Khi những đứa em trai là… nguồn cơn bất hạnh

Nuôi dạy, yêu thương các con công bằng là điều cha mẹ cần làm. (Ảnh minh họa)
Nuôi dạy, yêu thương các con công bằng là điều cha mẹ cần làm. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Trong gia đình người Việt, có những câu cửa miệng quen tai rằng: Là chị, con phải nhường em; Là chị, con phải lo cho em… Những câu nói này xuất phát từ quan điểm dạy dỗ của các bậc cha mẹ Việt: o bế con trai, thiên lệch con trai hơn rất nhiều so với con gái. 

Con trai được nuông chiều không phải động tay vào việc nhà từ nhỏ, con gái được dạy dỗ là phụ nữ phải hi sinh, nhường nhịn cho em, sau này cho chồng con. Thế nên đã có không ít câu chuyện đau lòng xảy ra từ mối quan hệ “anh em như thể tay chân” từ cách dạy dỗ lệch lạc này.

Tôi là ai, ruột thịt hay người ngoài?

Cách đây không lâu, câu chuyện của một bạn đọc giấu tên trong chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” của một tờ báo đã lấy nước mắt của rất nhiều độc giả. Bạn đọc giấu tên đó kể rằng cha mẹ cô có 5 người con và cô là đứa con gái thứ hai và cũng là độc nhất trong 5 anh em. Con gái độc nhất trong gia đình, nhưng thay vì thương yêu cô lại bị chính những người thân của mình đối xử bất công.

Từ tấm bé, cô đã phải dậy sớm hầu hạ cơm nước cho anh em trai đi học, tết đến chưa bao giờ được cha mẹ mua cho tấm áo manh quần mới, cho dù rằng họ có sắm túi lớn, túi bé áo quần cho các con trai. Khát khao đi học của cô bị bà mẹ sớm vùi dập vì theo bà con gái không cần học nhiều, chỉ lo cho con trai học là đủ.

Học hết cấp 2 cô phải nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền phụ mẹ lo cho anh em trai học. Noi theo cách ứng xử của cha mẹ, các anh em trai của cô cũng không hề tôn trọng cô, đối với họ cô chỉ là người giúp việc trong nhà. 

Lớn lên anh em trai bay nhảy, cô ở nhà chăm sóc cha mẹ ốm đau và khi người cha mất đi thì di chúc cũng chỉ để lại tài sản cho con trai, còn cô thẳng thừng bị coi là nữ nhi ngoại tộc. “Bố ốm nặng cũng tay tôi chăm sóc. Rồi bố qua đời cũng trên tay tôi. Ngày đưa tang bố xong, mẹ tôi họp gia đình các con lại và công bố bản di chúc. Mẹ cũng không gọi tôi về họp gia đình. 

Mẹ nói tôi là con gái đã đi lấy chồng, coi như người ngoại tộc. Bố mẹ tôi không để lại một dòng chữ nào trong di chúc mà có nhắc đến tôi hay dành cho tôi lấy một mét đất nào. Tôi đứng ngoài nghe lỏm mà uất hận nước mắt chảy dài. Khi mẹ công bố di chúc xong, quá uất hận tôi đã chạy vào nhà, tôi vừa khóc, vừa nói được mấy lời: Mẹ! Trước bàn thờ tang của bố, con hỏi mẹ con là gì của bố mẹ? Con có phải là con ruột của bố mẹ không?

Con có phải là em, là chị ruột của 4 đứa con trai của mẹ không? Tại sao lại đối xử với con bất công đến như thế. Con đã phải bỏ học cùng mẹ làm lụng nuôi các em nên người. Các em đi thoát ly xa, con ở nhà chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Sao bố mẹ lại nỡ đối xử với con như vậy được chứ? Nói được chừng ấy, tôi nghẹn lời, nước mắt trào ra. Tôi ào chạy ra khỏi căn nhà chưa từng có chỗ cho tôi…”. 

Tiếc rằng câu chuyện thiên lệch này không hề là chuyện cá nhân của bạn đọc nói trên mà ngược lại nó lại xảy ra trong cuộc sống khá nhiều. Ở tỉnh B đã từng xảy ra câu chuyện chị đầu độc em rồi cắt cổ tay tự tử. Căn nguyên câu chuyện bắt đầu từ sự hiếm muộn của một gia đình. Sau nhiều năm chữa chạy cầu cúng thì họ sinh được cô con gái và sau đó 3 năm sinh được cậu con trai.

