Khi những mảnh vụn lụa là bay bổng

Anh Lê Việt Cường tặng tranh cho Trung vệ Bùi Tiến Dũng (Đội tuyển Quốc gia Việt Nam) trong một lần ghé thăm và tặng quà Vụn Art
Anh Lê Việt Cường tặng tranh cho Trung vệ Bùi Tiến Dũng (Đội tuyển Quốc gia Việt Nam) trong một lần ghé thăm và tặng quà Vụn Art
(PLVN) - Gom nhặt những mảnh lụa vụn bỏ đi từ các xưởng may của làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng, sự nỗ lực vượt lên chính mình của những người khuyết tật, những mảnh vụn lụa ấy đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Đó cũng là cách Hợp tác xã Vụn (Vụn Art) thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ của những mảnh đời kém may mắn, từng chút tự bước ra cuộc sống…

Lung linh trong thế giới lặng im

Những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 50 độ C, vậy nhưng ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), trong hai khu vực trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm của Vụn Art, cửa lúc nào cũng mở rộng. Ở đó, những người khuyết tật hầu hết còn ít tuổi, đang say sưa vẽ, cắt, dán, đính những chi tiết nhỏ xinh được làm từ vải lụa vụn, để hoàn thiện những bức tranh vải sống động. Vẫn hình ảnh lợn Đông Hồ, đám cưới chuột, em bé ôm gà, hay Văn Miếu, hồ Gươm…; nhưng khi được tạo hình bởi sắc tươi rực rỡ của thứ lụa nức tiếng cả nước bỗng trở nên lung linh và đầy tươi mới.

Trong phòng chỉ có quạt, không điều hòa, những bạn trẻ khuyết tật (bạn thiểu năng, bạn điếc, có chị khuyết tật vận động từng bị trầm cảm… ) vẫn tỉ mẩn với từng vụn vải nhỏ, để tạo thành nhưng bức tranh lớn nhỏ, những búp bê vải, những tạo hình vô cùng tinh tế và mang đậm hơi thở Việt…

Khi chúng tôi bước vào căn nhà gỗ xinh xắn giữa trung tâm làng lụa, thùng vải vụn đủ sắc màu để ở giữa phòng, mỗi người một góc, người chọn vải, ép mếch, người cắt, người dán… Từng công đoạn đều được các bạn trẻ làm với sự say mê. Ở góc phòng bên trái, Hằng (sinh năm 2000) đang cẩn thận là từng miếng vải vụn, có miếng nhỏ xíu và ép vào miếng mếch.

Góc phòng bên phải Trang (sinh năm 1997) đang dán từng chấm nhỏ xinh lên cánh của một chú gà trống, đôi khi chấm vải nhỏ như trêu ngươi khi không thể chạm đúng vị trí cần dán, Trang lại kiên nhẫn dùng đầu tăm nhấc miếng vải nhỏ như mắt của chú cá lên rồi tỉ mẩn dán lại.

Quảng ngồi giữa phòng mở điện thoại ra xem hình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến - rồi lại chăm chú nhìn tác phẩm mà mình đang thực hiện, mắt ánh lên niềm vui. Những đốm nắng chiếu vào bức tranh Quảng đang làm khiến hình ảnh Khuê Văn Các hiện lên lấp lánh.

Quảng, Trang, Hằng là những bạn trẻ câm điếc. Quảng, 21 tuổi từng được đi học nên biết chữ; Hằng biết vài từ đơn lẻ, còn Trang hoàn toàn không biết gì. Quảng bị khiếm thính bẩm sinh. Trước đây bố mẹ xin cho Quảng đi làm bốc vác, công việc quá vất vả so với vóc dáng gày gò và sức khỏe của cậu. Đến với Vụn Art, Quảng không chỉ tìm thấy một công việc phù hợp mà còn là việc mà cậu cảm thấy đam mê và yêu thích.

Dù không thể giao tiếp được, nhưng khi có khách quốc tế đến trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn, Quảng và các bạn trẻ khác vẫn có thể nhiệt tình hướng dẫn họ. Bùi Thị Dung (sinh năm 2001) là người làng Vạn Phúc, gắn bó với Vụn từ những ngày đầu tiên. Đây cũng là công việc đầu tiên của cô gái với đôi mắt to tròn, bị khuyết tật trí tuệ nhẹ và chỉ có một tay sử dụng được.

