Trong vụ án này, ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, trước khi bị bắt là Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương) bị cáo buộc giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Luật sư: “Đó là quy kết “có một không hai”
Tranh luận với ý kiến của các luật sư, VKS thừa nhận tài sản đảm bảo vẫn thuộc của mẹ con cụ Hiệp và chỉ bị hạn chế quyền định đoạt, muốn bán thì phải có sự đồng ý của ngân hàng. Theo VKS thì ngoài căn cứ theo Nghị định 163, còn căn cứ vào… các văn bản nội bộ của BIDV để xử lý.
“Ở đây, VKS đang buộc tội là xác định về giá bán với tài sản bảo đảm. Bị cáo Hùng và Lộc không thực hiện đúng quy định, không căn cứ giá trên thị trường, không thông qua cơ quan định giá và không qua đấu giá”, đại diện VKS nói.
Đối với vấn đề vì sao lại lấy luật mới (BLHS có hiệu lực từ 2018) để xử lý hành vi cũ, VKS cho rằng Điều 219 BLHS mới được tách ra từ 1 trong 9 hành vi được quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999. “Tội danh thì mới nhưng hành vi là cũ. Áp dụng Nghị quyết 41 của Quốc hội thì truy tố các bị cáo đúng tội danh”, VKS nói.
Lý giải việc vì sao truy tố ông Khanh, VKS cho rằng “căn cứ vào “hợp đồng 3 bên” thỏa thuận về giá cả, phương thức thanh toán, có đại diện ngân hàng ký tên”.
VKS cũng nêu quan điểm “kết luận định giá là đúng quy trình, quy định” nên “không tranh luận”. Còn việc giao chậm kết luận định giá “không làm ảnh hưởng đến vụ án”.
Ông Khanh luôn kêu oan từ khi bị bắt tới nay. |
Những quan điểm trên của VKS bị các luật sư phản biện một cách mạch lạc rõ ràng.
LS Trần Minh Hải nói: VKS thừa nhận viết “BIDV là ngân hàng nhà nước” là sai sót đánh máy, nhưng quá trình đối đáp VKS vẫn cứ cho rằng đó là “tài sản nhà nước”. Tôi thấy đó là quan điểm sai lầm. Vì theo Luật Đầu tư công và các luật khác liên quan đến tài sản nhà nước thì không có chuyện “vốn ở ngân hàng là tài sản nhà nước”, trong khi BIDV đã cổ phần hóa. Mọi quyết định về BIDV do Hội đồng thành viên quyết định, không có chuyện do Chính phủ, Nhà nước quyết định”.
“VKS cũng áp dụng không đúng luật vì khoản 1 Điều 58 Nghị định 163 chỉ nói hai bên thỏa thuận việc bán tài sản bảo đảm chứ không hề quy định về giá, phương thức. Nghiêm trọng hơn, VKS nói rằng vi phạm các văn bản của BIDV là tội phạm, thì đó là quy kết “có một không hai”. Văn bản của BIDV không phải văn bản quy phạm pháp luật. Làm sao có chuyện vi phạm văn bản nội bộ lại bị xử lý hình sự?”, LS Hải nói.
Viện kiểm sát tiếp tục “không đối đáp thêm”
Còn LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho ông Khanh), nói: “Tôi nêu ra 7 vấn đề nhưng VKS chỉ đối đáp 4, còn 3 chưa. Tôi xin nhắc lại. Cơ sở nào nói ông Hùng, ông Lộc “câu kết” chặt chẽ với cụ Hiệp, ông Khanh? Có phải là “hợp đồng 3 bên”? Đây là sự thỏa thuận về giá bán, phương thức thanh toán giữa cụ Hiệp và ông Khanh, không phải thỏa thuận với ngân hàng. Còn việc cụ Hiệp thỏa thuận với ngân hàng thế nào, ông Khanh không tham gia và không cần biết. Tại sao nói “câu kết”?”.
“Thứ hai, giấy ủy quyền năm 2008 bị bà Hảo (con cụ Hiệp – NV) nói là giả. Tại sao VKS không đối đáp vấn đề này. Đây là điểm mấu chốt để xác định thiệt hại trong vụ án. Nếu 9,7ha đất này không được thế chấp ngân hàng thì các hành vi của cụ Hiệp, ông Khanh liên quan đến phần đất này là dân sự, hợp pháp. Chưa giải quyết được điều này thì chưa thể giải quyết được vụ án”.
