Chuyến đi “tự thân vận động”
Trong giai đoạn 2016-2019, số lượng tìm kiếm các cơ hội du lịch một mình đã tăng 131% trên Google. Sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch, xu hướng này vẫn chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ngay tại thời điểm này, nếu làm một phép thử cơ bản trên Google thì có thể thấy ngay, từ khóa “du lịch một mình” bằng tiếng Việt hoặc “solo travel” bằng tiếng Anh đạt lần lượt trên 287 triệu và 2,1 tỷ lượt tìm kiếm. Còn trên Instagram, chỉ riêng #solotravel đã được liên kết với hơn 6,6 triệu bài đăng trên mạng xã hội này.
Đáng nói, xu hướng du lịch một mình không chỉ phổ biến với giới trẻ mà còn với cả những người lớn tuổi. Theo Booking.com, trong năm 2018, 40% người dùng từ 50-64 tuổi đã sử dụng nền tảng này để đặt phòng khách sạn và dịch vụ du lịch cho các chuyến đi “độc hành” của mình.
Mặt khác, theo thống kê của Klook - ứng dụng đặt dịch vụ du lịch tại điểm đến lớn nhất châu Á, từ năm 2016 đến năm 2019, loại hình du lịch một mình đã cho thấy mức tăng trưởng đáng kể qua từng năm. Đến năm 2019, nó đã chiếm 11% thị trường du lịch toàn cầu.
Năm 2019, 71% du khách một mình đã đến thăm Úc, khiến nước này trở thành điểm đến quốc tế nổi tiếng nhất đối với loại hình du lịch này. Ước tính, có tới 84% khách du lịch một mình là phụ nữ. Phụ nữ được khảo sát cho biết họ đi du lịch một mình để tận hưởng những điểm đến và trải nghiệm mới, cùng với việc khám phá bản thân.
Theo thống kê của Agoda, trong năm 2018, 61% người tham gia đã chọn du lịch một mình vì họ muốn thư giãn và giảm căng thẳng. 39% còn lại vì hai lý do tạm thời rời bỏ cuộc sống bình thường để khám phá những nền văn hóa mới. Ngoài ra, những người tham gia cuộc khảo sát của Agoda cho biết ngoài những lý do phổ biến, họ mong muốn có được sự độc lập và đạt được một số kỹ năng khác như quản lý tài chính, sử dụng ngôn ngữ…
Bên cạnh đó, cuộc sống bận rộn trong xã hội hiện đại cũng là một động lực đáng kể, khi nhiều gia đình, nhóm bạn bè khó có thể sắp xếp thời gian, tiền bạc cho một chuyến du lịch cùng một lúc. Theo đó, nhiều người sẽ chọn cho mình một thời điểm du lịch không phụ thuộc và không phải chờ đợi người khác. Một số du khách cũng chia sẻ về lý do chọn du lịch một mình là để thử thách bản thân và chia sẻ “thành tích” của mình trên mạng xã hội.
Việt Nam nhiều năm nay cũng được các website, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là quốc gia thích hợp cho khách du lịch “độc hành”. Các điểm du lịch một mình ở Việt Nam rất đa dạng, trải dọc theo dải đất hình chữ S từ Hà Giang – vùng đất cực Bắc Tổ quốc đến Mũi Cà Mau – điểm cực Nam Việt Nam.
Đáng chú ý, trước đây, người Việt Nam ít đi du lịch một mình bởi một nét văn hóa truyền thống đặc thù. Đó là, nếu ở một số quốc gia như Mỹ hoặc châu Âu, hầu như người lớn sống một mình, họ không sống với cha mẹ hoặc anh chị em của họ khi họ 18-20 tuổi thì ở châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam, hầu như người lớn sống với cha mẹ ngay cả khi họ đã kết hôn.
Thực tế này không có nghĩa là du lịch một mình sẽ bị bỏ qua khi thế hệ trẻ ở Việt Nam đang trở nên độc lập hơn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ số giúp du khách ngày càng dễ dàng và chủ động lên kế hoạch, đặt dịch vụ cho chuyến du lịch theo kiểu “tự thân vận động”.
Phụ nữ ngày càng đi du lịch một mình nhiều hơn. |
“Độc hành” cùng trách nhiệm
Có nhiều chuyên trang du lịch nổi tiếng như Solo Traveller, Solo Travel World, Lonely Planet, Best Single Travel, Flash Pack, Intrepid Travel, Solos, Women on the, One Traveller… đã hoạt động mạnh trong nhiều năm nay, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các du khách độc hành trên toàn cầu. TripAdvisor - trang web nổi tiếng nhất về đánh giá du lịch trên thế giới đã mở một diễn đàn riêng về chủ đề du lịch một mình.
