Kho báu tỉ đô trên hòn đảo “tí hon” Cocos?

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu thuyền tới đảo Cocos
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu thuyền tới đảo Cocos
(PLVN) - Các nhà sử học cho rằng một kho báu trị giá 1 tỉ USD đã được những tên cướp biển chôn xuống đảo Cocos ở phía Đông Thái Bình Dương. Không rõ thực hư ra sao nhưng mấy trăm năm qua, hòn đảo nhỏ này như một thỏi nam châm thu hút những thợ săn kho báu ở khắp nơi trên thế giới đổ về.

Hòn đảo cấm khách ở lại qua đêm

Cocos là một đảo nhỏ ở gần Thái Bình Dương, cách bờ biển của Costa Rica khoảng 550km. Với diện tích khoảng 23,85 km2 và chu vi khoảng 23,3km, hòn đảo đồng thời cũng là Công viên quốc gia của Costa Rica này có hình dạng gần giống một hình chữ nhật nhỏ. 

Với nhiều người, điểm thu hút nhất ở đảo Cocos là sự xuất hiện của nhiều loài cá biển lớn ở vùng biển xung quanh đó, như loài cá mập đầu búa. Ngoài ra, các rạn san hô lớn và phong phú bậc nhất khu vực Đông Nam Thái Bình Dương quanh đảo cũng là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật biển nhỏ, đầy màu sắc.

Với cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái vô cùng phong phú, năm 1997, Công viên quốc gia đảo Cocos đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đảo Cocos cũng được Hiệp hội những người hướng dẫn lặn biển chuyên nghiệp xếp vào danh sách 10 điểm lặn biển tốt nhất thế giới. Vẻ đẹp của Cocos đã khiến nhà hải dương học nổi tiếng thế giới Jacques Cousteau đặt cho danh xưng “đảo đẹp nhất thế giới”.

Vì tầm quan trọng về sinh thái như vậy nên chỉ những nhân viên của Công viên quốc gia Costa Rica mới được ở lại trên đảo. Khách du lịch, những người lặn biển và những người khác khi muốn lưu trú lại đây đều phải xin phép và phải nhận được sự đồng ý của các nhân viên của Công viên. Hiện chính phủ Costa Rica cũng đã áp dụng quy định cấm khách ở lại qua đêm, cắm trại và thu thập các loại động vật, thực vật và khoáng vật trên đảo.

Tuy nhiên, sự thu hút của hòn đảo trên không hoàn toàn chỉ nằm ở cảnh quan tuyệt đẹp của nó mà còn yếu tố quan trọng không kém khác đã khiến hòn đảo này trở nên nổi tiếng: Truyền thuyết về những kho báu được chôn giấu. 

Theo các ghi chép, câu chuyện về đảo Cocos bắt đầu vào năm 1526, khi một người Tây Ban Nha lần đầu tiên phát hiện hòn đảo này. 16 năm sau đó, hòn đảo lần đầu xuất hiện trên một tấm bản đồ châu Mỹ của Pháp và được gọi là Ile de Coques. Người Tây Ban Nha hiểu lầm tiếng Pháp nên sau đó gọi là Isla del Cocos, có nghĩa là đảo dừa, thứ quả vốn rất nhiều trên đảo.

Trong thế kỷ tiếp sau đó, đảo Cocos trở thành điểm dừng chân trên biển, nơi tàu bè từ đổ về nghỉ ngơi và lấy nước ngọt, củi và dừa. Những người đến đây thuộc nhiều đối tượng, từ các lái buôn, thợ thuyền hay ngư dân nhưng nhiều nhất vẫn là những tên cướp biển.

Địa danh gắn với nhiều đồn đoán

Người ta đồn đoán rằng thời kỳ có nhiều kho báu được đến chôn trên đảo nhất là ở giai đoạn năm 1820, bắt đầu với việc thuyền trưởng Bennett Graham, một sỹ quan hải quân người Anh. Vị này trong một lần thực hiện sứ mệnh khảo sát ở vùng ven biển phía Nam Thái Bình Dương đã quyết định từ bỏ danh phận sỹ quan để trở thành một tên cướp biển. Chỉ ít lâu sau đó, Graham đã bị bắt và bị tử hình cùng một số thành viên trong thủy thủ đoàn của mình. 

