Tung hoành ngang dọc
Trong một lần chuyển về nhà mới, tôi có dịp trò chuyện với một bác thương binh làm nghề lái xe ba gác trên địa bàn Hà Nội. Được biết, bác đang “đầu quân” tại chợ đầu mối Long Biên. Bác tâm sự: “công việc tuy vất vả một chút nhưng bù lại thu nhập khá cao nên tôi có thể nuôi ba người con đang học đại học”.
Để tìm hiểu sâu hơn về loại hình này tôi tìm đến nơi những người lái xe ba gác tập trung đông như chợ đầu mối, các bến xe, nhà ga… Tại đây đủ các loại xe ba gác từ loại xe to đến xe nhỏ, xe tự chế có mà xe mua xuất khẩu cũng có.
Ngồi nghỉ chân tại một quán nước ven đường, bà Bình là người bán nước nhiều năm ở khu vực ga Giáp Bát cho biết “mỗi ngày có khoảng hơn một trăm xe ba gác tập trung về đây để bốc và chở hàng. Trước kia, họ chỉ có mỗi công việc là chở hàng theo yêu cầu của chủ nhưng vì kinh tế khó khăn nên họ cạnh tranh nhau dữ lắm vì thế bây giờ những người lái xe ba gác kiêm luôn việc bốc dỡ hàng hóa cho chủ hàng”.
Vì tính tiện dụng vận chuyển hàng hóa vào sâu trong các ngõ hẻm nên nhu cầu hiện nay của người dân thuê xe ba gác chuyển đồ khá cao. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, nhiều người đã mua xe ba gác tự chế về để vận chuyển hàng hóa thuê kiếm thêm thu nhập.
Do nhu không phải đầu tư nhiều lại có thu nhập cao nên thời gian gần đây xe ba gác tự chế xuất hiện nhiều trên khắp các thành phố lớn . |
Điều đáng lưu ý, nhưng nơi tự sản xuất xe ba gác này không được các cơ quan chức năng cấp phép mà tự ý sản xuất “chui” các loại xe ba gác giống như xe của thương binh.
Vì vậy mà trên khắp các tuyến phố của Hà Nội có khá nhiều những “thương binh giả” lái xe ba gác có gắn dòng chữ “thương binh 27-7” hay “một thời máu lửa” . Những người này đa phần họ không phải là thương binh thậm chí nhiều lái xe là những thanh niên đầu trọc, xăm trổ đầy mình.
Nhiều bác thương binh thật đã gặp nhiều phiền toái khi bị ảnh hưởng bởi các lái xe thương binh giả này, vì họ chạy lạng lách, đánh võng khiến nhiều người dân lầm tưởng và đánh giá sai và không mấy thiện cảm đối với những chiếc xe mang dòng chữ thương binh.
Nhiều người dân đi đường bức xúc cho biết, những chiếc xe này len lỏi giữa dòng xe cộ, tha hồ chở hàng cồng kềnh, quá tải, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, đỗ lấn làn, đỗ ở dưới lòng đường và nhiều xe còn lắp còi ưu tiên hú gầm đường khiến cho không ít người phát hoảng.
Khó kiểm soát…
Hiện nay về chất lượng của các loại xe ba gác này vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều cơ sở sản xuất “ngầm” nên các cơ quan chức năng vẫn không thể kiểm soát được.
Hầu hết những loại xe ba gác tự chế này đều không đảm bảo kĩ thuật, an toàn dễ gây nguy hiểm cho người đi đường. Các xe ba, bốn bánh tự chế được tạo thành bởi một bộ khung hàn từ ống tuýp, thùng xe bịt bằng tôn. Sử dụng động cơ xe máy với dung tích từ 100cc trở lên có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc.
Chính vì không đảm bảo yếu tố về an toàn, kĩ thuật nên có nhiều vụ tai nạn do xe ba gác gây ra và mới đây nhất là vụ cháy xe ba gác xảy ra tại cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) vào ngày 4/8/2014. Từ những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm do xe ba gác không tuân thủ quy định pháp luật về giao thông gây ra.
Chiếc xe ba gác bốc cháy trên cầu Vĩnh Tuy Hà Nội ngày 4/8 |
Đồng chí Trịnh Tiến Thành, Đội phó Đội CSGT số 6 công an TP Hà Nội cho biết “khi kiểm tra phát hiện đối với xe nào mang lô gô và có dòng chữ 27-7 mà lái xe không phải là thương binh và những xe không đảm bảo chất lượng thì cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản tịch thu xe”.
Có thể thấy rằng việc cho thu nhập cao, kiểm soát còn lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân “bùng nổ” xe ba gác như hiện nay. Trước thực trạng này, đòi hỏi các ngành, các cấp cần quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng để mọi người, nhất là các chủ phương tiện tự chế, nâng cao sự hiểu biết và tự có ý thức chấp hành tốt quy định về ATGT. Các lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát giao thông cũng cần đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, khi phát hiện vi phạm cần kiên quyết xử lý nghiêm để kịp thời ngăn chặn nguy cơ, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc./.