Những ngày đầu cô tưởng như bỏ cuộc, bởi rất khó khăn để có thể điều khiển được bàn tay cứng đờ của cô. Nhưng rồi bằng tất cả kiên trì, nỗ lực và nước mắt, giờ cô đã là một mắt xích trong những “miếng ghép” tỉ mẩn và kì công của VụnArt.

Ngoài các bạn trẻ 18-20, lớn tuổi nhất là chị Hoàng Thị Hậu, người làng Đa Sỹ (Hà Đông). Chị Hậu bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn, từng bị trầm cảm. Ngày đầu vận động mãi chị mới đồng ý làm tại Vụn nhưng sau này chị đã rủ thêm cả em trai, cũng là người khuyết tật gia nhập Vụn.

Những người khác, mỗi người một dạng khuyết tật, đa số đều là nỗi lo lắng của người thân khi không thể tự mình kiếm sống. Thế rồi khi đến với Vụn, họ đều được bố trí công việc phù hợp với khả năng của bản thân.

Ở Vụn Art có Trương Thị Hoàng Mỹ đến từ Cần Thơ. Mỹ là người bình thường, chồng cô là người khuyết tật. Năm 20 tuổi (2009), Mỹ quen chồng qua mạng; 2 năm sau họ làm đám cưới. Dù khi đó đã biết anh bị khuyết tật vận động do tai nạn, cô gái trẻ vẫn quyết khăn gói ra Hà Nội theo tiếng gọi của tình yêu. 

“Tôi sống trong gia đình bốn thế hệ, cả người già, trẻ nhỏ, gồm ông bà của chồng, mẹ chồng, vợ chồng tôi và cậu con trai 6 tuổi nên rất cần có thời gian chăm sóc gia đình. Đến với Vụn ngoài việc thời gian có thể linh hoạt, tôi thấy yêu công việc này, dù lương không đáng kể. Nhưng chỉ cần mình thấy đủ là đủ”…

Những “nghệ sỹ” đặc biệt của VụnArt
Những “nghệ sỹ” đặc biệt của VụnArt
Và những lớp học trải nghiệm cho các bé ngày cuối tuần
Và những lớp học trải nghiệm cho các bé ngày cuối tuần

Và linh hồn của Vụn Art

Đó là anh Lê Việt Cường (sinh năm 1976), Giám đốc Hợp tác xã Vụn, cũng là Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ về lý do anh thành lập Vụn Art. Anh mắc bệnh bại liệt từ nhỏ, anh đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật trong nhiều năm mới có thể tự bước trên đôi chân của mình, dù việc đi lại vẫn gặp khó khăn.

Là một người khuyết tật cho nên hơn ai hết, anh Cường thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi cũng như muôn vàn thách thức mà những người như mình gặp phải khi xin việc. Từ thực tế bản thân anh cũng ý thức, nếu không tìm cho bản thân một công việc, những người có hoàn cảnh như mình rất dễ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, cho nên luôn mong muốn làm thế nào để tìm được việc làm phù hợp cho mình và cả những người khuyết tật khác.

Anh Cường chia sẻ, Vụn Art ra đời năm 2017 từ ý tưởng làm tranh ghép vải của Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hà Đông. Từ 35 bạn trẻ khuyết tật (câm điếc, khuyết tật vận động, trí tuệ thể nhẹ…) tham gia lớp học ban đầu, hiện có 14 bạn trụ lại và đang làm việc tại Vụn.

“Những bạn khuyết tật ở xa được hỗ trợ thuê nhà, điện nước, ăn ở và nhận khoản trợ cấp từ 1 đến 4 triệu đồng để có thể đảm bảo được đời sống ở mức tối thiểu nhất. Ngoài việc tận dụng được vải vụn của bà con làng nghề, giúp bảo vệ môi trường, tôi mong có thể đưa ra thị trường những sản phẩm tốt. Hy vọng có thể tạo ra được những chuỗi giá trị từ việc tạo việc làm cho người khuyết tật, sau này khi có lợi nhuận sẽ trích lại để gây quỹ cho chính người khuyết tật, con em họ và tiếp tục đào tạo nghề…”.

