Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ là một biện pháp bảo đảm thi hành án, được áp dụng khi người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền và người phải thi hành án có tiền trong tài khoản tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, tài chính khác hoặc có tài sản ở nơi gửi giữ. Việc áp dụng biện pháp này nhằm ngăn chặn người phải thi hành án thực hiện việc rút toàn bộ tiền hay một khoản tiền nhằm bảo đảm thi hành án. Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 ( Luật THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng biện pháp này, tuy nhiên thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Điểm d khoản 7 Điều 10 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng quy định: Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng phải do các cá nhân sau đây ký:… Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan thi hành án, chấp hành viên đang tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án.
Tuy nhiên Luật các tổ chức tín dụng không đề cập đến việc yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án của người được thi hành án. Trong khi đó, theo quy định của Luật THADS thì người được thi hành án cũng có quyền xác minh điều kiện thi hành án. Do đó cần nghiên cứu bổ sung quy định của Luật THADS và Luật các tổ chức tín dụng để thống nhất về đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.
Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người phải thi hành án tại nhiều nơi còn chưa kịp thời. Có những trường hợp tại thời điểm cơ quan thi hành án nhận công văn cung cấp thông tin thì trong tài khoản vẫn còn số dư, nhưng khi chấp hành viên tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thì người phải thi hành án đã thực hiện xong việc rút tiền khỏi tài khoản. Mặc dù Điều 14 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN quy định: Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản của người phải thi hành án hoặc tiết lộ thông tin để người phải thi hành án chuyển, rút tiền khỏi tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã cũng quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên mức phạt trên vẫn còn là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng, để đảm bảo thời gian thi hành án, đối với trường hợp phong tỏa tài khoản nên quy định Chấp hành viên có quyền tiến hành phong tỏa ngay đầu ra của tài khoản mà không cần xác định rõ số tiền. Nếu trong tài khoản có tiền thì thực hiện việc khấu trừ số tiền tương ứng với nghĩa vụ thi hành án trong thời hạn 10 ngày. Nếu tài khoản không có tiền thì phong tỏa số tiền phát sinh sau này và có văn bản đề nghị Ngân hàng, tổ chức tín dụng thông báo khi có số dư phát sinh để cơ quan thi hành án xử lý theo quy định.