Ngoài những nhân vật trong games, nhiều trẻ thành thị không thể phân biệt được lúa với cỏ, trâu với bò, gà với vịt… Tệ hơn, chúng còn không biết tới cả những kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ tối thiểu để bảo vệ bản thân.
Bọc con trong kén = yếu ớt và ích kỷ
Chị Thảo thật sự bất ngờ khi nghe đứa cháu chỉ con lợn kêu lên: “Con gì mà kì lạ vậy hả dì?”. Sau đó, chị nghe cháu kể rằng, rất nhiều bạn của cháu chỉ học về lợn, bò, trâu nhưng chưa từng được thấy. Bi là con em gái ruột chị, được sinh ra lớn lên ở thành phố, đây là lần đầu được về thăm bà ngoại ở Đồng Tháp, trước đó, hai mẹ con chị nhớ cháu muốn lên thăm đều phải “tay bị tay nải” lên Sài Gòn, chứ theo lý thuyết nuôi con của Linh, em gái chị thì “cháu còn nhỏ quá, đi xa không quen, rồi lạ chỗ, muỗi mòng, thức ăn không hợp… sợ cháu bệnh”.
Mười tuổi mới lần đầu ra khỏi thành phố, với Bi cái gì cũng lạ lẫm: Sao ở đây ai mặc đồ cũng cũ xì, không đẹp như ở trên nhà con, sao ở đây cái nhà lợp ngói không có nhà lầu như nhà con, cái hồ này sao to mà nước đục ngầu (chỉ con sông) chứ không trong như hồ bơi trường con…
![]() |
Anh Khoa, con trai của chị Phạm Thị Trà Giang, ngụ quận 10 thì được chăm theo một kiểu khác. Thời gian của Khoa mỗi ngày được “lập trình” nghiêm ngặt: Sáng 6h dậy ăn sáng, mẹ chở đi học, trưa mẹ chở về ăn trưa, ngủ, chiều đi học, tối 2,4,6 mẹ chở đến học tại trung tâm Anh ngữ, tối 3,5,7 gia sư đến tận nhà dạy các môn còn lại. Chủ nhật học đàn.
Anh Phạm Quang Việt, kĩ sư một công ty hoá thực phẩm gần 40 tuổi mới sinh đứa 1con đầu lòng. Muốn có điều kiện chăm lo cho con một cách chu đáo nhất, vợ chồng anh chị bàn bạc và quyết định chị tạm nghỉ chỗ làm lương khá cao của mình để ở nhà lo cho con. Thay vì công việc năng động trước kia, hiện chủ yếu chị ở nhà để lên thực đơn cho con mỗi ngày sao cho đủ dưỡng chất, quản lý người làm chăm con cho đúng cách và quản lý gia sư dạy học cho con…
Trường hợp những đứa trẻ được nuôi nấng, dạy dỗ kiểu Bi, Khoa hay con anh Việt là không hiếm hiện nay. Thậm chí bảo bọc con kĩ lưỡng đã trở thành xu hướng của các bậc cha mẹ thành thị, khi mà đời sống ngày càng cao. Không hiếm những đứa trẻ vì cha mẹ ấp ủ qua nên cuộc sống chỉ bị bó hẹp trong bốn bức tường của nhà và nhà trường, thú tiêu khiển không gì khác ngoài trò chơi điện tử.
Thực tế này tuy trái ngược với một số trường hợp bị lên án vì bạo hành gia đình, bỏ bê con cái. Nhưng xét ở một góc độ khác, thì bao bọc hay bỏ bê khi cũng đều nguy hiểm như nhau vì một bên sẽ cho ra thứ “sản phẩm” là trẻ hư hỏng, còn bên kia lại là những “cậu ấm, cô chiêu” yếu ớt và ích kỷ.
Con như người lạ trong nhà
Bao bọc con, chăm sóc, bồi bổ vật chất đầy đủ, nhưng nhiều bậc cha mẹ lại quên mất việc dạy con tận hưởng đời sống tinh thần phong phú, biết chia sẻ, yêu thương. Chị Kim Thoa, nhà ở Gò Vấp, TP HCM đang phải chịu nỗi khổ tâm từ hai cô con gái. Hai con gái chị đang học cấp 3, xinh đẹp, sáng láng, học giỏi, ai cũng khen chị đã đến hồi sướng vì con đã lớn.
Nhưng chỉ có chị biết, con gái chị không hề biết làm bất cứ việc gì trong nhà. Mọi việc đều do chị và người làm đảm nhiệm. Nhưng điều chị lo lắng hơn cả là chúng quá ích kỷ. Vừa rồi, chị trải qua một cơn bệnh, chồng đang công tác xa. Hai cô con gái chỉ hỏi thăm mẹ qua quýt rồi vẫn tiếp tục nhịp sống thường ngày: học, ăn, chơi, lên mạng, ngủ…, mà không biết nấu cho mẹ một bát cháo nóng, cốc trà gừng.
Nghĩ đến con gái người bạn chăm mẹ lúc đau ốm mà mình từng chứng kiến, chị tủi trào nước mắt. Chị hối hận, giá mình không quá nuông chiều con, dạy con biết cách yêu thương, quan tâm đến người xung quanh thì đâu đến nỗi…
Anh Khoa, con trai chị Trà Giang vẫn ngày ngày làm theo thời gian biểu mẹ đưa ra, chủ yếu chỉ có học và học. Đang tuổi lớn nhưng Khoa không hề có bạn bè, không gian ngoài trời duy nhất mà Khoa được thấy đó là khi đang ngồi trên xe để mẹ chở di chuyển từ trường học về nhà, từ nhà đến trung tâm học thêm. Cho đến khi chị Giang nhận thấy con mình ngày càng trở nên ít nói, nhút nhát, không muốn tiếp xúc với xung quanh, biếng ăn, đưa con đi bác sĩ chị mới hoảng hồn khi biết con mình có dấu hiệu trầm cảm…
Nuôi dạy sai, bố mẹ sẽ biến con thành “người lạ” trong nhà Câu chuyện “mất con” của chị Thoa và chị Giang cho thấy chính kiểu “bọc con trong kén” đã khiến nhiều bậc cha mẹ mất đi đứa con yêu thương của mình mà không ngờ đến. Nhiều trẻ ở nhà rất chăm, ngoan, nhưng khi thoát ly khỏi vòng tay cha mẹ, đi học xa, bị bạn bè lôi kéo đã trượt dài, trở nên hư hỏng bởi vốn được chăm sóc quá kĩ lưỡng đến đời sống vật chất nhưng lại bị bỏ quên trang bị về vốn sống, kĩ năng sống, khả năng nhận định khiến đứa trẻ dễ dàng vấp ngã ngay khi mới bước chân ra đời sống. Tạo cho con một tuổi thơ vui vẻ, hồn nhiên, dạy con biết chia sẻ, yêu thương và quan tâm đến mọi người, dạy con kĩ năng sống cần thiết… là điều mà các bậc cha mẹ cần làm, để tránh biến con mình thành những đứa trẻ xa lạ với đời sống, xa lạ với chính những người thân của mình. |