“Trong vụ án này, ai mới là người thiệt hại, ngân hàng hay vợ chồng ông Khanh? Ngân hàng đồng ý bán, sai thì ngân hàng chịu, sao bắt người mua chịu. Bỏ ra 14 tỷ đồng mua bán có công chứng, giờ VKS nói mua sai thì sai chỗ nào? Ai chịu trách nhiệm với thiệt hại này?”.
“Dựa vào hợp đồng 3 bên mà quy kết ông Khanh là đồng phạm thì vô căn cứ. Ngoài ra VKS nói về Điều 219 BLHS mới. Vậy hành vi của ông Hùng, ông Lộc có vi phạm Điều 165 BLHS năm 1999 hay chưa để chuyển hóa thành Điều 219. Nên nhớ ông Hùng, ông Lộc không phải công chức nhà nước mà chỉ là người lao động ở một doanh nghiệp cổ phần”.
Trước những vấn đề này, VKS cho rằng “đã làm rõ ở phần luận tội nên không đối đáp thêm” và đính chính rằng không có ý nói “không cần định giá cũng biết việc mua bán đất giá không đúng thực tế”.
Phần tranh luận sẽ tiếp tục vào hôm nay, ngày 18/12.
Cũng trong phiên xử hôm qua, người đại diện cho bà Hảo một lần nữa khẳng định năm 2008 bà Hảo không ký ủy quyền để cụ Hiệp đưa tài sản của bà là 9,7ha đất thế chấp ngân hàng. Không hiểu sao trong biên bản họp và ủy quyền lại có “chữ ký của bà Hảo”.
Người đại diện cho rằng cơ quan tố tụng đã bỏ qua nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến quyền lợi bà Hảo. Cơ quan giám định Bình Dương đã không thể giám định được chữ ký đó là thật hay giả. Hồ sơ được cho rằng đã chuyển đến cơ quan cấp cao nhưng đến nay không có kết quả.
Cơ quan tố tụng cũng chưa làm rõ được tại sao diện tích đất của bà Hảo lại giảm so với “sổ đỏ”, dù bà Hảo chưa hề chuyển nhượng cho bất cứ ai.
Người đại diện đề nghị HĐXX trả hồ sơ làm rõ đất của bà Hảo là bao nhiêu; bị mất vì lý do gì; chữ ký trong các hợp đồng tín chấp, thế chấp tài sản, trong giấy ủy quyền năm 2008 là thật hay giả?
Bảo vệ cho bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh, người mua đất – NV), LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) nói: “Bà Phương Anh hiện đứng tên hợp pháp 10 “sổ đỏ”. Nhưng khi kê biên tài sản không thông báo; việc đo vẽ, xác định ranh đất cũng không có bà Phương Anh; là hoàn toàn trái luật”.
“Bà Phương Anh mua bán ngay tình, hợp pháp và được cấp sổ đỏ thì cớ gì VKS đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu. VKS không viện dẫn được một lý do chỉ ra hợp đồng này vi phạm điều cấm, trái luật nào? Dù đề nghị tuyên vô hiệu nhưng lại không nói đến quyền lợi bà Phương Anh. Tôi đề nghị HĐXX tuyên giữ nguyên quyền sử dụng đất của bà Phương Anh”.
Phát biểu trước tòa, vợ ông Khanh nói: “Tôi khẳng định gia đình tôi là nạn nhân trong vụ lừa đảo của gia đình cụ Hiệp. Tất cả những lần cụ Hiệp đi công chứng mua bán đều nói đi với con trai và không ai nói gì. Đến khi cụ Hiệp chết, thì con cụ lại đi tố cáo. Còn quy kết tôi phải biết mâu thuẫn giữa ngân hàng và cụ Hiệp là vô lý. Cụ Hiệp và ngân hàng kiện tụng thế nào, tôi không buộc phải biết. Vụ lừa đảo này khiến chồng tôi vào tù và tiền mồ hôi công sức gia đình tôi nguy cơ mất một cách oan ức, vô lý”.