Đã quá nhiều chuyện đầu độc nhau bằng thực phẩm bẩn đủ loại, từ sau đẫm thuốc sâu đến cá khô ngậm hóa chất, từ nội tạng lợn, chân gà thối đưa lên bàn nhậu đến quả mít, sầu riêng, dưa hấu tiêm thuốc độc, từ các món ăn vặt, nước uống trước cửa trường học cho trẻ nhỏ đến rượu ngoại trên bàn tiệc,... tất thảy đều độc hại và điều đáng ngạc nhiên là có cứ liên tục diễn ra không có hồi kết.
Thỉnh thoảng lại phát hiện ra một vụ “động trời” như bánh phở ngâm phooc-môn hay xúc xích có chất gây ung thư,... mới đây, người ta còn phát hiện ra các loại hóa chất bán công khai tại một chợ với hướng dẫn cụ thể để pha chế thành nước mắm, chỉ một vài thìa canh loại hóa chất này là pha với nước lã là có 1 lít nước mắm “thơm ngon, đậm đà hương vị Việt”.
Đó là các thực phẩm vào miệng chúng ta hàng ngày, còn góp phần tích cực để tỷ lệ ung thư của người Việt Nam mỗi năm một cao hơn là sự xả thải công nghiệp vào nguồn nước, môi trường, là hàng nghìn tấn thuốc “bảo vệ thực vật” từ diệt cỏ đến diệt sâu, từ kích thích ra ngọn đến đậu quả, kết trái,... mà bà con nông dân thường dùng. Đáng nói là các loại thuốc này đều có nguồn gốc nước ngoài hoặc không rõ xuất xứ.
Bất an hơn nữa là nơm nớp mối lo sợ trẻ em bị bắt cóc, bị xâm hại tình dục. Những hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho trẻ thực hành chống lại kẻ bắt cóc hay phản ứng cảnh giác trước người lạ lại càng khiến chúng ta hoang mang hơn. Có thể tin được không, một thầy giáo tiểu học mà lại dâm ô với học sinh nhiều lần và với nhiều em? Những bà mẹ trẻ nơm nớp lo con bị bạo hành trong các trường mầm non tươi sáng, bảo mẫu như ác quỷ. Thói gian dối trong giáo dục lên ngôi đến mức, cô giáo Hiệu trưởng ém nhẹm việc taxi mình đi đâm gãy chân học sinh của mình trong sân trường và mới đây nhất, cô giáo không bằng lái lùi xe khiến một học sinh chết, một em bị thương mà thầy giáo nhận thay là mình lái, Hiệu trưởng xác nhận thầy giáo này đã “lái xe 16 năm”(?!).
Nhà giàu cũng khóc khi những món tiền tỷ gửi ngân hàng của mình bỗng dưng bốc hơi, nhà nghèo khốn khổ vì con không được khai sinh khi bố mẹ chưa đóng được tiền đường cho xã, những người chăn trâu bò khóc ròng vì bị thu phí “đồng cỏ”, toàn thể nhân dân lo lắng vì sự xuất hiện ngày càng nhiều các sắc thuế và liên tục tăng cao.
Bất an hiện diện và tiềm ẩn trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội như vậy mà không ai chịu trách nhiệm, chẳng ai từ chức thì tất nhiên, nỗi bất an này còn kéo dài và kéo lùi sự tiến bộ xã hội.