Khu vườn xương rồng của anh Tùng nằm ở vùng ngoại ô, cách bến xe phía Nam chừng 1km. Chỉ cần bước qua cánh cổng vào lối đi nho nhỏ dẫn vào nhà, sẽ thấy khu vườn xanh ngắt cây lá, làm dịu đi cái nắng rát.
Đây là nơi anh ươm và trưng bày hơn 300 loài xương rồng khác nhau với hàng chục ngàn chậu xương rồng đủ kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc. Mùa này, nhiều loài xương rồng đang nở hoa, những gam màu sắc đỏ, cam, vàng, tím… bung nở mềm mại trên những gai góc thô ráp.
Anh Tùng bén duyên với xương rồng khi chỉ mới học lớp 6. Anh kể năm đó cha anh có một chậu xương rồng rất đẹp, không may bị anh làm vỡ. Biết cha rất quý chậu xương rồng, anh mày mò trộn đất rồi ươm lại cây từ những khúc xương rồng đã gãy. Anh bất ngờ ươm thành công hơn 10 chậu xương rồng, còn đẹp hơn “phiên bản” cũ. Kỷ niệm ấy khiến anh để mắt đến xương rồng, dành thời gian chăm chút, sưu tầm xương rồng khắp nơi.
Mỗi ngày cắp sách đến trường, cậu bé thường lén gia đình nhịn ăn sáng, tiêu vặt để góp tiền lên chợ hoa trước Phu Văn Lâu mua về những chậu xương rồng yêu thích, mày mò nhân giống. Chẳng bao lâu, trên ban công nhà đã xếp đầy những chậu xương rồng xinh xắn.
Rồi một đêm mưa bão, kẻ trộm nương theo bóng đêm và mưa gió, leo lên ban công khoắng sạch “gia tài” Tùng gom góp, chăm bẵm suốt một thời gian dài. “Tôi đã òa khóc khi nhìn những chậu xương rồng mình nâng niu còn sót lại rớt vỡ trên thềm nhà. Mẹ động viên, nếu thích xương rồng như thế thì bắt đầu lại”, anh Tùng nhớ lại.
Cái tết năm học lớp 11, lần đầu tiên chàng thiếu niên kiếm được tiền từ những chậu xương rồng be bé trước hiên nhà. Những ngày cận Tết năm ấy, Tùng đặt những chậu xương rồng nho nhỏ xinh xinh trên chiếc bàn kê trước cửa nhà, bán cho người qua lại mua về chơi Tết. 500 nghìn tiền bán xương rồng với Tùng tại thời điểm đó là một số tiền không hề nhỏ. Và năm sau, lúc học lớp 12, anh chính thức “khởi nghiệp”, đem xương rồng tham gia chợ hoa vào dịp Tết.
Suốt những năm theo học Đại học Nông Lâm, nhờ cây xương rồng gai góc, Tùng có thể sống tự lập, tự chi trả học phí và mọi chi phí sinh hoạt của mình. Những năm đó, ở một góc phía chân cầu Tràng Tiền, nhiều người dạo phố đêm bắt gặp một chàng sinh viên khôi ngô, ngồi bên những chậu xương rồng be bé, bán cho ai có yêu thích loài cây gai góc, sần sùi.
Yêu xương rồng, Tùng tự tìm hiểu, mày mò học cách chăm sóc, nhân giống, gieo hạt. Một ngày của Tùng đều xoay quanh vườn xương rồng trộn đất, ươm hạt, ra cây, bón phân, tưới nước… “Sách vở, tài liệu về chăm sóc xương rồng đều là những kiến thức chung. Hầu hết đều phải tự mình mày mò, đúc kết kinh nghiệm”, anh nói.
Tự mình đúc kết kinh nghiệm, nên vô số lần anh thất bại khi thụ phấn cho xương rồng không thành công, hạt gieo không nảy mầm, cây chết dần vì đất, nước, thời tiết không phù hợp, sâu bệnh không được phát hiện chữa trị kịp thời.
Cứ sau mỗi lần thất bại, nhìn khay ươm trơ trụi không hạt nảy mầm, nhìn cây giống nhập về cứ chết hàng loạt, nỗi buồn không thể nói hết thành lời; nhưng rồi chỉ cần nhìn những đóa xương rồng bung nở rực rỡ trên những thân cây gai góc, chàng trai ấy lại xốc lại tinh thần bước tiếp, mải miết theo đuổi đam mê.
Anh Tùng cho biết, mỗi dòng xương rồng đều có một cách chăm sóc riêng, nhưng ba yếu tố quan trọng nhất để xương rồng phát triển khỏe là đất, nước và ánh sáng. Người chơi cây phải tinh tế quan sát sự thay đổi của cây mỗi ngày mới đúc kết được. Và những kinh nghiệm đó, Tùng đều cởi mở chia sẻ cho tất cả những ai có nhu cầu.
Không chỉ bán tại chỗ, xương rồng của Tùng còn có mặt ở các cửa hàng cây cảnh khắp ba miền. Hai năm trở lại đây, do dịch bệnh Covid-19, Tùng không còn đem xương rồng tham gia các hội chợ về nông nghiệp mà anh chuyển sang thiết kế nhấn nhán không gian cho các quán cà phê, nhà hàng, homestay bằng những chậu xương rồng. Các công đoạn thi công quan trọng do Tùng tự tay làm. “Người khác làm sợ không vừa ý mình hoặc không đúng với ý tưởng của mình”, anh nói.
Những cây xương rồng nhỏ bé, qua bàn tay sáng tạo của Tùng thêm lần nữa càng trở nên đẹp rực rỡ khi tô điểm ở một góc cà phê, nhà hàng ở Huế như cà phê Root, cà phê Home, cà phê Mém, tiệm trà chanh Trọng… Anh nói, mình yêu cây, mà may mắn cây chẳng phụ mình, nên sống ổn với thu nhập mà xương rồng đem lại.