Câu chuyện về Graham lẽ ra đã khép lại tại đó nếu như không có việc 20 năm sau, một phụ nữ tên Mary Welch, từng phục vụ trên đoàn tàu cướp biển của Graham, nói rằng bà đã chứng kiến cảnh Graham và tay chân chôn tài sản cướp được từ các tàu của Tây Ban Nha trên đảo Cocos.

Người phụ nữ quả quyết số tài sản đó lên đến hàng trăm tấn vàng. Để chứng minh lời nói của mình, Welch đã đưa ra một bản đồ mà theo lời bà là do Graham đưa cho trước khi ông ta bị bắt, trong đó chỉ rõ vị trí chôn kho báu. 

Bản đồ hòn đảo.
Bản đồ hòn đảo.

Giới chức Anh đã tin vào câu chuyện của người phụ nữ và cùng bà đến đảo Cocos tìm kho báu. Tuy nhiên, họ đã không tìm được bất cứ thứ gì. Một số người cho rằng Welch đã bịa chuyện nhưng cũng không ít người lý giải là do người phụ nữ này đã bị bỏ tù 20 năm nên đến khi bà trở lại, cảnh quan trên đảo đã bị thiên nhiên cũng như những người dừng chân ghé qua làm thay đổi rất nhiều. Nhiều vị trí để nhận dạng đã không còn nên nhóm tìm kiếm đã không tìm được vị trí của kho báu. 

Đặc biệt, theo một số ghi chép, vào năm 1856, một nhóm lính đánh thuê người Nicaragua trong quá trình chạy trốn trên đảo Cocos đã phát hiện nhiều thỏi vàng, được xác định là một phần kho báu của Graham, trên đảo.

Một kho báu khác được cho là vẫn ở đâu đó trên đảo là của Benito “Bloody Sword” Bonito, một cướp biển từng là nỗi sợ hãi của tất cả các thuyền bè qua lại ở vùng bờ biển phía Tây châu Mỹ. Nhiều người cho rằng, vào thời kỳ năm 1818, Bonito hoành hành khắp nơi, cướp bóc, đốt các tàu của Tây Ban Nha sau đó đưa tài sản cướp được về chôn trên đảo Cocos. 

Tên cướp này về sau cũng đã bị tiêu diệt, để lại kho báu được cho là có giá trị vào khoảng 300 triệu USD theo thời giá hiện nay chưa được tìm thấy.

Kho báu thành Lima

Kho báu nổi tiếng nhất được cho là vẫn còn trên đảo Cocos chính là kho báu Lima, bộ sưu tập bao gồm rất nhiều vàng, bạc và các đồ của nhà thờ, như bức tượng Đức Mẹ Maria bằng vàng nạm ngọc có kích cỡ bằng người thật có nguồn gốc từ thành Lima, Peru. 

Theo sử sách ghi lại, khi cuộc cách mạng nổ ra ở Peru vào đầu thế kỷ 19, người đứng đầu thành Lima nhận thấy việc để các tài sản lớn ở trong thành quá nguy hiểm nên đã quyết định mang đi giấu. Người được tin tưởng giao phó cho nhiệm vụ quan trọng này là William Thompson, thuyền trưởng của một tàu buôn của Anh và là một người uy tín trong thành.

Theo kế hoạch của vị Tổng trấn thành Lima, ông sẽ để Thompson điều hành một con tàu mang theo các của cải có giá trị của thành phố lênh đênh trên biển trong vài tháng và trở về khi chiến sự qua đi. Thompson vui vẻ nhận lời và đưa con tàu Mary Dear rời cảng Calloa vào tháng 8/1821.

