhận, cuối năm 2015 đến năm 2016, trong giờ làm việc, một số nhà thầu đến phòng làm việc của ông Thông đưa tiền và ông Thông đã nhận.
Cũng theo ông Thông, việc đưa tiền này theo chỉ đạo bằng miệng của ông Trần Đức Hải, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Cụ thể, ông Thông đã nhận tiền của 15 nhà thầu, tổng số tiền 4.800.650.600 đồng.
Song, hồ sơ xác minh thể hiện có 10 nhà thầu không ký tên, 5 nhà thầu đã ký tên theo phản ánh trên báo chí gồm: Công ty tư vấn Giao thông công cộng Hải Phòng ký nộp 628.106.364 đồng; Công ty Đất Việt ký nộp 258.833.182 đồng; Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình thủy, ký nộp 321.000.000 đồng; Công ty HCC và Công ty ALPHA, ký nộp cho ông Nguyễn Long (Trưởng phòng Tài chính) 100.000.000 đồng (tạm ứng); Công ty tư vấn 89, ký nộp 330.000.000 đồng.
Khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Văn Thông |
Ông Thông nhận của 5 nhà thầu số tiền 1.537.939.546 đồng, còn ông Long không thừa nhận mình đã nhận số tiền nêu trên.
“Từ các chứng cứ thu thập được đã nêu và phân tích ở trên, cũng như tài liệu được báo chí cung cấp cho thấy, sơ bộ giám định bằng mắt thường các chữ ký của 5 cá nhân đại diện cho 5 nhà thầu cơ bản có thể là của các nhà thầu ký.
Mặc dù, các nhà thầu không thừa nhận chính chữ ký của mình, nhưng người nhận tiền đã khai nhận. Ông Thông đã dùng số tiền thu được để chi cho các cá nhân Cục Đường thủy nội địa thực hiện các nội dung, như tổ chức hội nghị, hội thao, chi tiền ăn cho cán bộ, công chức và người lao động... (việc chi các nội dung nêu trên đều được các lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa phê duyệt hoặc các cá nhân tự lấy tiền từ ông Thông)”, kết luận của Bộ GTVT nêu.
Đặc biệt, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình Tổ điều tra xác minh, hồ sơ, tài liệu báo chí cung cấp, có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ pháp lý, song chưa xác định được cá nhân, tổ chức nào.
Theo Bộ GTVT, do chưa có kết quả đối chất, thẩm vấn các nhân chứng, Tổ xác minh chỉ xác minh đối với ông Thông, từ lời khai một phía của ông Thông cho rằng có sự chỉ đạo bằng miệng của ông Trần Đức Hải. Vì vậy, nội dung phản ánh chưa đủ căn cứ để kết luận có sự chỉ đạo của ông Hải.
Về việc chi tiền, Bộ GTVT kết luận, tổng cộng có 9 cá nhân là chuyên viên, Trưởng các phòng nghiệp vụ đề xuất chi, sau đó lấy tiền từ ông Phạm Văn Thông để chi phí chung cho Cục Đường thủy nội địa, tổng số tiền là 406.318.526 đồng. Còn lại, ông Thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số tiền xấp xỉ 4,4 tỷ đồng.
Chưa xác định có sự liên quan của lãnh đạo Cục
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân để xảy ra sai phạm nói trên là do lỗi chủ quan của các cá nhân tham mưu và lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa, đồng thời, do lỗi từ cán bộ, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ đến chuyên viên thiếu hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn đến sai phạm.
“Trách nhiệm trước hết thuộc người đứng đầu là Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các Phó Cục trưởng, các Trưởng phòng nghiệp vụ và các chuyên viên tham mưu Cục”, kết luận của Bộ GTVT nêu rõ.
Đồng thời, Tổ xác minh cũng nhìn nhận: “Hành vi thu tiền của các nhà thầu, hành vi duyệt chi tiền cho các cá nhân Cục Đường thủy nội địa để chi phí chung như: hội nghị, hội thao, ăn uống, phòng nghỉ, tiếp khách… của Cục Đường thủy nội địa là hành vi vi phạm pháp luật, tính chất mức độ là nghiêm trọng, bị dư luận xã hội lên án, các cá nhân vi phạm đáng bị trừng phạt bởi pháp luật để răn đe làm gương cho những ai, đã, sắp và chuẩn bị vi phạm”.
Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân của Cục Đường thuỷ nội địa có thái độ cầu thị, thành khẩn khai nhận và mong cầu tiến bộ, đề nghị Bộ GTVT xem xét xử lý hành chính và mong muốn được tiếp tục cống hiến cho ngành giao thông. Bên cạnh đó, trong quá trình xác minh, các tổ chức, cá nhân trên đều cung cấp hồ sơ, tài liệu kịp thời, không cản trở quá trình xác minh, có thái độ hợp tác tốt với Tổ xác minh để làm rõ sự việc.
Về biện pháp xử lý, Bộ GTVT yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm của các cán bộ thuộc diện Bộ trưởng bổ nhiệm gồm: ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng; ông Trần Đức Hải, Phó Cục trưởng; ông Trần Văn Thọ, nguyên Phó Cục trưởng, nay là Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) do có sai sót trong việc ký duyệt, để cá nhân lấy tiền từ ông Thông.
Riêng đối với Cục Đường thuỷ nội địa, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường công tác quản lý đơn vị mình và các cơ quan, đơn vị cấp dưới; lấy sai phạm trên làm bài học xương máu, nhanh chóng kịp thời khắc phục sai phạm, không để sai phạm tương tự xảy ra.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã có quyết định thu hồi số tiền 4.394.332.074 đồng của ông Thông và thu hồi số tiền 406.318.526 đồng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam do sai phạm để các cá nhân lấy tiền từ ông Thông, nộp vào ngân sách Nhà nước thông qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ GTVT.
Hiện số tiền này đã được nộp đầy đủ vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ GTVT từ ngày 4/9.
Ngoài ra, đối với các nhà thầu ký tên hoặc không ký tên trong danh sách báo chí cung cấp, Bộ GTVT chưa có đủ cơ sở kết luận các nhà thầu đã nộp tiền cho ông Phạm Văn Thông. Tuy nhiên, để phòng ngừa tham nhũng, các nhà thầu phải rà soát xem xét lại cơ quan, đơn vị mình kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện sai phạm.
“Bộ GTVT khuyến cáo các nhà thầu phải thông báo kịp thời với cơ quan phòng chống tham nhũng của Bộ GTVT (đường dây nóng hoặc số điện thoại cố định 04.39413313) để kịp thời xem xét, giải quyết ngăn chặn, xử lý chủ đầu tư vi phạm (nếu có)”, Bộ GTVT nêu rõ.