Ông Trần Kim Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT cho biết, trong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, với một giáo viên có 40 năm công tác, mức phụ cấp thâm niên có thể lên đến 40% so với lương tại thời điểm đó.
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, với một giáo viên có 40 năm công tác, mức phụ cấp thâm niên có thể lên đến 40% so với lương tại thời điểm đó. |
Có 3 đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Đó là nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục ở nhà trường và các cơ sở giáo dục công lập khác, đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục tại phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ ở các cơ sở giáo dục công lập và làm công tác quản lý, tham mưu, chỉ đạo về giáo dục, dạy nghề ở cơ quan trung ương và địa phương; nhà giáo đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sau ngày 31/12/1993. Mức phụ cấp được tính như sau: đối tượng 1 và 2 đủ 5 năm làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục mức phụ cấp thâm niên được tính hưởng bằng 5%, từ năm thứ sáu trở đi (đủ 12 tháng) mỗi năm được tính thêm 1%. Đối tượng 3 được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo mức phụ cấp thâm niên của cá nhân tại thời điểm ngày 31/3/1993. Đối với cơ sở giáo dục công lập, nguồn kinh phí thực hiện phụ cấp thâm niên được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. Đối với cơ quan hành chính và cơ quan bảo hiểm xã hội, nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên do ngân sách nhà nước cấp. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và đặc biệt được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (ưu điểm này ảnh hưởng tích cực tới đời sống của nhà giáo khi về hưu mà các chế độ ưu đãi hiện hành không có). Theo ông Tự, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã được thực hiện từ năm 1988, nhưng đến năm 1993, chế độ này đã bị bãi bỏ và thay thế bằng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp. Trong giai đoạn 1995 đến 2010, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi, nhưng không phải tất cả những ai phục vụ trong ngành được hưởng phụ cấp này mà chỉ có giáo viên đứng lớp. Theo đó, tuỳ theo công việc và cấp học, nhà giáo được hưởng từ 25% đến 70% phụ cấp ưu đãi. Ngoài ra, nhà giáo đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng thêm phụ cấp thu hút tối đa là 5 năm với mức là 70% và một số chế độ trợ cấp và chế độ khác như: trợ cấp ban đầu, trợ cấp chuyển vùng; trợ cấp mua vận chuyển nước ngọt, nước sạch; trợ cấp học và dạy tiếng dân tộc; trợ cấp tham quan học tập trong nước và các chế độ khác. Trên thực tế, phụ cấp đứng lớp chỉ thực hiện đối với những người trực tiếp giảng dạy do đó dẫn đến một số giáo viên giỏi không muốn về làm công tác quản lý tại các cơ quan quản lý giáo dục do thu nhập giảm và thiệt thòi lúc tính chế độ hưu trí.
Theo VnMedia