Doanh nghiệp giải thể, thi hành án nắm “kẻ trọc đầu”
Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật Doanh nghiệp) quy định Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Việc chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án dân sự trong trường hợp giải thể được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS); Điều 201, 202 và 203 Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tổ chức thi hành án đối với doanh nghiệp bị giải thể vẫn còn nhiều vướng mắc.
Mặc dù Luật Doanh nghiệp có quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài (khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp). Tuy nhiên rất nhiều trường hợp khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án mới biết doanh nghiệp phải thi hành án đã giải thể. Doanh nghiệp không còn tồn tại trên thực tế, không có bất cứ tài sản nào, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cũng không nắm được bất cứ thông tin nào về doanh nghiệp.
Mặc dù điểm d khoản 1 Điều 54 Luật THADS quy định trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan THADS biết trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, tại Điều 93, 94 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh Nghiệp lại không quy định về việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan THADS biết trước khi ra quyết định. Mặt khác nội dung này cũng rất khó thực hiện trên thực tế do cơ quan có thẩm quyền giải thể doanh nghiệp không thể biết doanh nghiệp nào đang phát sinh tranh chấp với ai, tại địa bàn nào để thông báo... Những khó khăn trên ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả tổ chức thi hành án, do đó các quy định của Luật Doanh nghiệp về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp cần có sự liên kết, dẫn chiếu đến luật THADS đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể là người phải thi hành án.
Cần có chế tài hình sự.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Điều 54 Luật THADS quy định Cơ quan THADS, người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản để thi hành án không còn do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó. Tuy nhiên cần phải quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với trường hợp giải thể trái pháp luật. Bên cạnh quy định về trách nhiệm dân sự, cần có các chế tài hình sự đối với trường hợp cá nhân người quản lý doanh nghiệp cố tình giải thể doanh nghiệp nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, lừa dối nhằm mục đích vụ lợi.
Điều 201, Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định rõ ràng về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc theo quyết định của Tòa án. Theo đó, khi một tổ chức bị giải thể mà nghĩa vụ không được chuyển giao cho tổ chức khác thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc chứ không thực hiện được việc chuyển giao nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 Luật THADS và Điều 202 Luật Doanh nghiệp. Do đó cần quy định thống nhất theo hướng đình chỉ thi hành án trong những trường hợp này để giải quyết dứt điểm việc thi hành án.
Ngoài ra cần có các cơ chế pháp lý hữu hiệu để tránh việc doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ thi hành án bằng giải thể doanh nghiệp, cụ thể như: nêu tên doanh nghiệp thuộc diện bị xem xét giải thể lên phương tiện thông tin đại chúng, siết chặt quản lý việc giải thể doanh nghiệp và khâu hậu kiểm sau giải thể, xử lý nghiêm các trường hợp giải thể trái pháp luật, ….Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật THADS, Luật Doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này, đảm bảo có kết nối giữa quá trình giải thể doanh nghiệp với giai đoạn thi hành án dân sự.