Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá hàng hóa và bình ổn thị trường dù đã được các cơ quan chức năng thực thi quyết liệt nhưng “bệnh” loạn giá trên thị trường vẫn chưa được xử lý triệt để, điển hình nhất là khu vực TP.HCM.
Ảnh minh họa |
Cấm, không ngán!
Tuy pháp luật cấm bán hàng niêm yết bằng ngoại tệ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng/lần nhưng các cửa hàng kinh doanh máy tính, điện thoại, dịch vụ khách sạn, spa, du học…vẫn ngang nhiên vi phạm. Ngày 27/9, Chi cục QLTT TP.HCM đã phát hiện ba nơi niêm yết giá bằng ngoại tệ trái phép, gồm cửa hàng số 54 Đông Du (quận 1), trung tâm Spa Hoàng Đế (số 301/63 Đông Du, quận 1) và khách sạn Chancery Saigon số 196 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3.
Quá nhiều “biến tướng”
Nếu tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 1000 vụ vi phạm về giá bị xử lý. Theo các cơ quan chức năng thì số vụ vi phạm về giá bị xử lý chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra trên thị trường. Theo ghi nhận của Chi cục QLTT TP. HCM, tình hình bán hàng niên yết và bán đúng giá niêm yết trên địa bàn thành phố vẫn chưa được kiểm soát triệt để, mức độ vi phạm ngày càng phức tạp, thậm chí biến tướng nhiều hình thức gian lận để đối phó với cơ quan kiểm tra.
Tính đến hết tháng 9, Luật Quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam có hiệu lực được 3 tháng song quyền của người tiêu dùng hầu như chưa được bảo vệ, chí ít là trong lĩnh vực giá. Trước khi Luật Quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam có hiệu lực (ngày 1/7/2011), ba đơn vị gồm Chợ Bến Thành, Vissan và Saigon Co.op bắt tay ký thảo thuận cam kết bán hàng chất lượng và đúng giá. Song nếu ai đến chợ Bến Thành vào thời điểm này mua hàng không khéo sẽ bị “làm giá” không thương tiếc.
Bến Thành hiện có 1470 sạp chợ, trong đó 70% hàng hóa đã được niêm yết, việc niêm yết giá trên hàng hóa là do tiểu thương tự làm, ban quản lý chợ chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở tiểu thương bán hàng đúng giá niêm yết và không có chức năng xử phạt nếu ai vi phạm. Ông Phạm Văn Tân - Phó Ban quản lý chợ Bến Thành - thừa nhận, tình trạng nói thách, bán hàng quá giá niêm yết ở chợ Bến Thành hiện vẫn còn tồn tại nhưng đã được cải thiện nhiều so với trước đây. “Việc xử lý bán hàng qúa giá niêm yếu ở Bến Thành thường là do nhân viên bán hàng cho tiểu thương thực hiện, dù tiểu thương đã ký cam kết nhưng điều đó vẫn xẩy ra và khó xử lý”- ông Tân nói.
Lại ... “lực lượng mỏng, chế tài nhẹ”
Theo ông Đặng Văn Đức, Chi Cục trưởng QLTT TP. HCM, do lực lượng để kiểm tra kiểm soát mỏng, mức xử phạt về vi phạm trong lĩnh vực giá theo quy định hiện nay còn nhẹ, không đủ lực để răn đe là nguyên nhân số vụ vi phạm về giá tăng, diễn biến phức tạp. Các chuyên gia quản lý về giá cho rằng, Nghị định 169/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá hiện nay không còn phù hợp với tình hình thực tế, mức chế tài không đủ mạnh để triệt tiêu các hành vi vi phạm.
Chẳng hạn Điều 14 Nghị định 169/2004/NĐ-CP quy định, hành vi không thực hiện đúng quy định về niêm yết giá chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 000-200 000 đồng đối với trường hợp DN tự niêm yết giá; phạt 200 000 -500 000 đồng đối với trường hợp do Nhà nước định giá. Đối với hành vi liên kết độc quyền về giá (Điều 15), phạt tiền 5 -20 triệu đồng. Hành vi đầu cơ tăng giá, ép giá (Điều 16) bị phạt từ 3-10 triệu đồng...Với mức phạt này, “bệnh” loạn giá trên thì trường không có gì là khó hiểu khi tiền nộp hạt thấp hơn nhiều so với lợi nhuận họ kiếm được từ việc gian lận về giá khi bán cho khách hàng...
Trong quý 3/2011, lực lượng QLTT TP.HCM xử lý 320 cửa hàng kinh doanh cố định trên đường phố, trong chợ, trung tâm thương mại vi phạm về niêm yết giá, phạt tiền 1,2 tỷ đồng, trong đó 267 vụ không niêm yết giá, 40 vụ niêm yết giá không đúng quy định, 12 vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ không được phép. Các mặt hàng kinh doanh vi phạm về giá tập trung ở các nhóm hàng, dịch vụ gồm thực phẩm, thuốc tây, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, vàng nữ trang, khách sạn và các dịch vụ làm đẹp. |
Mị Na