Trước một số vụ xâm hại tình dục diễn ra trong thời gian qua, trường ĐH Hoa Sen (TP HCM) mới đây đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Lá chắn thép cho trẻ em bị xâm hại tình dục”. Hội thảo đã thu hút rất đông sinh viên các trường đại học tham gia.
Giảng viên Doãn Thiên Ngọc, Khoa Khoa học Xã hội, trường ĐH Hoa Sen kể bà từng giúp đỡ bé gái 9 tuổi bị chính anh trai xâm hại. Bé gái nói với mẹ nhưng người mẹ cho rằng anh trai chỉ đùa giỡn. Chưa hết, khi đi bán vé số, bé tiếp tục bị một số đối tượng nam cho xem video “nhạy cảm”.
Rồi người mẹ lúc đi bán vé số cũng suýt bị cưỡng bức. Thế nhưng, khi được gợi ý tham vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý, người mẹ này vẫn từ chối cho cả hai mẹ con vì nghĩ rằng “không cần thiết”…
Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn LS TP HCM), Chi hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, nhìn nhận: “Xâm hại trẻ em là một vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Đặc biệt, thực trạng như hiện nay một phần do ý thức của người lớn, trẻ em thì thiếu kiến thức, công tác tuyên truyền chưa tốt và hơn hết là môi trường giáo dục”.
Giảng viên Doãn Thiên Ngọc nhận xét: “Một số người có sức chịu đựng rất giỏi, im lặng chịu đựng không lên tiếng khi gặp vấn đề. Chính vì vậy cần phải nâng cao nhận thức cho người dân về giới và bình đẳng giới, phòng chống cho trẻ. Cộng đồng phải bài trừ xâm hại tình dục, có biện pháp phòng ngừa cho trẻ và xử lí sai phạm đúng người đúng việc”.
LS Nữ nói: “Đã đến lúc nói thật cho các em về vấn đề tình dục, xâm hại tình dục. Giáo dục cho các em và gia đình biết các quyền của trẻ em là sống không phải chỉ tồn tại, mà phải được sống an toàn lành mạnh; quyền được bảo vệ, được gia đình, nhà trường, xã hội bảo vệ; quyền được tham gia vui chơi giải trí phù hợp và quyền phát triển”.
Theo LS Nữ, kí ức của một đứa trẻ theo suốt cuộc đời. Những gì không tốt cho trẻ sẽ mãi tồn tại không thể xóa được. Nên khi có ký ức xấu, trẻ dễ bị các bệnh về tâm lý. Về lâu về dài ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ rất nhiều. Quyền phát triển ở đây là phải cho trẻ một môi trường sống khỏe mạnh, không gây các tổn thương, đặc biệt là các tổn thương về tâm lý. Ở lứa tuổi này, các em rất dễ bị sốc, gia đình và nhà trường cần có trách nhiệm với trẻ, phải tạo điều kiện để trẻ được phát triển toàn diện.
Tiến sĩ chuyên ngành tâm lý Lê Minh Thuận phân tích thêm: “Khi trẻ bị xâm hại thì thường bị sang chấn tâm lý. Ở mức độ nặng rồi, đứa trẻ không còn phát triển bình thường nữa, dễ bị rối loạn ám ảnh về cuộc sống. Nên người có thể giúp đỡ ban đầu là những người trong công tác xã hội. Tiếp đến trẻ phải được trị liệu cùng nhà tâm lý trị liệu.
Cạnh đó, việc trao đổi giữa cha mẹ với con cái là rất quan trọng, giúp trẻ vững tin để tâm sự. Để phòng chống, gia đình phải quan tâm, tương tác với con cái, đồng thời nhà trường cần xem xét, đưa giáo dục giới tính vào trong môi trường giảng dạy, phổ cập kiến thức cho các em”.
LS Nữ nêu: “Phải dạy trẻ ba nguyên tắc vàng: Cơ thể của các em là của các em, không ai được xâm phạm; gặp người lạ phải tránh ra 1m; và nếu thấy có dấu hiệu xâm hại là la lên”.
LS Nữ nhấn mạnh: “Im lặng là tội ác, khi trẻ có vấn đề, cha mẹ nên lên tiếng, nói với chúng tôi. Muốn giảm tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em, đòi hỏi sự chung tay của cả một cộng đồng. Hãy xem đây là chuyện chung chứ không phải là của riêng ai”.