Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc là một trong những dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông quan trọng đảm bảo tính kết nối giữa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội – Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Qua đó, giảm chi phí vận tải hành hóa và hành khách, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nơi có dự án đi qua, củng cố và đảm bảo quốc phòng an ninh cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đang làm lễ khởi công dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc |
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Bộ GTVT, các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Ban QLDA 2 tập thể cán bộ, kỹ sư các đơn vị, nhà thầu, tư vấn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng lớn bởi yêu cầu giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID19, để đạt được kết quả tích cực ngày hôm nay.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, thứ nhất, về mặt chất lượng, tiến độ công trình: Bộ GTVT, Ban QLDA2, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo chắt chẽ đúng pháp luật.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ. |
Thứ hai, đối với các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần xác định rõ đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa rất đặt biệt đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, do đó đòi hỏi mỗi hạng mục thi công đều phải đảm bảo tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, huy động hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để thực hiện dự án bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng, kịp thời đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân.
Đồng thời, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đề nghị UBND các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái quan tâm chỉ đạo đối với các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng và mặt bằng thi công xây dựng, đáp ứng tiến độ thi công dự án. Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để, hoàn thiện hệ thống các tuyến đường kết nối giao thông tới các tỉnh miền núi phía Bắc để tăng hiệu quả khai thác cao tốc Hà Nội – Lào Cai.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi lễ. |
Thay mặt UBND tỉnh Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cam kết: "Về phía địa phương, chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chủ đầu tư, nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời hỗ trợ Chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng".
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc được đầu tư bằng nguồn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Úc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 5.339 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên địa phận các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái do Bộ giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án 2 làm đại diện chủ đầu tư với thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024.
Cảnh quan buổi lễ. |
Dự án có quy mô gồm 2 tuyến: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài tuyến khoảng 147 km với tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km với tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.
Trong đó, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Dự án hoàn thành sẽ giúp hoàn chỉnh thêm mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng kết nối khu vực. Đồng thời, kích thích tăng trưởng kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và công nghiệp trong khu vực nơi có mạng lưới giao thông đi qua.