Trong tự truyện của mình, Hương Giang Idol đã từng tâm sự: "Nhiều đêm tôi đã khóc hết nước mắt vì tủi nhục và sự dè bỉu của mọi người". Cũng như Hương Giang, các cô gái chuyển giới khác cũng khổ trăm đường vì bị quấy rối. Khi trả lời báo chí, Quảng Đỗ Nhật Vy (quê Bến Tre) đề nghị không giấu tên tuổi và hình ảnh thật vì cô mong muốn qua câu chuyện của mình, mọi người có thể nhận thức được thực trạng người chuyển giới thường xuyên bị xúc phạm, quấy rối, tấn công.
Nhật Vy kể khi còn học trong trường phổ thông, các bạn học của cô thường xuyên trêu chọc, giữ tay chân cô cho các bạn nam sờ soạng “kiểm tra” cơ thể cô. Ở lứa tuổi học trò, sự bạo hành đó để lại ở cô rất nhiều thương tổn về tinh thần. Lên TP HCM, cô xin vào làm việc tại một quán cà phê, có nhiều khách thường xuyên vỗ mông, sờ soạng cơ thể cô và xúc phạm cô...
Trong cuộc sống hàng ngày, sử dụng nhà vệ sinh công cộng là một nỗi ác mộng với người chuyển giới. N.H – một người chuyển giới nữ ở Hà Nội đã từng kể câu chuyện “Em vừa bước chân vào nhà vệ sinh nữa thì cả nhóm người nhìn em la ó, họ chửi em là đồ biến thái, là kẻ bệnh hoạn, rồi họ đuổi em ra ngoài. Em đã giải thích, em là con gái, nhưng ít ai tin (có lẽ vì thân hình của em vẫn còn vạm vỡ). Vì thế, một lần khác, cũng ở nơi công cộng, để không xảy ra chuyện như lần trước, em vào nhà vệ sinh nam với dự định sẽ đi vào phòng kín. Tuy nhiên. khi vừa vào nhà vệ sinh nam thì em bị vài thanh niên dồn em vào góc tường để sàm sỡ và sờ nắn”.
Một người chuyển giới nam có tên M.A ở Hà Nội kể: “Thấy em vào nhà vệ sinh nam, vài người đã đi theo em rồi xô em vào góc tường để kiểm tra xem em có “cái đó” không. Khi em không đồng tình với họ thì họ chửi em và dồn em vào góc tường và bắt em cởi bỏ quần áo”.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội – kinh tế và môi trường ISEE năm 2016 cho thấy, tỉ lệ người chuyển giới bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử trong nhà vệ sinh là khá lớn với con số 66,9% người chuyển giới nam và 46,7% người chuyển giới nữ bị phân biệt đối xử ở nhà vệ sinh nữ.
Im lặng, nhẫn nhịn, chịu đựng – đó là thái độ thường gặp của người chuyển giới khi bị kỳ thị. Vì sao lại như vậy? Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết: “Chúng tôi đã tham gia vào cuộc khảo sát phạm vi về quấy rối tình dục và các hình thức bạo lực tình dục khác đối với phụ nữ nơi công cộng tại TP HCM.
Có một vấn đề nổi lên là hầu hết nạn nhân không dám lên tiếng hoặc tố cáo với công an, họ nghĩ rằng nói ra chẳng những mọi người không thông cảm mà họ còn bị đổ lỗi tại ăn mặc hở hang hoặc vì họ đã làm gì đó khác. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh nâng cao năng lực nhận thức của mọi người về quấy rối và bạo lực tình dục, thúc đẩy sự tham gia của mọi người và các cơ quan chức năng. Vì nhận thức về giới chưa đúng nên mọi người dễ dàng đổ lỗi cho nạn nhân là nữ giới”.
“Chìa khóa” vẫn nằm ở câu chuyện nhận thức!