Ngày càng nhiều phụ nữ “chết oan” vì thuốc lá
Cách đây gần 2 năm, tại buổi họp báo phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tổ chức, trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương (ở Thường Tín, Hà Nội- giáo viên, có hai con nhỏ) đã khiến nhiều người có mặt trong khán phòng rơi nước mắt.
Chị Hương phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư phổi. Khi được các bác sĩ xác định nguyên nhân là khói thuốc lá, chị Hương sững sờ vì chưa bao giờ chị hút một điếu thuốc lá nào. Tuy nhiên, khi tìm hiểu môi trường sống xung quanh, cùng với những phân tích của bác sĩ chị mới nhận ra: “Mình mắc bệnh do hút thuốc lá thụ động và nguồn khói thuốc chính là do người chồng của mình”. Từ khi chị Hương mắc bệnh, kinh tế gia đình sa sút nhanh chóng. Từ một cô giáo khỏe mạnh, dạy giỏi, chị Hương trở thành một phụ nữ quanh năm ra vào bệnh viện. Không còn đủ sức lên lớp dạy học, chị phải làm thêm nhiều công việc khác như may ga gối, bán hàng tạp hóa và luôn có một nỗi lo canh cánh mình chết đi sẽ bỏ lại con thơ của mình cho ai...
Hai năm trôi qua, nhiều điều nghiệt ngã đã xảy ra và đáng lo hơn cả là đã có thêm nhiều chị Hương như thế trong danh sách những người phụ nữ chết oan vì thuốc lá. Kể từ khi biết vợ mắc căn bệnh ung thư phổi chồng chị Hương đã từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Nhưng việc “sám hối” đó là đã quá muộn màng. Tại hội thảo “Tác động của tăng thuế thuốc lá đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPNVN tổ chức mới đây, một lần nữa câu chuyện của chị Hương và những con số đáng báo động lại được đưa ra: nhiều phụ nữ Việt Nam không hút thuốc nhưng chiếm tới 20% số người mắc ung thư phổi; 1/2 trẻ 13-15 tuổi và 2/3 phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ngay tại gia đình ở Việt Nam; Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỷ lệ hút thuốc thụ động trong nhà là hơn 53% (28,5 triệu người), tại nơi làm việc là gần 37%, trường học là 16%...
Thói quen hút thuốc không chỉ là những người thân của mình chết oan mà còn kéo lùi sự phát triển của gia đình. Sử dụng thuốc lá lấy đi một phần thu nhập hộ gia đình mà đáng ra có thể đầu tư cho giáo dục và y tế. Tiền mua thuốc lá trung bình 1 năm của 1 người hút thuốc là 2,7 triệu đồng. Nếu tiền mua thuốc lá để mua thực phẩm, 11,2% số hộ nghèo lương thực sẽ thoát nghèo. Năm 2015, Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành cho thấy người hút lá ở Việt Nam đã sử dụng 31 nghìn tỷ để mua thuốc lá, tương đương với 2,4 triệu tấn gạo thời điểm đó và đủ nuôi sống 14,3 triệu người trong 1 năm; cũng trong một năm số tiền 24 nghìn tỷ đồng là tổng chi phí điều trị và chi phí cho mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm do nhóm bệnh phát sinh từ khói thuốc lá. Số tiền này lẽ ra có thể dành cho phát triển, giáo dục, nâng cao đời sống người dân.
Từ những thông tin trên có thể thấy, hút thuốc lá không chỉ là câu chuyện của cá nhân mà nó đã trở thành vấn đề của xã hội khi tác hại của nó ảnh hưởng đến cộng đồng và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Đây cũng là vấn đề liên quan đến bình đẳng giới vì sự bình đẳng trong phân bổ chi tiêu trong gia đình sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em nếu gia đình không có người hút thuốc.
Gia đình tan vỡ vì khoảng cách từ 35% đến 70%
Vì sao có nhiều người Việt thích/bị đắm chìm trong khói thuốc đến vậy? Phải chăng một phần nguyên nhân đến từ giá thuốc lá ở Việt Nam còn rất rẻ và sức mua của người dân thì đã và đang tăng do thu nhập tăng? Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo cho các quốc gia rằng chính sách thuế và giá là một trong những chính sách hiệu quả giúp giảm tiêu dùng thuốc lá bởi thuế cao dẫn tới giá thuốc lá cao sẽ tạo động lực giúp cho những người hút bỏ thuốc hoặc giảm lượng tiêu thụ và giúp giảm số lượng những người mới hút, đặc biệt là thanh thiếu niên và người nghèo. Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay, thuế trên giá bán lẻ của thuốc lá ở Việt Nam thấp thứ ba trong khu vực và chỉ chiếm khoảng 35% trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới là từ 70% trở lên. Thực tế tại các bệnh viện đang chứng minh khoảng cách giữa hai con số 35% và 70% chính là những căn bệnh oan ức tức tưởi của phụ nữ như chị Hương và sự thiệt thòi trẻ em như những đứa con của chị, sự tan vỡ của tổ ấm gia đình...
“Từ 1/1/2020 bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, nếu bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao thì với mức thuế tăng như trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,5% và giúp tránh được 900 nghìn ca tử vong sớm do hút thuốc. Không những thế, phương án này còn giúp nguồn thu thuế của Chính phủ tăng thêm khoảng 10.700 tỷ đồng” - Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế nói về đề xuất tăng thuế thuốc lá.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để có một chính sách thuế thuốc lá hiệu quả, có đủ sức tác động đến sức mua thuốc lá, rất cần sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng. Chính vì thế mà bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội đã khẳng định, những năm qua bằng các hoạt động Hội LHPNVN đã nỗ lực giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức về ảnh hưởng của hút thuốc lên sức khỏe của chính người đang hút và những người xung quanh họ, để từ đó tạo ra ngày càng nhiều tổ ấm không khói thuốc. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, tới đây, Hội sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng chính sách để đóng góp tiếng nói bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em khỏi tác hại của thuốc lá. “Từ nay đến hết năm 2018, chúng tôi sẽ tham gia cùng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và các cơ quan khác vào quá trình vận động tăng thuế thuốc lá”, theo bà Hương.