Tuy nhiên, điều mà Tổng trấn thành Lima không thể ngờ được rằng, tổng giá trị của số tài sản trên tàu quá lớn, ước tính lên đến khoảng 20 đến 60 triệu USD ở thời kỳ đó, đã khiến Thompson nảy lòng tham và lật lọng. 

Ngay khi con tàu rời khỏi đất liền, Thompson và những thành viên trong đội tàu của ông ta đã sát hại những nhân viên bảo vệ mà Tổng trấn thành Lima cử đi làm nhiệm vụ bảo vệ kho báu, vứt xác của họ xuống biển và đưa số tài sản cướp được tới chôn ở Cocos với ý định về sau sẽ quay trở lại lấy kho báu.

Có điều, nhân tính không bằng trời tính, chỉ ít lâu sau khi rời khỏi Cocos, tàu Mary Dear đã bị một tàu chiến Tây Ban Nha bắt giữ. Thủy thủ đoàn trên tàu sau đó đã bị hành quyết vì tội cướp biển, trừ Thompson và một đồng phạm đồng ý trở lại đảo Cocos để chỉ nơi giấu vàng.

Nhưng khi vừa đặt chân tới đảo, cả hai đã bỏ trốn vào rừng. Dù đã tìm kiếm kỹ nhưng binh sỹ Tây Ban Nha sau đó đã không tìm được hai người này. Có ghi chép nói rằng, Thompson đã biến mất không dấu vết còn người đi cùng chết vì bệnh tật. 

Cuộc tìm kiếm chưa hồi kết

Trong suốt gần hai thế kỷ qua, hàng loạt các nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới đã tìm tới đảo Cocos với hy vọng sẽ tìm được kho báu được cho là đang chôn giấu trên hòn đảo này. Trong đó, chỉ riêng trong thế kỷ XX, cố Tổng thống Mỹ Franklin Roosevolt, diễn viên nổi tiếng người Australia Errol Flynn và tay đua Malcolm Campbell đều đã thử “vận may” nhưng đều thất bại trong việc xác định vị trí của kho báu trên đảo này. 

Trước đó, một người Đức tên August Gissler đã sống trên và quanh đảo trong suốt gần 20 năm với mục đích tìm kiếm kho báu, bắt đầu từ năm 1889. Nhưng sau hai thập kỷ bỏ nhiều công sức tìm kiếm, Gissler cuối cùng đã phải rời khỏi đảo trong tình trạng bị gẫy chân, với chỉ tám đồng tiền vàng được tìm thấy. 

Hiện nay, việc săn tìm kho báu bị cấm ở Cocos nhưng một số nhà khoa học bị cho là vẫn tìm cách đến đó tìm kiếm dưới vỏ bọc “nghiên cứu khoa học”. Hồi năm 2013 vừa qua, kỹ sư người Anh Shaun Whitehead đã cùng một nhóm 15 nhà nghiên cứu khác đến từ trường Đại học Costa Rica và Viện Senckenberg mang theo nhiều thiết bị công nghệ của thế kỷ XXI tới thăm dò ở đảo chứa kho báu khổng lồ này, với mục đích chính là thăm dò hệ sinh thái ở đây. Song, nhóm thám hiểm sau đó cũng đã phải chịu cảnh “tay trắng trở về” sau 10 ngày tìm kiếm. 

Trong khi nhiều người khác vẫn không thôi nuôi ý nghĩ về sự tồn tại của nhiều kho báu ở Cocos thì với nhiều người khác, kho báu thực sự chính là cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp có thể nhận thấy rõ ràng của đảo..

Tin cùng chuyên mục

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới
(PLVN) - Những ngày đầu năm mới 2025 chứng kiến loạt thảm họa và tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới, từ động đất ở Ethiopia, cháy nổ ở Ấn Độ và Trung Quốc, đến các vụ xả súng và tai nạn giao thông kinh hoàng tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Mỗi sự cố đều để lại hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây ra tổn thất lớn về vật chất.