Trên các diễn đàn trao đổi, có thể thấy rằng khách du lịch nữ ngày càng ý thức được tác động của chuyến du lịch của họ đối với môi trường và văn hóa địa phương. Theo trang web “Women on the Road” – một chuyên trang du lịch dành cho phụ nữ “độc hành”, du lịch ngày nay không còn chỉ là hướng về các điểm đến và trải nghiệm với một nền văn hóa nào đó, du khách còn “gánh vác” một “trọng trách” với sự phát triển bền vững của địa phương nơi mình đặt chân đến. Đó là trách nhiệm giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch đến với xã hội, kinh tế và môi trường tại địa phương đó, giúp tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn cho người dân, nâng cao cuộc sống của cộng đồng bản địa.
Cụ thể hơn, chuyên trang du lịch nêu trên đã chỉ ra những du khách “độc hành” khôn ngoan luôn nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với văn hóa, kinh tế, môi trường và nền chính trị bản địa. Đối với văn hóa, họ cần tìm hiểu trước và cố gắng hòa nhập với nền văn hóa bản địa mà không làm gì xúc phạm, phỉ báng, phá hủy nó. Đặc biệt, có nhiều điểm đến ưu tiên việc bảo tồn di sản văn hóa hơn du lịch thì hãy tôn trọng những nội quy đó, đồng thời tránh tiếp xúc với những văn hóa độc hại, hủ tục cần loại bỏ.
Du lịch có trách nhiệm với văn hóa, kinh tế và môi trường bản địa. |
Tiếp theo là du lịch có trách nhiệm với kinh tế, tức là ý thức hơn về chi tiêu tại điểm đến. Ngày càng nhiều du khách đi du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng quan tâm đến việc mua các sản vật gần nhà sản xuất nhất để người dân địa phương có khả năng được hưởng lợi lớn hơn từ du lịch, chứ không phải một công ty đa quốc gia đang khai thác du lịch tại đó. Nhiều du khách thậm chí nhạy cảm hơn khi nhận ra việc cho tiền những trẻ em ăn xin tại điểm đến cũng có thể khiến chúng bị bóc lột nhiều hơn.
Cuối cùng là du lịch có trách nhiệm với môi trường và nền chính trị bản địa. Đó là việc dừng xả rác, nhựa, bao bì, túi nilon ra môi trường xung quanh; dừng lãng phí nước và thức ăn; cẩn thận khi tiếp xúc với động vật hoang dã và không mua bất kỳ sản phẩm nào được làm từ những động, thực vật quý hiếm, ví như ngà voi, san hô, các loại “thuốc” làm từ động vật quý hiếm… Đó cũng là việc tôn trọng pháp luật, tục lệ và nền chính trị tại địa phương. Nói nôm na, bất kể du khách ngoại quốc khi đặt chân đến lãnh thổ của đất nước hoặc địa phương khác, họ phải biết cách “nhập gia tùy tục”.
Tổng quan, khách du lịch một mình không phụ thuộc vào một chương trình cố định hoặc kế hoạch của người khác như khách du lịch truyền thống. Du khách chọn du lịch một mình làm tất cả những gì họ muốn như đi đâu, đưa đón như thế nào, ăn gì, ở đâu, làm gì… và tận hưởng chuyến đi theo cách riêng của họ. Du lịch một mình còn là cách tốt nhất để làm chủ hành trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Đáng nói, rất nhiều du khách “độc hành” là những người có học thức cao và có trách nhiệm.
Theo một thống kê của trang web Solo Travel World trong năm 2018, 50% người được khảo sát cho biết họ đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, 35% cho biết đã có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Mặt khác, họ cũng là những người có thu nhập cao vì chi phí đi một mình luôn cao hơn đi theo nhóm. Nếu không có dịch bệnh, những đối tượng này có thể thực hiện trung bình 3 chuyến đi du lịch một mình mỗi năm.
Do vậy, để thu hút thị trường tiềm năng này, từ lâu, nhiều công ty du lịch trên thế giới đã cung cấp các dịch vụ và thông tin nhắm đến loại khách du lịch này. Tại Việt Nam, nếu các đơn vị lữ hành nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu này và cung cấp dịch vụ thì thị trường này được hứa hẹn là một lĩnh vực tiềm năng trong nước.
Các đơn vị lữ hành có thể quảng bá các dịch vụ riêng lẻ trong một tour trọn gói thay vì cung cấp trọn gói, cách này dễ thích nghi hơn và phù hợp hơn với truyền thống, văn hóa nước ta. Trong những chuyến đi này, những người tham gia vẫn có thể “độc hành” nhưng không hoàn toàn đơn độc khi được gặp những người khác có điều kiện, thói quen và lối sống tương tự.