Thậm chí, không cần trực tiếp làm việc tại Vụn, những người khuyết tật có thể nhận sản phẩm về làm tại nhà. Mô hình làm tranh ghép từ vải vụn cũng có thể nhân rộng ở các tỉnh, đặc biệt là các điểm du lịch bởi sản phẩm tốt và cạnh tranh được.

Với thâm niên 14 năm làm việc nhà nước, 8 năm làm ngoài, Cường luôn muốn truyền cho các bạn trẻ khuyết tật thông điệp “Nếu không làm được việc sẽ không ai nhận mình, sản phẩm của người khuyết tật cũng vậy!”.

Để Vụn Art vận hành được, ngoài khoản tiền tài trợ từ các cá nhân, tổ chức khoảng 350 triệu đồng, Cường đã đầu tư rất nhiều tâm huyết và khoản tiền khoảng 1,9 tỉ đồng và trong suốt 2 năm qua chưa nhận về 1 đồng nào.

Vậy nhưng, bỏ qua gánh nặng về kinh tế, với ánh mắt sáng lấp lánh, anh Cường hào hứng kể về những dự định mà anh ấp ủ để Vụn Art có thể phát triển. Hiện tại, số trẻ đến trải nghiệm làm tranh ghép từ vải vụn ngày càng tăng, các em được rèn tính kiên nhẫn, biết bảo vệ môi trường qua việc sử dụng đồ tái chế, hiểu và cảm thông với những người kém may mắn trong xã hội.

Các sản phẩm sử dụng tranh ghép từ vải vụn cũng sẽ được đa dạng hóa, từ chiếc túi thổ cẩm, ba lô hay tấm bưu thiếp nhỏ xinh… Các thợ thủ công khuyết tật có thể đưa ra thị trường những sản phẩm nghệ thuật, chất lượng - khi có việc làm, họ cũng có một cuộc sống vui vẻ, lạc quan không phải là gánh nặng với gia đình, xã hội.

Cùng với đó, những ngày đầu đi vào hoạt động, rất may, anh nhận được sự đồng hành từ họa sĩ Đặng Thị Khuê, một trong những tên tuổi khá nổi tiếng với nhiều triển lãm sắp đặt trong nước và nước ngoài mang đậm dấu ấn riêng.

Và ngày nắng cũng như ngày mưa, nữ họa sĩ năm nay đã 74 tuổi, đến với phố lụa để giúp học viên Vụn Art thực hiện những tác phẩm đẹp hơn, tinh tế hơn. Những bức tranh ghép vải ở Vụn Art luôn được bà thổi hồn bằng những mẫu tranh Kim Hoàng, tranh dân gian Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình… với màu sắc tươi tắn, rực rỡ.

Bên cạnh đó, Vụn Art còn hoạt động dưới mô hình không gian sáng tạo, thu hút các bạn trẻ, học sinh, sinh viên tới tìm hiểu tranh dân gian truyền thống và thực hành làm tranh ghép vải. Với sự giúp đỡ của một số tình nguyện viên người nước ngoài, Vụn Art cũng đang trở thành nơi kết nối du lịch, đưa du khách tới tham gia tua du lịch về làng lụa Vạn Phúc, khám phá điểm đến và trải nghiệm làm tranh từ vải vụn làng nghề.

Có thể nói, với những bước đi đầy tự tin của người thủ lĩnh kiên cường, cùng sự chung sức của nhiều trái tim nhân hậu, tài năng, Vụn Art sáng tạo từ chính tâm hồn Việt thuần khiết với những “gà, lợn nét tươi trong” … trên chất liệu lụa tươi tắn, rực rỡ. Và mỗi bức tranh là một độc bản không lặp lại, từ bàn tay khéo, vượt khó của những bạn trẻ khuyết tật, vượt lên chính mình, sẽ bay xa và đầy lưu luyến với những vị khách tới từ nhiều miền đất trên thế giới… 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.