Đây là một trong những kho báu lớn nhất từng được phát hiện ở bờ biển Israel.
Tia sáng lấp lánh
Vào một buổi sáng u ám của tháng 2/2015, ông Zvika Fayer - một người yêu thích lặn biển và là thợ lặn nghiệp dư - đã cùng với những người bạn lặn xuống khu vực biển gần thị trấn cảng Caesarea, Israel và phát hiện thấy một tia sáng lấp lánh của những đồng tiền vàng dưới lớp cát biển.
Được biết, trước khi phát hiện ra kho báu dưới biển, một cơn bão mùa đông đã ập đến Caesarea, khuấy đảo đại dương và làm thay đổi địa hình đáy biển. Do vậy mà trong lần đi lặn biển, ông Zvika Fayer và đồng nghiệp của mình mới phát hiện ra ánh sáng lấp lánh của những đồng tiền vàng. Ban đầu, khi tìm thấy những đồng tiền vàng, những người yêu lặn biển đã cho rằng đây chỉ là những đồng tiền giả nên chỉ lấy đi vài đồng để kiểm tra, nhưng rồi được khẳng định là vàng thật. “Tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra những đồng xu vàng này” ông Zvika Fayer nói.
Ở Israel có rất nhiều di tích khảo cổ dưới nước và chính phủ nước này cũng mở cửa cho phép thợ lặn nghiệp dư tìm hiểu về những di tích dưới đáy biển, một trong số đó có Caesarea và đây cũng là địa điểm lặn yêu thích của ông Zvika Fayer. Ông Zvika Fayer đã từng lặn biển ở đây hàng chục lần trước đó và rất yêu thích khi được ngắm nhìn những con cá to, những đồ vật hàng hóa cổ, đồ gốm… mà thi thoảng ông bắt gặp dưới đáy đại dương.
Những đồng xu vàng tìm thấy dưới biển |
Thu về hơn 2.000 đồng tiền vàng
Thông thường, nếu một nhà thám hiểm may mắn tìm ra kho báu sẽ giữ làm của riêng, nhưng Zvika Fayer thì khác, ông nhanh chóng trở lại thuyền, liên lạc ngay với Cơ quan Khảo cổ cho Israel (IAA) và yêu cầu họ nhanh chóng đến đây . Sau khi xem xét, IAA quyết định tiến hành những cuộc khảo sát sâu rộng hơn nữa ở khu vực vừa tìm thấy những đồng tiền vàng nhằm tìm thêm những thông tin về nguồn gốc của kho báu dưới đáy biển này.
Sau đó Fayer đã cùng làm việc với IAA, lặn ngụp dưới đáy biển trong nhiều ngày và thu về hơn 2.000 đồng tiền vàng. Những đồng xu vàng này đều là loại 24 karat với độ tinh khiết lên đến 95%, đồng thời được vẫn còn nguyên vẹn dưới biển Địa Trung Hải trong khoảng 1.000 năm qua. Chúng mang lại giá trị to lớn cho các nhà khảo cổ học cũng như sử học với những thông tin về một giai đoạn lịch sử bị lãng quên hoặc chưa được tìm hiểu rõ nét.
Các chuyên gia khảo cổ ở Israel đánh giá phát hiện này là “vô giá” cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Những đồng tiền vàng giờ thuộc quyền sở hữu của nhà nước, trở thành tài sản quốc gia, các thợ lặn tìm thấy kho báu được ghi công nhưng ngoài ra, họ không được hưởng bất cứ giá trị vật chất nào từ việc phát hiện kho báu này.
Robert Kool, chuyên gia về tiển cổ của Cơ quan Khảo cổ Israel khẳng định rằng những đồng tiền cổ được tìm thấy nguyên vẹn vì được bảo quản trong điều kiện tuyệt vời dưới đáy biển Israel trong cả nghìn năm. Chúng được cho là bị chìm theo con tàu đắm ở gần Caesarea, một cảng của người La Mã cổ đại ở phía Đông Địa Trung Hải. “Chúng hoàn toàn sạch sẽ và rất mới dù đã nằm dưới đáy biển hơn một thiên niên kỷ”, Kool nói.
Những di tích từ thời La Mã cổ đại còn tồi tại ở Caesarea |
Từng là nơi giao thương sầm uất
Ngày nay, khu vực Caesarea, nằm giữa thành phố Tel Aviv và Haifa trên bờ biển Địa Trung Hải, được biết đến với những di tích La Mã cổ đại. Đây từng một thời là hải cảng sầm uất, là trung tâm giao thương buôn bán ở thời kỳ La Mã cổ xưa. Do vậy, việc tìm thấy những đồng xu vàng này đã đưa ra nhiều thông tin và bằng chứng về Caesarea trong suốt thời gian dưới sự cai trị của người Hồi giáo, “Trước khi tìm thấy những đồng xu, chúng tôi không hề biết Caesarea là một nơi như thế nào, ảm đạm hay sầm uất. Vì vậy, những đồng xu đã mang lại những giá trị to lớn về mặt lịch sử”, Jakob (Koby) Sharvit, giám đốc IAA cho hay.