Kể từ lúc đó con gái là người thừa trong gia đình. Bị cha mẹ yêu cầu nhường nhịn em tuyệt đối và bị đứa em bắt nạt là chuyện thường ngày của cô con gái. Đỉnh điểm câu chuyện khi sinh nhật lần thứ mười bảy, em trai đòi cha mẹ mua xe môtô phân khối lớn và được đồng ý ngay, trong khi chị gái cần vốn mở cửa hàng bán đồ lưu niệm thì không được chấp nhận.

Sau nhiều lần cãi vã với bố mẹ và em trai, cô con gái đã bỏ thuốc ngủ vào nước ngọt cho em trai uống. Nhưng khi thấy em trai mình lịm đi, cô sợ quá hô hoán mọi người đưa em đi cấp cứu rồi quẫn trí lấy dao cắt động mạch ở tay mình.

Sự yêu thương thiên lệch

Lắm câu chuyện bi kịch là vậy nhưng chắc chắn một điều rằng khi được hỏi thì có tới 99% ông bố, bà mẹ khẳng định trong nhà họ không có chuyện con yêu con ghét, rằng tất cả những đứa con đều được đối xử như nhau. 

Nhưng trên thực tế cái sự “như nhau” thật khó mà thực hiện được giữa những đứa con trong một gia đình. Thông thường các ông bố thiên về lý trí, thường yêu những người con ưu tú, giỏi giang, mang lại niềm tự hào, hãnh diện cho bản thân và cả gia đình. Còn những bà mẹ, nặng về tình cảm lại hay thương những đứa con yếu kém, thiệt thòi.

Mặt khác, ở nhiều gia đình, con trai thường được yêu chiều hơn bởi những ý nghĩ phong kiến: con gái là phải chăm chỉ, nết na và biết nội trợ; con trai chỉ cần khỏe mạnh để sau này nuôi cha mẹ và gánh vác những việc lớn trong gia đình. 

Từ cách yêu thương thiên lệch này mà đã xuất hiện những người anh/em trai có cách hành xử gia trưởng ngay chính với chị/em gái của mình và tiến tới là thành người đàn ông gia trưởng trong quan hệ xã hội và trong gia đình riêng của anh ta sau này. Trong nhà, chị/em gái phải hy sinh, nghỉ học đi làm để nuôi anh/em trai ăn học.

Nhưng khi thành danh thì chẳng ai nhớ đến sự hy sinh thầm lặng đó, cha mẹ chỉ quan tâm yêu chiều và ca tụng đứa con đã làm rạng danh gia đình, còn kẻ thành danh thì quay lại khinh thường người kém may mắn hơn mình.

Bàn về vấn đề này nhiều ý kiến cho rằng, thói gia trưởng “di truyền” từ thế hệ đi trước, bởi các bậc cha mẹ vẫn thường o bế, dạy dỗ con trai thiên lệch so với con gái. Ngay từ tấm bé, con trai đã không được dạy biết sẻ chia công việc với mẹ, với chị, biết nhường nhịn từ miếng ăn đến lời nói, biết lo lắng cho người thân thì làm sao có thể hình thành thói quen tốt và tinh thần trách nhiệm để gánh vác những việc lớn trong gia đình.

Theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, lâu nay truyền thống và truyền thông đều chỉ đi theo hướng một chiều, tức khuyên người phụ nữ phải làm thế này, thế kia mà quên rằng đàn ông mới là đối tượng cần tác động để thay đổi thói gia trưởng vốn là nguồn cơn của nhiều bất hạnh và bạo lực gia đình. Thế nên muốn sửa thói gia trưởng của đàn ông Việt chỉ có cách là nuôi dạy, yêu thương các con công bằng. 

Trong nội dung của mình, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành cũng đã nhấn mạnh những cản trở, phân biệt với phụ nữ và trẻ em gái ngay trong gia đình, từ phía chính cha mẹ sẽ khiến xu hướng bất bình đẳng giới trong xã hội gia tăng. Do vậy, cha mẹ ngay từ trong suy nghĩ cần tránh việc phân biệt đối xử với con cái, đặc biệt là phân biệt đối xử giữa con trai và con gái để tránh những mâu thuẫn trong gia đình.

Về mối quan hệ anh, chị, em theo Bộ Tiêu chí được xác định bằng nhiều tiêu chí nhưng điểm nhấn là hòa thuận, chia sẻ, nhường nhịn. Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị; cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.