Dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ bệnh viện nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: “Để đầu tư đúng hướng cho bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, cần nâng cao nhận thức “quan trí”. Từ cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vị thế bệnh viện để xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, không ngừng học tập vươn lên làm chủ công nghệ, thiết bị y tế hiện đại, nâng cao tay nghề, có khả năng khám, chữa được những ca khó. Người bệnh không phải chuyển tuyến lên trung ương hoặc điều trị ở nước ngoài”.
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được của Khoa Cấp cứu (Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp) sau hơn 2 năm đi vào hoạt động. Đó là người bệnh được điều trị và cấp cứu kịp thời hơn, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, mô hình hoạt động hiện nay của Khoa Cấp cứu bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp.
Khoa cấp cứu ra đời trên cơ sở “sáp nhập” 2 khoa cấp cứu nội và cấp cứu ngoại và các bác sĩ, điều dưỡng được điều động từ hai khoa này. Theo một bác sĩ công tác tại khoa cho biết, do các bác sĩ và điều dưỡng được điều động từ các khoa, phòng có tình trạng “ai cũng nghĩ mình là “sao”. Vì thế, lãnh đạo khoa không có thực quyền điều hành, nhiều khi “trên bảo, dưới không nghe”.
Mỗi ca trực đều bố trí cả bác sĩ nội khoa và ngoại khoa cùng làm việc. Nhưng do thiếu “thủ lĩnh” thực sự nên khi có người bệnh vào cấp cứu, nếu thuộc nội khoa, các bác sĩ nội thăm, khám và ngược lại. Nếu người bệnh phải mổ cấp cứu, toàn bộ bác sĩ ngoại khoa kíp trực tập trung ở phòng mổ khu vực ngoài sẽ bỏ trống “trận địa”. Trong trường hợp có người bệnh thuộc ngoại khoa vào cấp cứu, người bệnh đành phải nằm chờ bác sĩ ngoại khoa thăm, khám. Còn các bác sĩ nội khoa dù có biết cũng không muốn “múa rìu qua mắt thợ” hoặc bị quy kết “đá nhầm sân”. Bác sĩ Nguyễn Thế Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp cho biết: “Ngoài 3 bác sĩ trực chính, bệnh viện cử 5 bác sĩ cả ngoại và nội khoa hỗ trợ. Trong trường hợp cần thiết có thể huy động thêm lực lượng tăng cường”. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế, sự phối hợp chưa chặt chẽ do thiếu cơ chế.
Người bệnh nằm trên xe cáng chờ được đưa đi chữa trị. (Ảnh chụp tại khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa hữu nghị Việt -Tiệp) Ảnh: Nhật Lệ |
Thực trạng chung của ngành y tế cả nước hiện nay là cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thiết bị y tế hiện đại phục vụ cứu chữa người bệnh, tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn. Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp không phải là ngoại lệ.
Định hướng đã rõ. Song để đổi mới công tác khám, chữa bệnh tại Khoa Cấp cứu, thiết nghĩ, bệnh viện cần đổi mới từ đầu tư cho con người.
Theo tinh thần Nghị định 43 về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, lãnh đạo bệnh viện hoàn toàn có thể tự chủ cân đối thu-chi, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên. Vẫn biết, bệnh viện có nhiều lĩnh vực cần đầu tư, nhưng nên xem xét quyết định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Với những khoa như Khoa Cấp cứu, mỗi ngày khám chữa hơn 200 lượt người bệnh thì không được quan tâm đầu tư, trong khi có khoa thành lập ra, đầu tư lớn nhưng ít người đến điều trị, gây lãng phí. Để tăng nguồn thu bù chi, bệnh viện có thể tham khảo mô hình một số bệnh viện trung ương trong việc tận thu, công khai nguồn thu tự nguyện từ gia đình người bệnh như chọn bác sĩ điều trị, được xếp lịch mổ trước (nguồn thu này đều có sổ thu chi ghi chép đầy đủ). Điều quan trọng là xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ trên cơ sở mở rộng dân chủ để tất cả cán bộ, nhân viên y tế tham gia đóng góp ý kiến, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Làm được điều này sẽ khuyến khích, phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ y, bác sĩ làm việc tâm huyết, trách nhiệm với nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ, chẩn đoán và điều trị người bệnh.
Hiện khối nhà Khoa Cấp cứu nằm trong dự án xây mới bệnh viện giai đoạn 2 do thành phố đầu tư, việc cải tạo, sửa chữa lớn nằm ngoài khả năng, nhưng bệnh viện có thể sửa sang, chỉnh trang cho phù hợp, ngăn nắp và sạch sẽ như tách phòng cấp cứu nội, ngoại riêng, bố trí giường nằm trong phòng, không nên để người bệnh nằm chờ đợi quá lâu ở tiền sảnh như hiện nay. Để khắc phục tình trạng 5-7 người thân đi theo người bệnh cùng ùa vào Khoa Cấp cứu, cản trở nhân viên y tế cấp cứu người bệnh, bệnh viện có thể đề nghị bảo vệ không cho nhiều người vào trong khoa như một số bệnh viện ở trung ương đang làm. Có thể lập lại trật tự tại khu vực cổng Khoa Cấp cứu, dẹp bớt quán bán hàng và cửa hàng thuốc “đặt không đúng vị trí” ngay lối vào.
Cùng với sự cố gắng của lãnh đạo bệnh viện, rất cần sự vào cuộc của ngành Y tế như tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện và một số ngành liên quan nhằm giải quyết những bất cập của Khoa Cấp cứu nói riêng và giải pháp xây dựng bệnh viện, y tế thành phố trong tương lai nói chung. Từ những đổi mới ở Khoa Cấp cứu sẽ tạo điểm nhấn, bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, khám và điều trị bệnh cho nhân dân tại bệnh viện. Qua đó góp phần thay đổi suy nghĩ, lấy lại niềm tin trong nhân dân về Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp với truyền thống trăm năm, nơi tập hợp đội ngũ y, bác sĩ hùng hậu, tâm huyết của toàn thành phố.
Nhóm phóng viên xã hội