Được biết, những đồng tiền này được làm ra ở thời trị vì của vua Caliphs al-Hakim (996-1021 TCN) và con trai al-Zahir (1021-1036 TCN) khi Caesarea là một phần triều đại Fatimid của Hồi giáo. Những đồng tiền này được đúc ở các thành phố xa xôi như Cairo của Ai Cập và thủ đô Sicilia của Palermo. Theo đó có thể thấy tiền tệ thời điểm đó lưu hành thông qua một chế độ thống nhất. Và xét theo giá trị của chúng, có thể nhận thấy Caesarea là một thành phố thịnh vượng, nhộn nhịp vào cuối thế kỷ 11.
Theo giả thuyết, có thể 2.000 đồng tiền vàng này là tiền lương trong một tháng của binh lính quân đội thời xưa, tuy nhiên, kho báu đã bị mất vì tai nạn chìm tàu. Hoặc trong trường hợp khác chúng bị rơi khỏi boong tàu khi gặp bão, hoặc bị cướp biển đánh chiếm tàu quân đội dẫn đến tàu bị chìm….
Kể từ khi phát hiện ra những đồng tiền vàng, Fayer và những đồng nghiệp của ông đã cùng hợp tác làm việc với IAA, mở rộng tìm kiếm những kho báu khác xung quanh Caesarea và những nơi khác dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Họ cũng tiến hành khám phá ở những khu vực xa hơn bao gồm vùng ven biển thành phố Netanya, tuyến đường mà các tàu Phoenician và La Mã cổ đại đã đi qua rất nhiều để giao thương, buôn bán. “Đối với tôi, khám phá không bao giờ là có giới hạn. Tôi yêu biển và yêu cả nền văn hóa cổ đại dưới đáy biển nơi đây”, ông Fayer nói.
Những di tích từ thời La Mã cổ đại còn tồi tại ở Caesarea |
Không chỉ dưới biển, giờ đây ở Caesarea vẫn còn rất nhiều công trình từ thời cổ xưa vô cùng nổi tiếng. Những công trình đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ 4 TCN nhằm tạo ra một điểm buôn bán tấp nập. Vào năm 96 TCN, thành phố dưới sự cai trị của hoàng hậu Ai Cập Cleopatra. Nhưng vùng này đã bị người La Mã chinh phục, và Caesarea - sau đó được đổi tên gọi là Stratonos Pyrgos (tháp Straton) - đã sớm được trao lại cho Herod Đại đế, một vị vua của vùng được La Mã chỉ định. Sau đó, thành được vua Herod Đại Đế xây dựng lại làm thành phố cảng và đặt cái tên này để tưởng nhớ Hoàng đế La Mã Ceasar Augustus.
Dưới thời Herod vĩ đại, Caesarea phát triển nở rộ. Nhà vua đã ra lệnh xây dựng các bức tường ngăn để tạo thành bến cảng biển khổng lồ, cùng với đường ống dẫn nước để phục vụ cho hơn 100.000 cư dân vào thời đó. Đấu trường đua ngựa được xây dựng sàn đấu hình oval cùng những bậc ghế bằng gỗ, cầu thang và hành lang được thiết kế thông minh để tạo lối thoát nhanh nhất. Một quảng trường rộng với khoảng 3.500 chỗ ngồi và đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc hành hình. Đấu trường uốn 2 tầng đủ sức chứa 25.000 khán giả, lối ra gồm rất nhiều hành lang. Bên cạnh là đền thời, chợ, các nhà tắm hơi công cộng, và nhà hát mái vòm có sức chứa tới 20.000 người để theo dõi cuộc đua ngựa và hay những trận đấu của các đấu sĩ La Mã.
Vào năm thứ 6 sau Công Nguyên, Caesarea trở là thủ đô của Rome thuộc vùng đất Judea và đây cũng là quê hương của nhiều thống đốc La Mã nổi tiếng, trong đó bao gồm Pontius Pilate, người cai trị trong thời của Chúa Giêsu lịch sử. Tiếp đó, khi dân Do Thái nổi dậy chống lại chế độ La Mã giữa năm 66-70 sau Công Nguyên và thành Jerusalem bị phá hủy, Caesarea tiếp tục trở thành trung tâm chính trị và kinh tế của khu vực.../.