Nơi để người dân trình bày, để thành phố lắng nghe
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 10 triệu dân với hơn 22 triệu tài khoản mạng xã hội hoạt động thường xuyên. Cùng với hệ thống 200 cơ quan báo chí, thành phố đang quản lý 355 trang mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử cung cấp một lượng thông tin khổng lồ cho người dân, cũng như tiếp nhận ý kiến đóng góp thông qua tương tác hai chiều. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có số lượng người sáng tạo nội dung lớn nhất cả nước... Điều này cho thấy, bên cạnh kênh báo chí, nguồn thông tin từ Internet, mạng xã hội là thành phần không thể không quan tâm trong công tác chỉ đạo điều hành của thành phố.
Còn nhớ, năm 2021, trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách kéo dài vì đại dịch COVID-19, bằng công cụ truyền thông mới qua mạng xã hội, Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” đã nhanh chóng được đông đảo người dân đón nhận và tạo nên sức hút đặc biệt.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 24/8 đến 15/9/2021, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TT&TT tổ chức sản xuất Chương trình livestream chia sẻ thông tin của người dân với chính quyền thành phố với tiêu đề “Dân hỏi - Thành phố trả lời”. Chương trình được phát sóng trên Fanpage của Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh, đồng thời được tiếp sóng qua các kênh truyền thông mạng xã hội Facebook và năm kênh truyền thông qua YouTube của Cổng thông tin Chính phủ, các cơ quan Trung ương và báo đài.
Chương trình đã thực hiện 15 số với nhiều chủ đề, tập trung vào các vấn đề người dân đang quan tâm gồm: y tế - điều trị; vắc-xin; an sinh - cứu trợ; bảo hiểm xã hội; đi lại; an ninh trật tự và kế hoạch phục hồi sau khi hết giãn cách. Trong đó, “nóng” nhất là vấn đề an sinh xã hội khi thành phố siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Nhờ tính tương tác rất cao giữa người dân với lãnh đạo chính quyền thành phố, chương trình thu hút được sự quan tâm rất lớn của người dân. Theo thống kê của Ban Tổ chức, đến ngày 17/9: Tổng lượt xem chương trình là 10,134 triệu lượt; tổng số người xem ở cùng thời điểm là 443 nghìn người; tổng số lượt bình luận trực tiếp tại chương trình hơn 481 nghìn lượt. Số lượng đơn điện tử đề xuất hỗ trợ các vấn đề an sinh xã hội là 1.571.895 đơn đăng ký qua Google Form và trên App An sinh...
Là người cùng tham gia dẫn chương trình, nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ với truyền thông: “Khi thành phố thực hiện giãn cách dài ngày, người dân bị trói buộc trong cơm, áo, gạo tiền, đằng sau những sợi dây giăng là rất nhiều khó khăn, là nước mắt người dân trong những con hẻm nhỏ hay ở những vùng sâu, vùng xa, trong đó có cả những trẻ em và người lớn tuổi. Chúng tôi đã nhận được hơn 500 nghìn câu hỏi, trong đó có nhiều câu hỏi liên quan đến gói an sinh. Chương trình đã cố gắng chuyển những thắc mắc, phản ánh của người dân đến chính quyền để tiến hành rà soát và hỗ trợ. Tuy chưa thể thỏa mãn hết được mong muốn của tất cả mọi người, nhưng chương trình đã là nơi để người dân trình bày, là nơi để thành phố lắng nghe và tìm những giải pháp hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn”.
Theo đánh giá của Sở TT&TT, mặc dù chương trình được thực hiện gấp rút nhưng vẫn đạt được các yêu cầu đề ra và được sự đón nhận của người dân là nhờ nội dung chương trình tập trung vào những vướng mắc, khó khăn của người dân trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. Đồng thời, chương trình có sự tham gia của những người có trách nhiệm cao nhất của chính quyền thành phố cũng như lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giúp người dân tin tưởng vào chương trình...
Đại dịch đã qua đi, nhịp sống đã trở lại bình thường nhưng điều đó không có nghĩa rằng người dân không còn mong muốn có sự kết nối với chính quyền thành phố nữa. Ngược lại, qua việc chính quyền đối thoại trực tiếp với dân thông qua livestream trên mạng xã hội là lần đầu chưa từng có trong tiền lệ trong thời gian đó, đã cho thấy sự mạnh dạn, tiên phong trong cách nghĩ, cách làm, thể hiện chính quyền thành phố luôn mong muốn lắng nghe, đối thoại với người dân để kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc. Nhiều vấn đề mà người dân thắc mắc được giải đáp một cách trực diện tại chương trình, làm cho người dân có cảm giác được lắng nghe, được chia sẻ, từ đó củng cố thêm niềm tin của người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai đang lan rộng như hiện nay.
“Lắng nghe mạng xã hội” - nối người dân và chính quyền
Hệ thống “Lắng nghe mạng xã hội” là một bước tiến quan trọng của TP.Hồ Chí Minh đến đô thị thông minh. (Nguồn: TT). |
Từ thực tiễn này, cuối tháng 2 vừa qua, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”. Với khả năng thu thập, phân tích dữ liệu từ các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác, phần mềm "Lắng nghe mạng xã hội" giúp các cơ quan quản lý thực hiện ba nhóm nhiệm vụ: tổng hợp thông tin; phân tích và đánh giá thông tin; dự báo xu hướng trong thời gian tới, giúp lãnh đạo thành phố nắm bắt nhanh nhất diễn biến về các lĩnh vực, hoạt động của chính quyền cơ sở được người dân phản ánh trên các nền tảng mạng xã hội. Thông tin thu thập được trên mạng Internet về thành phố là nguồn tư liệu quan trọng giúp chính quyền, các cơ quan tham mưu có thể dựa vào để đề xuất tối ưu hóa chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nhu cầu, mong muốn chính đáng của người dân.
Phần mềm còn có thể giúp các tổ chức quản lý và định hình dư luận công cộng thông qua việc theo dõi và phân tích các trào lưu, ý kiến và cảm xúc trên mạng xã hội, nhất là các nội dung, diễn biến thông tin của các đối tượng thù địch, chống phá, lợi dụng mạng xã hội và nền tảng Internet để kích động, kêu gọi chống lại chính quyền và các chủ trương, chính sách...
Tại ra mắt phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”, theo Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Hòa, phần mềm lắng nghe mạng xã hội của thành phố có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng Online khác. Ngoài ra, phần mềm được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý. Phần mềm cũng cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu.
Về tính ứng dụng của phần mềm, ông Nguyễn Thanh Hòa cho hay, phần mềm được sử dụng để giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các hoạt động, các ý kiến đánh giá, đóng góp cho các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật khi triển khai trên thực tế; đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn... để từ đó xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn...
Theo thống kê mới nhất của Data Reportal, dân số Việt Nam đạt mức 99,19 triệu người vào tháng 1 năm 2024. Trong đó có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội. Điều này cho thấy mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, trung bình một người Việt Nam dành 2 tiếng 25 phút mỗi ngày để lướt mạng xã hội. Có thể nói, việc TP Hồ Chí Minh triển khai hệ thống ứng dụng phần mềm lắng nghe mạng xã hội là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Hệ thống này giúp chính quyền thành phố nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường sự tương tác với người dân. Thiết nghĩ, mô hình lắng nghe mạng xã hội của TP Hồ Chí Minh nên được nhân rộng đến các địa phương khác trên toàn quốc. Việc chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai hệ thống sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.