Một trong các “điểm son” đáng ghi nhận là năm 2022, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực, có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của một đột phá chiến lược; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tích cực rà soát, sửa đổi và đề xuất sửa đổi các quy định, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, “điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực, mới đây lại được Thủ tướng nhắc lại khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12. Để phục hồi và phát triển, hướng tới những mục tiêu năm 2030, xa hơn là năm 2045, chúng ta có rất nhiều “điểm nghẽn” cần khơi không. “Chìa khóa” để khơi thông các “điểm nghẽn” chính là thể chế luật pháp.
Năm 2023 có ý nghĩa “bản lề” của việc đưa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng vào cuộc sống. Do vậy, hơn lúc nào hết, phải rốt ráo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương mới của Đảng; đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Để bộ máy hành chính vận hành có trách nhiệm, hiệu quả, phải tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn “phục hồi” hơn bao giờ hết, chờ đợi được tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính và giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh.
Vấn đề không mới, nhưng luôn bức bách đó là tính thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Chính vì thế, tại cuộc họp trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần tổng kết thi hành pháp luật có liên quan một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng; tiếp thu góp ý để hoàn thiện, tăng tính khả thi, đồng thuận. Bao giờ cũng thế, thực tiễn là sự kiểm nghiệm chính xác nhất. Do vậy, không chỉ “nghiêm túc, kỹ lưỡng, thấu đáo” mà những người có trách nhiệm “thiết kế” phải biết đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, bài bản, đúng quy định. Có như vậy mới mong đưa ra được chính sách hợp lý, khả thi, hiệu quả nhất. Không chỉ thế, đây là giai đoạn phải tăng cường học hỏi kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của nước ta, nhất là những vấn đề phức tạp, mới phát sinh.
Thực tiễn xây dựng chính sách cho thấy, bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản, chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Suy cho cùng “hành lang pháp lý” cũng là loại hình “dịch vụ quản lý” để thúc đẩy phát triển. Do vậy, năng lực phản ứng chính sách, phát hiện, xử lý và tháo gỡ “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp… vô cùng quan trọng.